Nghệ An: Đảm bảo mùa lễ hội 2019 diễn ra an toàn, văn minh
Lễ hội đền Cờn ở phường Quỳnh Phương, thị xã Hoàng Mai được xem là lễ hội cổ xưa nhất vẫn còn giữ được những phần lễ và phần hội vốn có như trước đây. Tuy nhiên, trong những mùa lễ hội đã qua, tình trạng lộn xộn, mất vệ sinh môi trường, mất vệ sinh an toàn thực phẩm, tình trạng tăng giá vé xe, thắp hương, đốt vàng mã tràn lan vẫn đang còn diễn ra.
Năm nay, thị xã Hoàng Mai đã sớm triển khai kế hoạch để tổ chức lễ hội năm 2019 đảm bảo an toàn, văn minh, trên tinh thần thực hiện nghiêm Nghị định số 110 của Chính phủ và Công văn số 9683 của UBND tỉnh. Cụ thể, ông Nguyễn Văn Bình - Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin Thể thao TX Hoàng Mai, Trưởng Ban quản lý di tích Đền Cờn cho biết: Ngoài công tác quản lý, chúng tôi cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền làm tốt công tác tổ chức lễ hội. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác đảm bảo an ninh trật tự, kiên quyết chấn chỉnh hiện tượng tăng giá trông giữ xe, trộm, móc tài sản của du khách khi tham gia lễ hội.
Khai hội bắt đầu từ ngày 15/2 âm lịch hàng năm, lễ hội đền Chín Gian ở xã Châu Kim, huyện Quế Phong là lễ hội lớn của đồng bào các dân tộc vùng miền Tây xứ Nghệ. Một trong những nghi lễ chính của lễ hội đó là cảnh chém trâu lấy thịt để tế các thần linh được tổ chức ngay tại sân đình. Qua nhiều lần tổ chức, nhiều ý kiến cho rằng cảnh chém trâu không đảm bảo tính nhân văn, giáo dục, nên cảnh chém trâu cũng dần được huyện Quế Phong thay đổi cách thức, nhưng vẫn đảm báo tính linh thiêng của lễ hội.
Ông Lương Sỹ Cường - Trưởng phòng Văn hóa -Thông tin Thể thao huyện Quế Phong: 2 năm qua, Quế Phong tổ chức chém trâu tượng trưng để tránh phản cảm. Mùa lễ hội năm nay, chúng tôi tiếp tục duy trì hình thức này.
Hàng năm, trên địa bàn Nghệ An diễn ra 29 lễ hội lớn, nhỏ. Trong đó, có nhiều lễ hội lớn, nổi tiếng, thu hút đông đảo nhân dân trong và ngoài tỉnh về dự như: Lễ hội đền Cờn, lễ hội đền Quả Sơn, lễ hội đền Cuông... hay lễ hội Xăng Khan, lễ hội Hang Bua, lễ hội đền Chín Gian của miền Tây xứ Nghệ. Việc tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2019 để đảm bảo nhu cầu tín ngưỡng của người dân cần được các cơ quan quản lý triển khai một cách nghiêm túc, hiệu quả.
Trao đổi với phóng viên, bà Phan Thị Anh - Phó phòng Quản lý di sản, Sở Văn hóa – Thể thao Nghệ An cho biết thêm: Đề nghị UBND các huyện, thành thị nâng cao công tác quản lý nhận thức, nâng cao ý thức cho người tổ chức lễ hội và người tham gia lễ hội; Bài trừ các hủ tục không đảm bảo tính văn minh, giáo dục của lễ hội; Chấn chỉnh các hoạt động dịch vụ trèo kéo du khách.
Mùa lễ hội 2019 trên địa bàn tỉnh Nghệ An sắp bắt đầu. Với sự quan tâm, chỉ đạo của các cơ quan quản lý góp phần đảm bảo cho các lễ hội diễn ra an toàn, văn minh, đáp ứng nhu cầu thưởng thức, tín ngưỡng về văn hóa tâm linh của người dân Việt Nam./.
Hoàng Hiếu - Thành Trung – Đài TTTH Hoàng Mai