Theo bà Phùng Thị Lý Hà, Phó tổng giám đốc Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội, đơn vị đã tổ chức đoàn tàu riêng SE23 theo hợp đồng với doanh nghiệp tại khu công nghiệp Dung Quất. Ngay khi tàu đến ga, cả khách và nhân viên phục vụ trực tiếp phải cách ly 14 ngày. Đoàn toa xe và khu vực ga được phun khử trùng dưới sự giám sát của Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ngãi.
Bà Hà cho biết thêm, ngành đường sắt đã lên phương án tổ chức chạy tàu đảm bảo quy định phòng chống dịch, được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Tại Lạng Sơn, sau khi đoàn khách nhập cảnh, một đơn vị du lịch đã vận chuyển họ từ cửa khẩu Hữu Nghị đến ga Đồng Đăng. Ôtô chạy thẳng vào ga để chuyển hành khách lên tàu.
Khách Trung Quốc xuống tàu tại ga Quảng Ngãi ngày 12/6. |
Đoàn khách Trung Quốc ở trên 3 toa xe giường nằm với 2 nhân viên đường sắt chuyên phục vụ trong suốt hành trình. Các nhân viên này mặc đầy đủ thiết bị bảo hộ y tế, không được di chuyển sang các toa xe còn lại.
Tàu chạy thẳng từ Đồng Đăng về Hà Nội, sau đó chạy tiếp vào Quảng Ngãi, không dừng tại các ga trên đường. Các toa xe chở chuyên gia Trung Quốc được khóa cửa lên xuống và chỉ được mở khi lấy suất ăn, trả xe đẩy. Nhân viên cung ứng đưa suất ăn tại cửa tiếp giáp giữa toa xe, sau khi người này rời đi thì nhân viên phục vụ toa chở khách Trung Quốc mới đến lấy xe đẩy đựng thức ăn.
Trước khi tàu đến ga Quảng Ngãi, chuyên gia Trung Quốc cũng phải mặc bảo hộ y tế. Khi tàu dừng, họ khẩn trương xuống tàu, ra ôtô đến khu cách ly.
Công tác vận chuyển các chuyên gia, lao động Trung Quốc từ ga Đồng Đăng đến Quảng Ngãi được ngành đường sắt thực hiện từ tháng 6, dự kiến sẽ có gần 1.000 người Trung Quốc đến tỉnh này làm việc sau Covid-19. Chuyến tàu đầu tiên khởi hành ngày 12/6, đưa 137 lao động từ ga Đồng Đăng đến ga Quảng Ngãi.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin