Giữa tháng 6 vừa qua, gia đình anh Nguyễn Văn Hợi ở xóm Tân Xuân, xã Nghĩa Lộc, huyện Nghĩa Đàn mua gần 50 con lợn giống để tái đàn, phát triển kinh tế. Tuy nhiên, chỉ sau 1 thời gian ngắn, đàn lợn của gia đình anh có hiện tượng sốt, bỏ ăn và lăn ra chết. Anh cho biết, do xã không có cán bộ thú y nên việc thông báo và kiểm soát dịch bệnh của gia đình anh gặp khá nhiều khó khăn.
Gia đình anh Nguyễn Văn Hợi, xóm Tân Xuân, xã Nghĩa Lộc, huyện Nghĩa Đàn chăm sóc đàn lợn. |
Theo Nghị quyết 22 của Hội đồng nhân dân tỉnh, công tác chăn nuôi và thú y cấp xã được giao cho các chức danh như: nông nghiệp, địa chính, hội nông dân, đoàn thanh niên, dân quân tự vệ, mặt trận kiêm nhiệm. Tuy nhiên, các thành phần kiêm nhiệm không có chuyên môn chăn nuôi, thú y nên gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai công việc. Theo ông Nguyễn Viết Trung, Giám đốc Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện Nghĩa Đàn, khi bỏ chức danh thú y cấp xã, trung tâm gặp rất nhiều khó khăn từ việc triển khai tiêm phòng, phòng chống dịch, giám sát, chẩn đoán, điều trị bệnh cho đàn gia súc, gia cầm và cả trong công tác kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm.
Cũng theo Nghị quyết 22, ở cấp xã không có chức danh quản lý đài truyền thanh cơ sở. Vì vậy, nhiều xã, phường, thị trấn đã giao công chức văn hóa kiêm nhiệm công việc truyền thanh cơ sở. Trên thực tế, công chức văn hóa đã phải đảm nhận rất nhiều công việc trong các lĩnh vực về văn hóa, thể dục thể thao, lao động, thương binh xã hội, y tế. Khi được giao quản lý hệ thống truyền thanh, họ phải làm việc ngoài giờ hành chính. Do công việc mang tính đặc thù nên đã xảy ra rất nhiều khó khăn, bất cập.
“Theo luật công chức, chúng tôi làm theo giờ hành chính 8 giờ mỗi ngày. Nay phải kiêm nhiệm thêm truyền thanh chúng tôi phải làm thêm ngoài giờ hành chính. Chúng tôi không được đào tạo chuyên môn về biên tập tin bài và xử lý hệ thống máy móc truyền thanh nên rất khó khăn để triển khai công việc. Bên cạnh đó, theo quy định chúng tôi cũng không được hưởng chế độ gì khi kiêm nhiệm" - chị Nguyễn Thị Minh Tú, công chức văn hóa phường Hồng Sơn, thành phố Vinh chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Minh Tú - công chức văn hóa phường Hồng Sơn, thành phố Vinh thực hiện bản tin truyền thanh hàng ngày. |
Thực tế cho thấy, ở cấp xã, hệ thống truyền thanh cơ sở và cán bộ thú y có vai trò rất quan trọng. Theo các quy định trước đây, cán bộ truyền thanh cấp xã và nhân viên thú y là người hoạt động không chuyên trách và được hưởng phụ cấp hàng tháng. Tuy nhiên, với quy định tại Nghị quyết 22/ 2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh, cán bộ truyền thanh cơ sở và nhân viên thú y không phải là người hoạt động không chuyên trách cấp xã. Vì vậy, công chức kiêm nhiệm công tác này không được hưởng phụ cấp kiêm nhiệm. Đây được xem là một bất cập cần được xem xét và điều chỉnh kịp thời.
Theo ông Ngô Đức Quỳnh, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, thú y Nghệ An, Hội đồng nhân dân tỉnh cần xem xét, khôi phục lại chức danh thú y cơ sở nhằm kiểm soát tốt và đồng bộ các giải pháp từ Trung ương đến tỉnh, huyện, xã trong phòng chống dịch bệnh.
Đối với việc bố trí công chức văn hóa kiêm nhiệm truyền thanh cơ sở, bà Nguyễn Thị Anh Quang - Phó Chủ tịch UBND huyện Đô Lương cho rằng có rất nhiều bất cập và thiệt thòi cho các công chức kiêm nhiệm. Bất cứ một chính sách nào nếu triển khai trong thực tế có nhiều bất cập thì cần thiết phải xem xét để có sự điều chỉnh.
Tinh gọn bộ máy hành chính là điều cần thiết. Tuy nhiên, việc bố trí các chức danh cần đảm bảo sự phù hợp và hiệu quả công việc. Những kiến nghị từ cơ sở về bất cập trong chính sách kiêm nhiệm rất cần được xem xét. Vấn đề này thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân tỉnh và các cơ quan chức năng.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin