Lớp học nghề đan chổi đót được UBND huyện Con Cuông phối hợp với trường Trung cấp Dân tộc nội trú Nghệ An mở tại bản Pha xã Yên Khê với hơn 40 học viên là người dân tộc Thái. Với phương châm “cầm tay chỉ việc”, các giảng viên đã tận tình chỉ dẫn, học viên dễ dàng tiếp thu và thực hành khá nhanh chóng, thành thạo. Những lớp học nghề như thế này đang được huyện Con Cuông triển khai tại một số thôn, bản trong toàn huyện. Chị Lương Thị Xuân ở bản Pha xã Yên Khê, huyện Con Cuông chia sẻ: Nghề đan chổi đót dễ làm và rất gần gũi với người dân. Tôi cố gắng học thật tốt để có thể kiếm thêm thu nhập khi nông nhàn, đặc biệt tạo ra sản phẩm du lịch phục vụ khách khu lịch.
Lớp học đan chổi đót do UBND huyện Con Cuông phối hợp với Trường trung cấp Dân tộc nội trú Nghệ An mở tại bản Pha xã Yên Khê. |
Hộ gia đình ông Nguyễn Văn Tân ở bản Liên Sơn xã Lục Dạ có thâm niên chăn nuôi gà nhiều năm nay nhưng chỉ dựa theo kinh nghiệm là chính, khi xảy ra dịch bệnh gây thiệt hại lớn. Tham gia lớp học nghề chăn nuôi gà, ông Tân nắm được những kiến thức cần thiết trong phát hiện, phòng và chữa bệnh cho vật nuôi, nhất là việc sử dụng thuốc, tiêm đúng liều, đúng cách. Từ chỗ chăn nuôi nhỏ lẻ, đến nay gia đình đã đầu tư chăn nuôi 3 lứa gà/năm, mỗi lứa trên 1.000 con.
Giáo viên cầm tay chỉ việc cho học viên. |
“Kiến thức thu được từ lớp dạy nghề không chỉ phục vụ công việc chăn nuôi cho gia đình, khi bà con hàng xóm có nhu cầu có thể giúp đỡ, cùng nhau phát triển kinh tế để ổn định cuộc sống”, ông Nguyễn Văn Tân chia sẻ thêm.
Nhằm góp phần nâng cao tỷ lệ lao động nông thôn có trình độ tay nghề và việc làm, thu nhập ổn định, thời gian qua, trường Trung cấp Dân tộc nội trú tỉnh đã phối hợp chính quyền địa phương các xã của huyện Con Cuông mở hàng chục lớp dạy nghề lao động nông thôn, thu hút đông đảo học viên tham gia. Đa phần các đối tượng tham gia học ở đây đều là những người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2020, huyện đã mở được 6 lớp với trên 300 học viên tham gia. Cầm tay chỉ việc là cách làm chủ yếu trong công tác dạy nghề được huyện Con Cuông triển khai thực hiện có hiệu quả. Sau khi học nghề, nhiều lao động đã áp dụng có hiệu quả vào phát triển sản xuất.
Nhiều lao động đã áp dụng có hiệu quả vào phát triển sản xuất sau khóa học. |
Ông Nguyễn Khắc Sỹ - Trưởng phòng Lao động thương binh xã hội huyện Con Cuông cho biết: Chúng tôi xác định phát triển công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn nhằm đa dạng các ngành nghề, giúp cho các lao động tiếp cận KHKT, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập. Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục kết nối mở thêm các lớp đào tạo nghề ngắn hạn đến các thôn, bản và các xã vùng khó khăn.
Việc phát triển các ngành nghề truyền thống ở huyện miền núi Con Cuông trong thời gian gần đây đang có nhiều triển vọng và đi đúng hướng, đặc biệt mở các lớp học nghề ngắn hạn tới tận các thôn, bản. Ngày càng có thêm nhiều người tâm huyết với nghề, thị trường được mở rộng, giúp tăng việc làm và tăng thu nhập. Hiện tại, huyện đang tiếp tục hoàn thiện kế hoạch phát triển nghề truyền thống gắn với du lịch cộng đồng để tạo sự đột phá và nâng cao mức sống cho người dân./.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin