Đời sống - Xã hội

Độc đáo nghề chạm, khắc mộc ở Đô Lương

10:02, 28/05/2020
Nghề mộc chạm khắc không chỉ đem lại thu nhập cao cho những người làm nghề ở Đô Lương, mà còn góp phần gìn giữ và phát huy giá trị truyền thống văn hóa làng quê xứ Nghệ. Công việc của họ chủ yếu là thi công các nhà thờ họ, đền, chùa trong và ngoài huyện.

Anh Phan Bá Chung, sinh nhăm 1984 ở xóm 3 xã Trung Sơn, huyện Đô Lương đã có 15 năm làm nghề thợ mộc. Những năm gầy đây anh chuyên nhận và làm nhà thờ họ. Bình quân mỗi năm, anh Chung cùng nhóm thợ làm 5 nhà thờ họ ở các xã trong và ngoài huyện như: Thanh Chương, Anh Sơn, Tân Kỳ, Yên Thành… Hiện nay, anh và tổ thợ đang làm nhà thờ họ Nguyễn Hữu 26 đời ở làng Viên Sơn, xã Viên Thành, huyện Yên Thành. Để hoàn thành một ngôi nhà thờ họ bằng gỗ phải mất khoảng thời gian 1 tháng. Anh Chung cho biết: “Làm nhà thờ khác với nhà ở đó là cấu trúc phải sắc nét hơn, chạm trổ rất nhiều đề tài. Nhân công giữa nhà ở và nhà thờ cũng rất khác nhau. Công làm của nhà ở đơn giản, khác với hoa văn tinh xảo của nhà thờ".

Anh Phan Bá Chung đang chỉnh sửa một mảng chạm.

Trên địa bàn huyện Đô Lương hiện có trên 10 nhóm thợ chuyên làm các nhà thờ họ và tu sửa, tôn tạo các  đền, chùa. Họ được truyền nghề từ những người thợ ngoài Bắc vào Đô Lương làm nghề từ thập niên 80 của thế kỷ trước. Những người làm nghề đều là thợ mộc giỏi, có kinh nghiệm lâu năm trong việc chạm khắc các hoa văn thường có ở các nhà thờ họ, đền, chùa như: lưỡng long chầu nguyệt, hổ phù, cá chép hóa rồng, rùa trong đầm sen, phượng tha kinh thư…

Một tổ thợ đang thi công bộ khung ngôi nhà thờ họ

Nhiều công trình lớn đã được các nhóm thợ đảm nhận. Điển hình như công trình phục dựng Thượng điện đền Quả Sơn đang được thi công với tổng lượng gỗ lên đến 120m3. Nhóm thợ gồm 13 người dự kiến sẽ hoàn thành công trình này trong thời gian 8 tháng. Đây là một công trình lớn nên việc chạm trổ trên các xà hồi, bẩy… đòi hỏi sự kỳ công. Công việc cần sự kiên trì, tỷ mỷ, tính nghệ thuật cao, óc thẩm mỹ và đôi bàn tay tài hoa, bù lại những người làm nghề lại có thu nhập khá cao.

“Trạm trổ Đền chúng tôi thi công theo cách truyền thống, tuân thủ bản vẽ thiết kế. Công trình này kỳ công, mẫu mã cũng khác hơn. Công làm của thợ 1 ngày dao động từ 500 đến 550 ngàn đồng”, anh Hồ Văn Đệ - một thợ chính đang tham gia làm đền chia sẻ thêm.

Một nhà thờ họ đang được dựng ở xã Thuận Sơn, huyện Đô Lương.

Các thao tác, kỹ thuật của nghề chạm khắc gỗ ở Đô Lương đa dạng, phong phú, gồm bốn loại chính: chạm trổ, chạm lộng, chạm nổi và chạm âm. Mỗi loại chạm ứng với từng loại sản phẩm nhất định. Chạm trổ là tạo nên hình tượng không gian ba chiều và tách rời, khiến ta có thể quan sát được hình tượng từ mọi hướng, thường có hình con người hay chim, thú. Chạm lộng cũng tạo nên hình tượng không gian ba chiều nhưng không tách rời nhau mà các hình tượng này dính liền nhau thành một dây, thường áp dụng đối với các hình tứ linh hay tứ quý trên các bao lam, thành vọng. Chạm nổi tạo hình tượng nổi một phần trên nền gỗ có văn hoa đính kèm, thường áp dụng đối với các bức phù điêu. Còn chạm âm là loại chạm đơn giản, khoét lõm vào bề mặt gỗ, thường áp dụng đối với các tấm liễn. Trong đó, khâu chạm khắc là khâu quyết định, là lúc người thợ thể hiện tài hoa, thả hồn cốt của mình vào từng thứa gỗ nhỏ.

Để tạo nên những mảng chạm tinh xảo, nghề chạm khắc gỗ ở Đô Lương cần đến rất nhiều dụng cụ chuyên dụng. Trong đó các loại đục giữ vai trò chủ chốt. Thông thường một bộ đục có khoảng bốn mươi chiếc, quy về bốn loại chính: đục bạt, đục dũm, đục tách và cây chàng. Đục bạt là loại đục thông thường, có lưỡi phẳng, dùng để phá nền, tạo khung mặt phẳng trong chạm nổi. Đục dũm có hình dáng gần giống như đục bạt nhưng bề mặt lưỡi mô lên như hình máng xối dùng để tạo các mặt cong. Đục tách có lưỡi hình chữ V dùng để khắc các đường nét. Cây chàng có lưỡi nhọn như hình mỏ con chim, dùng để khắc các nét nhỏ.

8.	Rất nhiều loại đục được các thợ chạm ở Đô Lương sử dụng hành nghề
Một thợ chính cần đến rất nhiều loại đục để hành nghề.

Anh Đỗ Xuân Đảo một thợ mộc ngoài Bắc đã vào Đô Lương làm nghề lâu năm chia sẻ: “Học nghề này khoảng 1 năm là làm được, nhưng ít nhất phải 3 năm trở lên tay nghề mới “cứng”. Các loại đục tầm 15 đến 20 cái là vừa, còn nhiều hơn thì khoảng 30 cái. Riêng “cao thủ” đục các đề tài khó thì cũng phải cần đến 40 loại”.

Nghề thợ mộc chạm trổ ở Đô Lương là một nghề đặc thù, ngoài việc mang lại thu nhập cao cho chính những người làm, nghề cũng góp phần tôn tạo, phục dựng các giá trị vật thể truyền thống của dòng họ, các di tích lịch sử văn hóa, đồng thời giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống văn hóa làng quê xứ Nghệ./.

Ngọc Phương

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện