Đời sống - Xã hội

Nặng lòng với Piêng Lâng

17:43, 09/12/2021
Nhắc đến Nậm Giải, chắc chưa ai quên những tiếng khóc xé lòng khi 13 người dân bị lũ cuốn trôi chỉ trong vài ba phút đồng hồ.

Và, cô gái được khen là tháo vát, nhanh nhẹn năm xưa, hết hướng dẫn các đoàn công tác lại xoay xở cứu trợ bà con, nay đã là Phó Chủ tịch xã Nậm Giải người rất nặng lòng với Piêng Lâng. Ấy là Lữ Thị Tiến.

Đau với nỗi đau của đồng bào
Piêng Lâng là bản mới được thành lập, thuộc xã Nậm Giải, huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An, sau trận lũ quét kinh hoàng vào năm 2007.

Piêng Lâng, tiếng Thái có nghĩa là vùng đất bằng phẳng. Một vùng đất bằng phẳng, không bị đe doạ bởi thiên tai – là khát vọng của những người dân ở bản Pục, bản Méo năm xưa. Tôi là một trong những người đầu tiên có mặt ở tâm lũ quét năm đó. Trước cảnh người chết, nhà trôi, ruộng đồng bị vùi lấp, chỉ có thể thốt lên: Nỗi đau thấu đến cao xanh!

Bản Piêng Lâng ra đời nhằm mục đích tái định cư cho những hộ dân của hai bản Pục và Méo bị ảnh hưởng bởi trận lũ lịch sử ấy. Cư dân của bản Piêng Lâng cơ bản là nghèo, thậm chí là đói nghèo. 14 năm, trở lại vùng đất chết năm xưa, tôi lâng lâng vì Nậm Giải đang thay da đổi thịt.

Con đập tràn năm ấy anh Trần Duy Ngoãn, Giám đốc Đài Phát thanh – Truyền hình Nghệ An, suýt mất mạng khi vượt dòng nước xoáy để vào tâm lũ, đã được xây cầu. Ngôi trường bị cuốn trôi phân nửa cũng đã được dựng xây lại khang trang…

Ghì chắc tay lái chiếc xe bán tải hai cầu, Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt Nguyễn Văn Sinh, hổn hển nói: Chừng dăm năm trước, muốn đến với Piêng Lâng chỉ có nước đi bộ mà thôi. Thương bà con, anh em chúng tôi đã huy động bằng mọi cách để làm đường vào bản, nay còn khoảng 1,4 km nữa vẫn đang đá tảng lởm chởm thì chưa biết nhìn vào đâu.

Cuối cùng thì xe chúng tôi cũng đã trườn qua được đoạn đường mà những tảng đá như những chiếc răng khủng long đang nhe nanh chực nuốt. Nhìn anh Sinh nhễ nhại mồ hôi, tôi sực nhớ hình ảnh người lái đò sông Đà trong tác phẩm cùng tên của nhà văn Nguyễn Tuân. Hết lách bên này, đánh lái bên kia, người lắc như say sóng, xe anh Sinh chẳng khác nào con đò sông Đà đang tránh các cửa tử.

Anh thở phào: Ổn rồi, một quãng ngắn nữa thôi là sẽ đến Piêng Lâng. Và cũng là lời anh Sinh, bản Piêng Lâng đang trên đà khởi sắc, mà một trong những người có công rất lớn là cô Tiến, Phó Chủ tịch xã đấy.

Tiến hơi đỏ mặt sau lời giới thiệu đầy bất ngờ của giám đốc Sinh. Cô gái Thái năm nào còn non nớt, vừa mới ra trường đã phải vật vã với nỗi đau của đồng bào, nay đã chững chạc là bà Phó Chủ tịch xã. 

Phó Chủ tịch UBND xã Nâm Giải Lữ Thị Tiến giới thiệu khoai sọ Piêng Lâng. 

Sau vài phút lặng thinh, Tiến rơm rớm: Cho đến bây giờ em vẫn chưa quên được cảnh tang thương năm ấy. Cơ man nào là nước từ ngọn Phà Cà Tún bất ngờ đổ về trong đêm, cuốn phăng hết thảy tài sản, nhà cửa và 13 mạng người chỉ trong chốc lát. Cả mấy cánh đồng bị cát và đá vùi lấp hết sạch, phải mất nhiều năm với sự giúp sức của nhiều tổ chức, nhất là lực lượng thanh niên tình nguyện thì ruộng đồng mới bắt đầu xanh trở lại, cái đói được đỡ dần.

Từ chỗ đau với nỗi đau của đồng bào, Tiến mong muốn mỗi khi nhắc đến Nậm Giải, người ta không chỉ biết mỗi trận lũ quét lịch sử ấy, mà còn phải biết sự bền gan, can trường của con người Nậm Giải qua các sản vật nức tiếng của quê em.

 Piêng Lâng khởi sắc

Câu chuyện của Phó Chủ tịch xã Lữ Thị Tiến càng ngày càng cuốn hút tôi. “Hồi đó em còn là cán bộ nông nghiệp của xã. Nhiều đêm nằm cứ nghĩ mãi không ngủ được, cây gì, con gì phù hợp với vùng đất Piêng Lâng? Tại sao không là dưa leo bản địa? Sao không là khoai sọ… “Em đi nói chuyện với số người, buồn nẫu ruột vì ai cũng bảo, dưa và khoai thì xưa nay chỉ trồng trên rẫy thôi, ai lại trồng trong vườn, dưới ruộng” – Tiến kể lại.

Không nản, thay vì vận động tiếp, cô cán bộ trẻ đã chuyển hướng, đem dưa leo về trồng trong vườn và ruộng nhà mình. Thỉnh thoảng cô lại mời một số bà con đến tham quan, đồng thời hướng dẫn họ cách trồng và chăm sóc. Câu hỏi mà bà con dành cho cô là dưa sẽ được bán ở đâu, ai mua? Tiến quả quyết: Nếu không bán được, bà con cứ mang đến nhà tôi bắt đền.

“Mùa dưa năm đó, em chỉ bán một ít để thăm dò thị trường, còn nữa thì để làm giống, phát không cho bà con. Thấy dưa bán đắt như tôm tươi, tư thương từ huyện kéo nhau về đặt hàng, thế là mọi người thi nhau trồng dưa. Bây giờ nói đến dưa leo Nậm Giải, thì đắt hàng phải biết” – phó chủ tịch Tiến hồ hởi.

Trong một lần đi hướng dẫn bà con kỹ thuật hái dưa, Tiến phát hiện những cây sa mu vẫn xanh tốt ở Piêng Lâng, chứng tỏ vùng này có độ cao tương đối và nhiệt độ ở mức thấp, rất phù hợp với cây khoai sọ. Cô lẳng lặng đi tìm giống khoai sọ ở xã Hạnh Dịch về trồng thử nghiệm trên ruộng nhà mình. Tiến nói như reo: “Củ đẹp, mùi thơm, ăn rất bùi, không hề thua kém khoai sọ Kỳ Sơn. Em nghĩ mình đã thành công. Lúc thu hoạch, bà con đến xem cứ tấm tắc khen. Thế là khoai sọ Piêng Lâng bắt đầu ra ruộng”. 

Lòng nhiệt huyết và trách nhiệm của những cán bộ sẽ dẫn dắt người dân làm ăn giàu có. 

 Để “nhận diện thương hiệu khoai sọ Piêng Lâng”, chúng tôi tìm vào nhà Trưởng bản Ngân Văn Minh, nơi đang tập trung thu mua khoai sọ cho bà con.

Anh Minh cho biết, đây là mùa đầu tiên bà con bản Piêng Lâng trồng khoai sọ nên chỉ mới có 17 hộ tham gia với diện tích khoảng 3 hecta. Và, chủ trương của bản là thu mua khoai để làm giống cho mùa sau chứ chưa bán ra thị trường.

Tôi nói vui, tai nghe rồi, mắt thấy rồi, nhưng vẫn chưa được ăn nên chưa thể kiểm nghiệm về chất lượng khoai sọ Piêng Lâng. Anh Minh lập tức gọi vợ dỡ chõ hông khoai để đãi khách. Chao ôi, những miếng khoai ngọt bùi, cộng với nước chè xanh đặc quánh, thật là mê li.

Anh Tuấn, một cán bộ kiểm lâm, người đi cùng chúng tôi, ra giá với trưởng bản: “Vợ em làm nghề kinh doanh nông sản, nếu sản lượng khoai sọ của bản đạt từ 10 tấn trở lên, nhà em sẽ bao tiêu hết”. Anh Minh vốn từ tốn bỗng trở nên náo hoạt: “Mùa sau nha, đảm bảo phải hàng chục tấn, chú có “ôm” nổi không”.

Từ sàn nhà của trưởng bản Minh, Phó Chủ tịch Tiến chỉ tay về ba hướng, rằng: “Piêng Lâng được quy hoạch thành ba khu vực để phát triển. Vùng này chuyên trồng khoai sọ, dưa leo, vùng kia là chăn nuôi lợn và vùng kia nữa là những trang trại nuôi gà”. Tiến cũng cho hay, hiện đang có 15 hộ làm trang trại chăn nuôi gà, thành một tổ hợp và chuẩn bị thành lập hợp tác xã, toàn là người trẻ tuổi.

Tôi háo hức đến với các ông chủ trẻ, dù đường vào các trang trại gà tương đối vất vả. Tiến giải thích, họ phải ở những nơi biệt lập để phòng tránh bệnh tật cho gà. 

Ông chú trẻ Quang Văn Trung giới thiệu về đàn gà bản địa mang tên Piêng Lâng. 

Quang Văn Trung, sinh năm 1994 – chủ trang trại đồng thời là Tổ trưởng Tổ hội nghề nghiệp chăn nuôi gà, cho biết: Mỗi năm trang trại của em nuôi 5 lứa gà, mỗi lứa khoảng từ 400 đến 500 con. Ban đầu khởi nghiệp, em chọn nuôi gà lai, nó bị bệnh chết mất nhiều, lỗ hết vốn. Được chị Tiến liên hệ với huyện cho đi học hai lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi gà bản địa, em mới mạnh dạn vay tiền ngân hàng để đầu tư tiếp. Đúng là không thể ngờ, gà bản địa nuôi đến đâu bán hết đến đó. Tháng vừa rồi, em vừa bán 300 con, thu về hơn 400 triệu đồng. Còn mấy lứa này thì chờ Tết mới bán, anh ạ.

“Bọn em làm được nhà, mua được xe ô tô, sắm được lò ấp trứng…là từ gà cả đấy. Tới đây, sau khi thành lập xong hợp tác xã, em sẽ bao tiêu luôn sản phẩm cho bà con. Em dự tính lấy tên là gà Piêng Lâng”, Trung hào hứng nói về thành quả của mình.

Giờ đây, khi nhắc đến Nậm Giải, người ta không chỉ biết mỗi trận lũ quét lịch sử năm nào, mà còn hiểu hơn sự bền gan, can trường của con người Nậm Giải.

Rời Nậm Giải, rời Piêng Lâng, trong tôi cứ mãi lâng lâng, thầm cảm ơn nữ Phó Chủ tịch xã Lữ Thị Tiến, người nặng lòng với Piêng Lâng…

Việt Thắng

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện