Lần đầu tiên nước ta tiến hành cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng hân dân các cấp trong bối cảnh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Việc lập phương án không tập trung quá đông người ở phòng bỏ phiếu trong ngày bầu cử và bầu cử theo giờ là điều cần thiết phải đặt ra. Vậy với những địa phương bị phong tỏa, giãn cách, có bệnh nhân Covid-19 đang điều trị được Bộ Y tế và Bộ Nội vụ hướng dẫn tiến hành bầu cử như thế nào? Những địa phương chưa ghi nhận ca mắc thì thực hiện ra sao? Phóng viên phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn về vấn đề này.
PV: Thưa ông, hiện chưa xác định được thời điểm kết thúc của dịch bệnh Covid-19. Mỗi địa phương lại có mức độ và nguy cơ bùng phát dịch khác nhau. Vậy, những kịch bản nào được Bộ Y tế đưa ra để chủ động phương án đảm bảo cho cuộc bầu cử an toàn trước dịch bệnh?
GS Trần Văn Thuấn: Cuộc bầu cử lần này có sự khác biệt so với các lần trước, đó là chúng ta tiến hành bầu cử trong bối cảnh nhiều địa phương đang ghi nhận có các ca bệnh Covid-19 và một số địa phương đang thực hiện giãn cách, thiết lập khu vực cách ly, phong toả để kiểm soát tình hình dịch bệnh.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn. |
Bộ Y tế đã ban hành Kế hoạch số 538/KH-BYT ngày 22/4/2021 về công tác y tế phục vụ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, trong đó nhấn mạnh vào công tác phòng chống dịch phục vụ bầu cử, tất nhiên cũng không quên các công tác y tế khác như trực cấp cứu, xử lý các tình huống khẩn cấp về y tế, an toàn thực phẩm…
Bên cạnh đó xây dựng các kịch bản, phương án tổ chức những hoạt động liên quan đến bầu cử ở địa phương có dịch và không có dịch Covid-19. Dù đối với kịch bản nào thì tại các địa phương vẫn phải tuân thủ đầy đủ các quy định phòng dịch như: đảm bảo vệ sinh môi trường, khử khuẩn bề mặt, vệ sinh ngoại cảnh tại các địa điểm tổ chức bầu cử Quốc gia, phân luồng đi vào khu vực bầu cử rồi đi ra theo 1 chiều; bố trí các Tổ y tế, chuẩn bị sẵn sàng các đội cấp cứu lưu động, dự phòng để ứng cứu trong trường hợp xảy ra những tình huống khẩn cấp chấn thương, cháy nổ, ngộ độc hàng loạt, thảm họa (nếu có).
PV: Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Y tế phối hợp với Bộ Nội vụ có hướng dẫn chi tiết phương án đối với địa phương có dịch và có bệnh nhân Covid-19 đang điều trị… Vậy phương án cho các địa phương này có điểm gì cần lưu ý trong cuộc bầu cử lần này, thưa ông?
GS Trần Văn Thuấn: Với những địa phương có dịch và có bệnh nhân Covid-19 đang điều trị thì phải có lực lượng mang hòm phiếu đến để bệnh nhân mắc Covid-19 và người thuộc diện cách ly tập trung, cách ly tại nhà, nơi lưu trú, cách ly tại khách sạn, cách ly tại cơ sở khám chữa bệnh để đảm bảo người dân được thực hiện quyền và nghĩa vụ bỏ phiếu.
Với những địa điểm có đông người cách ly tập trung, tổ bầu cử hướng dẫn tổ chức buổi bầu cử, các trường hợp cử tri không đến bỏ phiếu được tại địa điểm bỏ phiếu bầu cử theo quy định thì tổ bầu cử đưa hòm phiếu phụ đến với các cử tri, đảm bảo quy định phòng chống lây nhiễm dịch bệnh.
Hòm phiếu trước khi mang đến và mang đi được niêm phong và khử khuẩn. Người mang hòm phiếu đến khu cách ly tập trung hoặc đến gia đình có người cách ly tại nhà, được trang bị đầy đủ bảo hộ.
Người bỏ phiếu phải đeo khẩu trang, xếp hàng thực hiện giãn cách khi bỏ phiếu, cách nhau tối thiểu 2m, và được phân đi theo hướng 1 chiều vào bỏ phiếu.
PV: Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao cho Bộ Y tế xây dựng các tiêu chuẩn, tiêu chí như thế nào là địa phương có dịch và các biện pháp cụ thể đi kèm. Vậy đâu là những tiêu chí được đưa ra và thời điểm xác định như thế nào, thưa ông?
GS Trần Văn Thuấn: Địa phương nào đến ngày bầu cử mà đã đủ 28 ngày không có ca mắc mới trong cộng đồng thì được coi là địa phương chưa có dịch.
Ngược lại là những địa phương có dịch. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Y tế xây dựng các tiêu chí, tiêu chuẩn theo tình trạng dịch bệnh cũng như cách ứng phó cụ thể. Hiện tại, Bộ Y tế đang nhận góp ý từ các bộ, ban, nghành để hoàn thiện và sớm trình Thủ tướng Chính phủ.
PV: Để đảm bảo cho cuộc bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp lần này, theo ông các cấp ủy đảng, chính quyền và người dân cần phải làm gì thì mới đảm bảo được an toàn trước Covid-19?
GS Trần Văn Thuấn: Đối với người dân nhất thiết phải thực hiện nghiêm các biện pháp của Bộ Y tế, thực hiện 5K khi đi bầu cử gồm: Khẩu trang, Khử khuẩn, Khoảng cách, Không tập trung đông người và Khai báo y tế.
Đối với cơ quan chức năng và các địa phương thực hiện theo Kế hoạch của đơn vị mình xây dựng căn cứ theo Kế hoạch số 538/KH-BYT, ngày 22/4/2021 của Bộ Y tế về công tác y tế phục vụ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp và Công điện số 668 ngày 16/5/2021 về việc tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh trước và trong thời gian bầu cử. Bên cạnh đó, cần tăng cường kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định phòng dịch tại đơn vị bầu cử nói riêng và nơi công cộng nói chung; kiên quyết xử phạt các trường hợp vi phạm, như Thủ tướng Chính phủ đã nói: “không được để một người chủ quan, lơ là khiến cả xã hội phải vất vả”.
PV: Trong bối cảnh dịch bệnh đang lưu hành, các khuyến cáo về bầu cử an toàn có nhắc đến việc bầu cử theo giờ. Điều này cần thiết và có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?
GS Trần Văn Thuấn: Để đảm bảo giãn cách và thực hiện 5K thì bầu cử theo giờ là hợp lý để tránh tập trung đông người cùng một lúc… Như Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 đã nhận định, nguy cơ có mầm bệnh trong cộng đồng luôn hiện hữu khi dịch bệnh trên thế giới và tại các nước láng giềng đang diễn biến phức tạp, nhiều người nhiễm Covid-19 nhưng không có biểu hiện bệnh. Do vậy, bầu cử theo giờ cũng là cách chủ động phòng dịch, không chủ quan, lơ là. Chúng ta vẫn phải thực hiện nghiêm phòng chống dịch, thực hiện 5K.
PV: Vâng, xin cảm ơn Thứ trưởng!
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin