Đời sống - Xã hội

Về nơi bản có chuồng bò khủng và những điều mắt thấy tai nghe

09:38, 11/08/2020
Sau những ồn ào về “chuồng bò đẹp hơn nhà dân”, hay “chuồng bò khủng” ở bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương, chúng tôi đã tiếp cận cuộc sống của bà con nơi đây và tận mắt thấy, tai nghe những gì đang diễn ra nơi bản vùng cao của tỉnh Nghệ An này. 

Anh Lo Mằn, cư dân xóm 3, bản Văng Môn được nhận loại chuồng ghép đôi cùng chuồng bò của gia đình bố mẹ và được cấp 4 con bò. Anh kể, trước đây, người bản quê anh có thói quen nhốt trâu bò dưới sàn và thường thả rông, khi mùa rét đến, trâu bò chết trong rừng cũng không biết. Hoặc là nhốt trâu bò dưới sàn nên đầy mùi ô uế bẩn thỉu. Dịch gia súc rồi lây bệnh tật sang người xảy ra liên miên, nhiều nhà chán không dám chăn nuôi tiếp, nên cái nghèo cái đói cứ đeo đẳng người Ơ Đu. Đối với anh, từ ngày nhà nước cấp bò nuôi nhốt, thì thời gian rong chơi nhậu nhẹt với bạn bè cũng bỏ tự bao giờ, kể cả việc vào rừng tìm gỗ về bán, vì vắng một ngày là sợ bò chết đói, nếu không chăm tốt bò sẽ bị gầy.

"Ruộng không có, rãy giờ họ không cho làm nữa, cũng vất vả. Họ đã cấp bò rồi thì phải kiếm cỏ cho bò. Đi ra rồi thì không có ai trông bò cho, sợ bò chết rồi nhà nước lại phàn nàn thắc mắc là cấp bò cho mà không nuôi" - anh Lo Mằn bày tỏ.

Dự án Hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội (KT-XH) dân tộc Ơ Đu hỗ trợ cho mỗi hộ xây dựng một chuồng nhốt bò kiên cố.

Hộ anh Lo Văn Kháy, và hộ chị Lương Thị Xuyến, mỗi hộ cũng được nhà nước xây cho một cái chuồng bò kiên cố kèm với 4 con bò. Mấy ngày hạn nắng, cỏ trồng héo khô phải sang bản khác hoặc hái cỏ ven suối về cho bò ăn. Mấy hôm rồi có vài trận mưa, mọi người đều tranh thủ đi xới đất, bón phân cho cỏ, mệt nhưng vui.

"Cái chuồng bò này rất tốt, vấn đề là hơi vất vả với giống cỏ do thời gian vừa rồi hạn hán. Đây là lần đầu tiên tôi được cấp bò, xin cảm ơn Đảng và nhà nước quan tâm đến bà con dân tộc Ơ Đu" - anh Kháy chia sẻ.

Còn chị Xuyến cho biết: "Ta chưa một lần được nuôi bò và có cái chuồng bò đẹp như thế này. Chuồng bò mà mình tự làm thì làm đơn giản thôi, còn chuồng bò nhà nước cấp thì không chê cái chi nữa"

Đó là 3 trong số 77 hộ dân bản Văng Môn, xã Nga My, huyện Tương Dương, được Dự án Hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội (KT-XH) dân tộc Ơ Đu tỉnh Nghệ An giai đoạn 2016- 2025, cấp 280 con bê giống lai và mỗi hộ được xây một chuồng nhốt bò kiên cố, tổng trị giá hơn 12 tỷ đồng.

Căn cứ số lao động trong gia đình mà có hộ được cấp từ 2 hay 3 hoặc 4 con.
Căn cứ số lao động trong gia đình, dự án sẽ cấp cho các hộ từ 2 hay 3 hoặc 4 con bê.

Dân tộc Ơ Đu, một dân tộc rất ít người ở Việt Nam mà hiện chỉ có 179 hộ với 856 khẩu (Số liệu 2015) và bản Văng Môn là bản tái định cư Thủy điện Bản Vẽ năm 2006, bản thuần dân tộc Ơ Đu, với gần 100 hộ. Khi về đây, mỗi hộ được nhận một ngôi nhà sàn xây bằng bê tông kiên cố. Sau 14 năm, Văng Môn có nhiều hộ được tách ra như hộ anh Lo Văn Chung, Lương Văn Tứ, Lo Văn Bạch, Lo Văn Ồn, Lo Văn Thiên và Lo Văn Hiếu. Những hộ này đều đang ở nhà tạm, nhưng dự án vẫn cấp cho mỗi hộ 4 con bò và chuồng kiên cố như mọi nhà trong bản. Anh Lương Văn Tứ, 30 tuổi, Phó bản, kiêm công an viên cho biết, như hộ anh Lo Văn Chung vì mới tách hộ với gia đình bố là ông Lo Văn Trung nên đang ở nhà tạm, nhưng anh Chung vẫn được dự án cấp chuồng và 4 con bò, tới đây, bản sẽ được cấp thêm 28 con bò nữa cho các hộ còn thiếu. Trưởng bản Lo Văn Quyền, 30 tuổi, anh cho biết, chuồng bò ở đây đều được thiết kế như nhau, xây kiên cố, mỗi chuồng có thể nhốt từ 4 đến 10 con bò; lợp mái tôn chống nóng, có rèm chống rét, chống mưa bão, cọc và then là ống thép mạ kẽm cỡ lớn; nền bê tông, có máng đựng thức ăn, hố thải và hệ thống nước rửa chuồng.

Toàn cảnh bản Văng Môn nhìn từ trên cao.
Toàn cảnh bản Văng Môn nhìn từ trên cao.

Cả bản được trang bị 15 giếng khoan có độ sâu trên 40 mét, gắn bơm chìm đưa nước lên bồn chứa Tân Á. Mỗi giếng cấp nước sạch cho 5 đến 7 hộ, có đường dẫn nước về tận nhà và cấp khóa riêng, ngoài ra mỗi chuồng bò còn được trang bị một máy băm cỏ. Để duy trì chăn nuôi bò nhốt, người dân đã biết tận dụng cỏ dại ven suối pha bột cám ngô và khai hoang 8 héc ta trồng cỏ voi. Nhiều nhà còn dành mảnh vườn cho việc trồng cỏ. Trưởng bản Văng Môn, Lo Văn Quyền còn cho biết, từ khi nhà nước cấp chuồng và giống bò, cử cán bộ thường xuyên xuống bản kiểm tra dịch tễ, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc bò, thì người dân đã kiểm soát được dịch bệnh cho gia súc mà trước giờ chưa ai biết việc này; thêm nữa, bản làng luôn sạch sẽ, không còn ô nhiễm môi trường như trước đây. Những ngày này, người bản Văng Môn ai nấy đều tất bật, bận rộn cho việc chăm sóc bò, sáng nào cũng dậy sớm, bơm nước, rửa dọn chuồng gom thải xuống hố ủ, sau đó múc tưới bón cho cỏ, rồi bật máy băm cỏ cho bò ăn. Với quy trình khép kín như thế này, người Ơ Đu bản Văng Môn đã thay đổi căn bản phương thức sản xuất mới cho phương thức sản xuất lạc hậu cổ hủ trước đây. Đối với Trưởng bản Lo Văn Quyền, bản thân anh khi tách hộ với bố mẹ cũng phải ở nhà tạm rách nát hơn cái chuồng bò, nhưng khi được hỗ trợ 40 triệu đồng, cùng với việc tăng gia sản xuất, anh đã làm được ngôi nhà mới vào đầu năm nay. Một tương lai gần, chắc chắn những hộ tách ra, đang ở nhà tạm bợ sẽ được vay vốn trung hạn 5 năm, cộng với thành quả chăn nuôi, cũng sẽ có ngôi nhà mới. Qua những ồn ào mới đây, Trưởng bản Văng Môn Lo Văn Quyền bảo, ai làm sai người ấy chị trách nhiệm và đã có pháp luật nghiêm minh, anh thừa nhận, nhà nước “cho người dân Ơ Đu cái cần câu hơn là cho họ xâu cá”, người dân vùng cao đầu tư cái chuồng bò trị giá trăm triệu cũng như người miền biển đầu tư con tàu mấy chục tỷ để ra khơi. 

"Bản thân tôi cũng là người được hưởng lợi và là người trực tiếp bám sát, đồng hành cùng dự án này. Những cái họ đã làm tốt thì mình phải ghi nhận. Những ngôi  nhà đơn sơ tạm bợ đối chiếu với chuồng bò là họ mới tách hộ, tức là mới tách từ hộ bố mẹ ra, họ cũng đã đăng ký làm nhà mới, làm nhà ở và khi nào có điều kiện sẽ được hỗ trợ vay vốn ngân hàng chính sách xã hội để làm nhà" - Trưởng bản Lo Văn Quyến trao đổi.

Hướng dẫn bà con cách trộn cám ngô với cỏ cho bò.

Khi chúng tôi chuẩn bị rời bản Văng Môn cũng là lúc cán bộ khuyến nông và phòng nông nghiệp huyện Tương Dương đang triển khai hướng dẫn bà con trồng cỏ voi, hướng dẫn bà con cách trộn bột cám ngô với cỏ cho bò ăn; Trước đó dự án vừa mới cấp 20 khung cửi, 4 bộ khắc luống, giống dâu tằm, quần áo thầy mo, 75 bộ bàn ghế Xuân Hòa, rồi bộ cồng chiêng khèn pí, triển khai hoạt động của Câu lạc bộ học tiếng Ơ Đu, thành lập đội văn nghệ... Mới đây một nhà văn hóa cộng đồng khang trang bậc nhất các bản làng vùng cao cũng đã được đưa vào khai thác sử dụng. Một tin vui nữa, nay mai bản Văng Môn sẽ có một cây cầu dân sinh bắc qua suối Huồi Ngân để bà con tiện lợi trong việc khai hoang sản xuất. Những gì chúng tôi được nghe, được nhìn thấy không ảm đạm như những ồn ào dư luận mới đây. 


 

Lang Quốc Khánh

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện