Đời sống - Xã hội

Bé trai bị điện giật tử vong, hai Bộ đề xuất giải pháp an toàn khi học trực tuyến

09:32, 11/09/2021
Nguyên nhân của vụ tử vong được xác định là do học sinh dùng que ngoáy tai bằng sắt, chọc một đầu vào dây nguồn laptop rồi cầm chọc vào ổ điện dẫn đến tử vong thương tâm. Trước sự việc đau lòng này, Bộ GDĐT và Bộ LĐ-TBXH nói gì?

Tối 10/9, Sở GD&ĐT Hà Nội đã có thông tin chính thức về việc bé trai 10 tuổi (học sinh lớp 5 Trường tiểu học Thái Thịnh, quận Đống Đa, Hà Nội) tử vong vì điện giật tại nhà sáng cùng ngày. Nguyên nhân ban đầu xác định là do học sinh này dùng que ngoáy tai bằng sắt, chọc một đầu vào dây nguồn laptop rồi cầm chọc vào ổ điện dẫn đến tử vong.

Trao đổi với PV, ông Đặng Hoa Nam - Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) đưa ra cảnh báo: "Vụ việc học sinh bị điện giật tử vong khi học trực tuyến ở nhà vừa xảy ra là trường hợp hy hữu nhưng nếu không sớm có những cảnh báo thì sẽ trở nên phổ biến hơn".

Theo Cục trưởng Cục Trẻ em, trong thời gian giãn cách xã hội do đại dịch COVID-19, trẻ phải ngồi học nhiều giờ trước màn hình máy tính, phụ huynh thường lo lắng các thiết bị điện tử sẽ gây tật về mắt, ảnh hưởng đến cong vẹo cột sống, sức khỏe tâm lý… 

Nhưng giờ, các em lại thêm mối nguy cơ nữa là sử dụng các thiết bị điện không an toàn dễ gây nguy cơ giật, cháy nổ ngay trong chính nhà mình.

Cần sớm có hướng dẫn an toàn trong thời thời gian trẻ học trực tuyến kéo dài. Ảnh minh họa.
Cần sớm có hướng dẫn an toàn trong thời thời gian trẻ học trực tuyến kéo dài. Ảnh minh họa.

Ông Nam cho biết, nghiên cứu của các tổ chức quốc tế cho thấy, trên toàn cầu, có tới 50-60% tai nạn thương tích với trẻ xảy ra tại chính ngôi nhà của các em như điện giật, cháy bỏng, bị vật sắc nhọn đâm, rơi ngã, ngộ độc hóa chất... 

Theo ông Nam, hiện nay, học sinh nhiều nơi đang phải học trực tuyến nên nhu cầu sử dụng các thiết bị đầu cuối như laptop, ipad, điện thoại càng cao. Thời gian học kéo dài khiến các em vừa học vừa phải sạc. Vì vậy, trách nhiệm trước hết thuộc về các bậc cha mẹ. Chính các bậc phụ huynh phải tìm hiểu để có kiến thức về thiết bị điện và các giải pháp để phòng tránh.

Phụ huynh phải thường xuyên kiểm tra, rà soát để đảm bảo an toàn các thiết bị cho con, đồng thời hướng dẫn cho các con những kỹ năng phòng tránh để không xảy ra những sự việc đau lòng.

"Vụ việc xảy ra thật đáng tiếc nhưng cũng là hồi chuông cảnh báo việc học trực tuyến. Về phía Cục Trẻ em sẽ phối hợp với các nhà chuyên môn, các chuyên gia làm sao truyền thông hơn nữa cho các bậc cha mẹ nâng cao kiến thức, đảm bảo an toàn cho trẻ em trong môi trường gia đình, đặc biệt trong giai đoạn học sinh học trực tuyến" - ông Nam thông tin.

Khẩn trương ban hành hướng dẫn học tập trực tuyến an toàn tại nhà

Ông Phạm Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội chia sẻ, những tai nạn thương tích xảy ra ở trong hay ngoài nhà trường với học sinh đều hết sức đau lòng và một lần nữa nhắc nhở mỗi gia đình, nhà trường cần lưu tâm trong việc phòng ngừa, bảo vệ con trẻ.

Cũng theo ông Tiến, trong thời gian học sinh và trẻ mầm non tạm dừng đến trường để phòng, chống dịch COVID-19, việc phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ và học sinh cần có sự quan tâm phối hợp chặt chẽ từ phía nhà trường và gia đình học sinh, đặc biệt là sự đôn đốc, nhắc nhở thường xuyên từng giáo viên chủ nhiệm hướng dẫn phụ huynh, học sinh các kỹ năng phòng tránh tai nạn thương tích có thể xảy ra như điện giật, đuối nước, cháy nổ…

Về phía Bộ GD&ĐT, ngay sau khi nhận được thông tin, Bộ GD&ĐT cho biết đã trao đổi với Sở GD&ĐT Hà Nội để nắm bắt sự việc. Bộ GD&ĐT khuyến cáo, các bậc phụ huynh và thầy cô giáo cần tăng cường các biện pháp hỗ trợ, nhắc nhở, dạy cho các em một số kỹ năng cơ bản, đặc biệt là hướng dẫn và hỗ trợ học sinh tiểu học trong quá trình sử dụng các thiết bị học tập cũng như thiết bị trong gia đình, đảm bảo an toàn, tránh xảy ra những sự cố đáng tiếc.

Bộ GD&ĐT và các đơn vị chức năng cũng đang khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn học tập trực tuyến an toàn tại nhà, mong các phụ huynh, thầy cô giáo cùng lưu ý triển khai.

Đảm bảo an toàn về điện – là một trong số 6 tiêu chí về Ngôi nhà an toàn với trẻ do Bộ LĐ-TB&XH ban hành:

- Dây dẫn điện phải được đi ngầm trong tường hoặc có vỏ bọc chắc chắn nếu đi bên ngoài;

- Các công tắc điều khiển, cầu chì, ổ cắm được lắp đặt ngoài tầm với của trẻ dưới 6 tuổi và phải có hộp hay lưới bảo vệ hoặc có nắp đậy an toàn;

- Phải sử dụng các loại đèn có phần vỏ ngoài bằng vật liệu cách điện tại các phòng trong ngôi nhà;

- Không đặt ổ cắm điện trong phòng vệ sinh, nhà tắm, nếu có phải đặt sau cầu chì/Ap-to-mat và ở vị trí an toàn ngoài tầm với của trẻ dưới 6 tuổi.

 

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện