Đời sống - Xã hội

Nghệ An gặp khó khi tuyển quân ở huyện miền núi do... chiều cao dân số

07:36, 25/11/2021
Việc tham gia nghĩa vụ quân sự không chỉ giúp thanh niên vùng đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao trình độ, năng lực, mà còn tạo nguồn cán bộ, đảng viên cho địa phương. Tuy nhiên, chiều cao dân số đang là rào cản đối với công tác tuyển quân ở huyện biên giới Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An.

Xã biên giới Nậm Cắn, huyện Kỳ Sơn có 5 dân tộc sinh sống, người Mông chiếm đa số, đời sống còn nhiều khó khăn. Theo lãnh đạo địa phương, số công dân trong độ tuổi nhập ngũ khoảng 150 người. Sắp tới xã sẽ tổ chức gọi sơ khám khoảng 70 công dân, tham gia khám cấp huyện là 22 công dân, từ số công dân này sẽ tuyển chọn 7 công dân nhập ngũ năm 2022.

Xã Nậm Cắn hội nghị trực tuyến về công tác tuyển quân năm 2022.
Xã Nậm Cắn hội nghị trực tuyến về công tác tuyển quân năm 2022.

Ông Thò Bá Rê, Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy Quân Sự xã Nậm Cắn cho biết, mặc dù có nhiều khó khăn trong tuyển quân nhưng địa phương đặc biệt ưu tiên những công dân có chất lượng chính trị, phẩm chất đạo đức tốt, có sức khỏe, trình độ văn hóa để lựa chọn nhập ngũ đợt này: "Trong những đồng chí đi bộ đội về có tiến bộ hơn nhưng khi trở về không có ngành nghề ổn định để làm, khi về cũng làm rẫy. Dù được sự quan tâm của Huyện đội, cấp uỷ, chính quyền địa phương trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn tuyển quân, nhưng do dân tộc Mông đa số, thanh niên thấp nhiều, từ đó công tác tuyển quân khó".

Được biết, những năm qua công tác tuyển quân của huyện Kỳ Sơn gặp rất nhiều khó khăn. Phần lớn dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số, hệ lụy của nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống dẫn đến nhiều vấn đề như: Sức khỏe yếu, không đủ chiều cao cũng như cân nặng. Mặt khác, cũng do kết hôn sớm nên dẫn đến khi đến tuổi nhập ngũ, công dân đang là lao động chính trong gia đình.

Thượng tá Nguyễn Thành Đồng, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Kỳ Sơn cho biết chiều cao và trình độ thanh niên là rào cản lớn trong công tác tuyển quân: "Đặc điểm của Kỳ Sơn, người đồng bào trình độ người dân thấp, khó khăn vì văn hoá yêu cầu lớp 8 trở lên, mà lớp 8 thì không đủ nên phải xin ý kiến tỉnh; đối với các xã người Mông toàn tòng thì phải tập trung hệ thống chính trị làm tốt công tác tuyên truyền, động viên nhân dân; hiện nay thì thấy là người Mông luôn ý thức tốt, chấp hành nghiêm, vì vậy sẽ thành công thôi".

Đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số như Kỳ Sơn thì những thanh niên được tuyển chọn tham gia nghĩa vụ quân sự là những tấm gương sáng của bản về năng lực, trình độ, sức khoẻ. Chính những nhân tố này sẽ là cơ sở, tạo nguồn sau này cho địa phương. Thường thì trước ngày nhập ngũ số thanh niên này sẽ được tham gia lớp cảm tình Đảng.

Ông Nguyễn Hữu Minh, Chủ tịch UBND, Chủ tịch Hội đồng Nghĩa vụ quân sự huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An khẳng định, 50% cán bộ, công chức của huyện Kỳ Sơn là cán bộ từ miền xuôi tăng cường lên công tác, trong 50% cán bộ, công chức còn lại thì phần lớn đều trải qua môi trường quân đội. Thanh niên xuất ngũ về địa phương hiện đang là cán bộ cấp xã, thôn bản cũng rất lớn. Chính vì vậy, việc rà soát, tuyển chọn được những công dân có chất lượng tham gia quân đội là “cái nôi” tạo nguồn cán bộ cho địa phương./.

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện