Câu chuyện người Việt từ châu Âu về nước tránh dịch Covid-19 của anh Thành Trần sống và học tại Pháp, đi về từ Đức được hàng ngàn lượt chia sẻ, yêu thích. Anh Thành đã gọi chuyến bay của mình là chuyến bay nhân đạo khi chỉ có 18 hành khách trên máy bay 300 chỗ ngồi và hãng vẫn phục vụ chu đáo.
“Sống rồi!”
Anh Thành viết: “Khi máy bay đáp xuống Vân Đồn (Quảng Ninh), mọi người đều thở phào nhẹ nhõm: “Sống rồi!”. Trao đổi với Thanh Niên, anh Thành cho biết anh về đến sân bay Vân Đồn hai ngày trước và chuyến bay có 18 khách thì 17 khách là người Việt. Trước khi xuống máy bay, mọi người đều được khử trùng một lần, vào đến phòng khám khử trùng tiếp và lúc ra khỏi phòng lại thêm một lần nữa.
Sau đó, cả 18 người trên cùng chuyến bay được đưa chung lên một xe để đưa đi cách ly ở một doanh trại tại Bắc Ninh.
Vì số lượng người về cách ly trong thời điểm đó quá đông, đoàn được thông báo hai sự lựa chọn, nếu cách ly ở doanh trại quân sự thì mọi thứ đều được miễn phí, 3 người ở chung một phòng. Còn nếu cách ly ở khách sạn thì mỗi người được một phòng nhưng tự chi trả mọi chi phí, với điều kiện ai ở phòng nấy, không được ra hành lang.
Anh Thành chọn cách ly ở khách sạn để tiện làm việc. Anh tâm sự: “Suốt chặng đường từ sân bay đến nơi cách ly, tôi mới hiểu được vì sao Việt Nam phát hiện ca đầu tiên từ rất lâu, ngay sau Trung Quốc nhưng đến giờ này số ca nhiễm rất ít. Đó là vì chúng ta dồn hết tâm trí lực vào cuộc chiến này, với tâm thức phòng bệnh hơn chữa bệnh. Trong khi đó, châu Âu thì lại chọn phương cách khác”.
Hãy tuân thủ tuyệt đối những quy định
Đến giờ nghĩ lại, anh Thành vẫn cảm thấy rùng mình trong những ngày dịch Covid-19 vừa bùng phát ở châu Âu vì mọi thứ theo anh đều yên bình, mọi người vẫn vui vẻ, nhưng Covid-19 thì lặng lẽ thâm nhập vào sự vui vẻ, lạc quan ấy của mọi người.
“Thực tế đã đến với Ý, đang men dần qua Tây Ban Nha, rồi sẽ đến Pháp, Anh, Đức…”, anh nhận xét. Theo anh Thành, ý thức về việc đeo khẩu trang chính là một trong những nguyên nhân khiến dịch lan nhanh ở châu Âu. Ban đầu khi vừa có dịch ở Trung Quốc, vài người cũng đeo khẩu trang, nhưng sau đó truyền thông nói khẩu trang không có nhiều tác dụng trong phòng tránh dịch bệnh này, nó chỉ dành cho y bác sĩ.
Từ đó, xuất hiện làn sóng kỳ thị những người đeo khẩu trang. Nhiều người đã mua khẩu trang nhưng ra đường không dám đeo vì sợ bị xa lánh, bị dòm ngó. Tới khi dịch bùng phát tại châu Âu, người ta lại không tìm ra được khẩu trang vì không có nguồn cung.
Có lần, anh Thành mua được một chiếc khẩu trang với giá 3 euro ở Pháp và chỉ được mua duy nhất một cái. Sau đó, cả khẩu trang và nước rửa tay sát khuẩn anh đều không thể mua được.
Ngày 14.3, anh quyết định phải trở về Việt Nam. Và cảm giác được đất nước dang tay chào đón trở về trong những ngày này là điều hạnh phúc không nói nên lời.
“Từ đáy lòng, xin chân thành cảm ơn Tổ quốc đã dang tay!”, anh xúc động viết trên trang cá nhân. Anh Thành mong muốn mọi người từ châu Âu về Việt Nam cũng như các nước khác về tránh dịch hãy tuân thủ tuyệt đối những yêu cầu của nhà chức trách, của khu cách ly để bảo đảm sức khỏe của mình và cả cộng đồng.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin