Tại hội nghị phòng chống thiên tai năm 2021 tại các tỉnh miền Trung tổ chức mới đây, ông Nguyễn Văn Hải - Phó Cục trưởng Cục ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai cho biết, năm 2020, mưa, lũ quét, sạt lở đất trên diện rộng xảy ra tại khu vực miền Trung gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Ước tính thiệt hại về kinh tế trên 36.000 tỷ đồng.
Sạt lở đường D1K8 từ xã Trà Dơn vào Trà Leng, khối lượng đất đá sạt lở lớn gây khó khăn trong việc khắc phục |
Tại vị trí cầu bê tông bắc qua sông Leng chính quyền đang khắc phục mố cầu |
Con số thiệt hại từ các tỉnh thống kê cũng “ngốn” không ít ngân sách. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Hồ Quang Bửu cho biết, trong năm 2020, tỉnh chịu thiệt hại nặng nề do thiên tai, ước tính thiệt hại trên 11.000 tỷ đồng.
Theo ông Bửu, thu ngân sách của tỉnh một năm khoảng 20.000 tỷ đồng, nhưng trận mưa lũ năm 2020 đã làm mất hơn một nửa - đó là chuyện của năm cũ. Năm nay, tỉnh phải đối mặt kép “vừa chống dịch vừa phòng chống thiên tai” chưa có con số thống kê, nhưng ông Bửu nhận định “thiên tai gây thiệt hại ghê gớm”.
Trước hậu quả nặng nề do bão, lũ và thiên tai xảy ra trên địa bàn tỉnh trong tháng 9 và 10 vừa qua, tỉnh Quảng Ngãi đã “cầu cứu” Trung ương hỗ trợ khẩn cấp 520 tỷ đồng để khắc phục khẩn cấp thiệt hại…
Thiệt hại nối dài thiệt hại
Liên tiếp gần tuần nay, người dân các tỉnh từ Quảng Nam đến Phú Yên lâm cảnh "màn trời chiếu đất" khi hứng chịu đợt mưa lũ lịch sử khiến nhiều người thiệt mạng, gây ngập lụt, sạt lở khủng khiếp. Theo Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, tính đến sáng 2/12, Phú Yên có 4 người chết, 6 người mất tích; Bình Định có 3 người chết; Khánh Hòa có 1 người chết, 1 người mất tích...
Từ ngày 29/11 đến 1/12, toàn tỉnh Bình Định có hơn 31.000 ngôi nhà bị ngập, hàng chục ha lúa, hoa màu bị hư hại. Trong đó, tại huyện Tuy Phước, có khoảng 11.000 nhà ở bị ngập, nhiều nhà bị hư hỏng, ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân.
Ở tỉnh Phú Yên, nước lũ lên nhanh làm người dân phải đôn đáo chạy lũ, lầm lũi sơ tán, bỏ mặc căn nhà cho nước phủ trùm một màu buồn nhói tim.
Một căn nhà ở thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân bị lũ san phẳng. |
Nhiều nơi ở Phú Yên tan hoang sau mưa lũ |
Nhiều nhà dân ở Phú Yên bị ngập |
Ngày 2/12, tỉnh Phú Yên cho biết, mưa lũ từ ngày 26/11 đến nay đã làm 10 người chết và mất tích. Khoảng 2.965 nhà bị ngập nước, 4 nhà bị hư hỏng hoàn toàn.
Một tàu cá bị chìm trên biển; 1,9ha tôm nuôi bị vỡ hồ, cuốn trôi. Về thủy lợi, 19.377m kênh mương bị ngã đổ, hư hỏng; sạt lở, bồi lấp đất đá khoảng 36.900m3. Nhiều tuyến đường tỉnh, huyện, xã bị ngập sâu, chia cắt.
Ghi nhận tại các khu dân cư ven sông Ba từ TP Tuy Hòa đến huyện Phú Hòa, Sơn Hòa và huyện Sông Hinh sau lũ là cảnh tượng tan hoang, tài sản hư hỏng, nhiều hộ trắng tay sau lũ...
Tại nhiều nơi ở Quảng Nam sạt lở, ngập lụt liên miên – người dân chỉ còn biết “bó gối” nhìn mưa ngừng rơi, rồi oằn mình dọn dẹp trong đói khổ.
Điệp khúc “nước lên - dọn dẹp, nước xuống - dọn dẹp” đã quen dần với người dân rốn lũ Quảng Nam mỗi mùa lũ về.
Trận lụt diễn ra trong 2 ngày ( 29-30/11) ở Quảng Nam vừa qua được dự báo là đợt cuối cùng của năm. Người dân đối diện với tình hình dịch Covid-19 có phần phức tạp, bên cạnh đó phải xắn tay dọn lụt mỗi lúc thủy điện xả lũ.
Giữa cuối tháng 10, ở Quảng Nam mưa trắng trời, trong vòng 10 ngày từ 17 - 26/10 các địa phương của tỉnh này nhận đến hai đợt lũ chồng lũ.
Hơn một tháng sau (29/11), ông trời trút xuống các tỉnh miền Trung lượng mưa khổng lồ khiến người dân nơm nớp lo sợ. Người miền núi lo sợ về sạt lở, người miền xuôi lại nơm nớp nước vào nhà.
Người dân ở các vùng trũng tại TP Tam Kỳ như khối phố Mỹ Thạch Trung (phường Tân Thạnh) hiểu được mình cần làm gì ngay lúc đó. Bà Huỳnh Liễu (75 tuổi, sống tại khối phố Mỹ Thạch Trung) ngậm ngùi: “Lúc này chỉ biết dọn dẹp, kê cao đồ đạc càng nhanh càng tốt, chậm một tí thì mọi thứ sẽ ngập trong nước. Ngập nhiều quá thành quen rồi”.
Chung sức
Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, trong đợt mưa này, một số sông lên mức báo động 3, trong đó lũ trên sông Kôn (Bình Định), sông Ba (Phú Yên) xấp xỉ mức lịch sử năm 1993 và 2013.
Ngay sau khi lũ rút, ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Phó trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai đề nghị tỉnh Phú Yên khẩn trương hỗ trợ nhân dân khắc phục thiệt hại, nhất là những gia đình có thiệt hại về người và nhà ở, để kịp thời ổn định đời sống, khôi phục sản xuất.
Bí thư tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng chỉ đạo huyện Tuy Phước tập trung hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho người dân ở các vùng đang bị cô lập bởi lũ.
Người dân xã Phước Nghĩa nhận lương thực từ chính quyền địa phương |
Đến thăm một số hộ dân nằm trong vùng cô lập ở xã Phước Thuận và xã Phước Sơn chiều 1/12, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định Hồ Quốc Dũng đã trao những phần quà cứu trợ cho bà con để hỗ trợ một phần đời sống sinh hoạt trong thời gian chờ nước lũ rút, giao thông được nối lại.
Cùng ngày, lực lượng Công an huyện Tuy Phước và chính quyền địa phương đã vận chuyển 300 suất quà bằng ca nô vào các khu dân cư ở xã Phước Nghĩa bị nước lũ cô lập để hỗ trợ mì tôm, nước uống cho bà con.
Mưa lớn làm một quả đồi đổ sập xuống đường ở huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) dẫn đến cô lập 5 thôn. Ngay ngày hôm sau, hơn 70 hộ dân đã chung sức khắc phục điểm sạt lở, đến trưa 1/12 tuyến đường đã được khơi thông.
Hơn 70 hộ dân khắc phục điểm sạt lở |
Chủ tịch UBND xã Trà Cang (huyện Nam Trà My) Ngô Tấn Lạc cho biết, việc vận động hơn 70 hộ dân ở thôn 5 không mất nhiều thời gian. Người dân cùng chung sức phối hợp với lực lượng chức năng sử dụng cuốc, xẻng, xà beng để cào khối lượng đất đá, cây cối chắn ngang đường bê tông. Và chỉ trong buổi sáng, con đường đã được khơi thông do quả đồi đổ sập bịt lối...
“Chạy lụt” đã quen dần với những nơi được gọi là rốn lũ mỗi mùa mưa về. Nhìn thủy điện xả lũ để biết phải dọn dẹp hay không, đây không còn là điều xa lạ, mà như “phản xạ tự nhiên” với người dân vùng rốn lũ...
Và sau mỗi đợt mưa lũ, câu hỏi được người dân đau đáu “Bao giờ hết khổ vì lũ lụt?”. Câu hỏi ngắn nhưng chắc hẳn sẽ còn rất lâu mới tìm được lời giải đáp?.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin