Theo chân cán bộ xã và ban quản lý bản Na Khướng, chúng tôi đến một khu vực trên dòng suối Huồi Tắm. Đây là dòng suối bắt nguồi từ phần đất của nước bản Lào, đi vào đất Việt tại xã biên giới Na Loi, có chiều dài hơn 4 km, hạ nguồn của con suối hợp lưu với dòng sông Nậm Nơn tại bản Xiềng Tắm xã Mỹ Lý. Theo người dân bản Na Khướng, xã Na Loi, Kỳ Sơn, trước đây con suối Huồi Tắm, có rất nhiều loại thủy sản. Suối Huồi Tắm là nơi cung cấp nguồn thực phẩm cho người dân trong vùng. Tuy nhiên, do tình trạng khai thác tận diệt các loại cá, cua, tôm, ốc... của con người, đã làm cho nhiều loại thủy sản trên dòng suối Huồi Tắm dần biến mất, trong đó có loài cá mát, một loài cá đặc sản quý hiếm và có giá trị kinh tế rất cao, là 1 trong 6 loài thủy sản cần được bảo tồn, phát triển ở các dòng sông, suối ở vùng cao.
“Cá mát trên đoạn sông Huồi Tắm này nhiều lắm. Tuy nhiên do người dân đánh bắt nhiều quá, nên nguồn cá cũng dần cạn kiệt. Để cá có thể hồi sinh trở lại, chi bộ và ban quản lý bản Na Khướng ta đã tổ chức tuyên truyền và vận động bà con cùng nhau khoanh vùng bảo vệ và giữ lại loài cá mát này” - ông Lương Văn Phong, bản Na Khướng, xã Na Loi, chia sẻ.
Khu vực bảo vệ cá trên suối Huồi Tắm. |
Năm 2016, Đảng ủy xã Na Loi, huyện Kỳ Sơn đã thông qua đề án bảo vệ, bảo tồn nguồn lợi thủy sản trên địa bàn, đặc biệt là bảo vệ nguồn gen cá mát, đồng thời có những chế tài xử phạt đối với những người dân trong và ngoài xã vi phạm. Xã chỉ đạo các bản như Piêng Lau, Na Loi, Na Khướng ban hành các hương ước để bảo vệ nguồn thủy sản, cụ thể là nghiêm cấm khai thác, đánh bắt thủy sản bằng hóa chất độc hại, chất nổ, xung điện và các phương tiện có tính hủy diệt khác. Người ngoài địa phương vào đánh bắt cá khu vực do người dân bảo vệ sẽ bị phạt tiền từ 500 đến 1 triệu đồng, còn đối với các hộ dân trên địa bàn xã Na Loi, nguồn thủy sản thuộc về toàn dân, những trường hợp đánh bắt thủy sản trái với hương ước của bản sẽ bị tịch thu dụng cụ và xử phạt hành chính.
“Hiện tại có 3 bản dọc khe Nậm Tắm đang thực hiện bảo vệ nguồn thủy sản, đặc biệt là cá Mát. Hầu hết người dân ở các bản làng này đã có ý thức bảo vệ rất cao, hiện nay các khu vực được người dân bảo vệ thì các loài thủy sản phát triển khá nhanh. Trong thời gian tới xã sẽ chỉ đạo các bản nhân rộng thêm các khu vực bảo vệ" - ông Lương Văn Cheng, Phó chủ tịch UBND xã Na Loi, Kỳ Sơn.
Cá mát rất được nhiều người ưa chuộng. |
Các bản làng được thành lập khu vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản theo từng đoạn khe suối cụ thể, được cắm biển báo cho người dân được biết, cấm khai thác và đánh bắt cá. Sau hơn 4 năm thực hiện mô hình bảo vệ nguồn lợi thủy sản ở Na Loi đã làm hồi sinh đàn cá Mát trên dòng suối Huồi Tắm, cá phát triển rất nhanh. Sự hồi sinh nhanh chóng của loài cá Mát cùng với các loài thủy sản khác… góp phần bảo vệ môi trường chung, đặc biệt người dân Na Loi đã dần nâng cao ý thức và cùng các lực lượng như Công an, Biên phòng làm tốt công tác bảo bảo vệ hệ sinh thái đầu nguồn nước, bảo vệ và ổn định khu vực biên giới Việt-Lào.
Nhân dân và các lực lượng chức năng kiểm tra các khu vực bảo vệ cá ở Na Loi. |
Mô hình bảo vệ cá mát ở xã biên giới Na Loi, Kỳ Sơn là một trong những cách làm hay, hướng đi phù hợp trong việc bảo tồn và phát triển loài cá Mát, loài cá đặc sản ở các khe, suối vùng cao. Đây cũng là giải pháp hữu hiệu thực hiện thành công mục tiêu bảo vệ môi trường sinh thái, bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học Miền tây Nghệ An gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc, làm nền tảng phát triển bền vững kinh tế, xã hội, văn hóa cho bà con xã biên giới Na Loi huyện Kỳ Sơn.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin