Đời sống - Xã hội

Nghệ An: Nhiều người dân bỗng dưng thành con nợ

17:34, 20/05/2022
Không hề vay mượn tiền nhưng nhiều người bỗng dưng trở thành con nợ của công ty tài chính và thường xuyên bị khủng bố đòi nợ cả gia đình, người thân.

Nợ “trên trời”… rơi xuống

Nhiều người dân ở Nghệ An, hoảng hốt vì bỗng dưng thành con nợ của một Công ty tài chính. Theo phản ảnh của những người này, họ và gia đình liên tục bị người của các công ty tài chính cho vay tiền gọi điện từ nhiều số điện thoại khác nhau, nhắn tin đòi nợ với lời lẽ tục tĩu, đe dọa để thông qua họ, yêu cầu một giáo viên của trường trả nợ tiền vay.

Ông Nguyễn Trọng Giáp - Hiệu trưởng THPT Yên Thành 2 (huyện Yên Thành) cho hay, nguyên nhân của sự việc này là do một giáo viên trong trường là ông Lê Xuân L. vay nợ đã đến kỳ thanh toán nhưng vẫn chưa trả được. Ông L. vay tín chấp của Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (hay còn gọi là FE Credit, một công ty con của Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng).

Nhiều giáo viên Trường THCS Phan Đăng Lưu bị điện thoại khủng bố từ công ty tài chính
Nhiều giáo viên Trường THCS Phan Đăng Lưu bị điện thoại "khủng bố" từ công ty tài chính

Khi nghe máy, ông Giáp đã giải thích và yêu cầu người đòi nợ nên đòi trực tiếp người vay. Tuy nhiên, các đối tượng đòi nợ không hề bận tâm mà vẫn liên tục quấy rối cả ngày lẫn đêm. Ông Giáp chia sẻ: “Đầu tiên họ gọi cho tôi, nói là thầy L. đang nợ họ một khoản tiền, yêu cầu hiệu trưởng chỉ đạo thầy L. trả ngay. Có lần thì xưng là nhân viên FE Credit, nhưng cũng có lần chẳng xưng gì, cứ thấy tôi nghe máy là quát nạt, đe dọa, dùng những từ ngữ tục tĩu. Có lẽ, mục đích của họ là để tôi gây áp lực cho ông L. trả nợ cho họ”, ông Giáp kể.

Tương tự, Ban giám hiệu và nhiều giáo viên của Trường THCS Phan Đăng Lưu (huyện Yên Thành), nơi vợ ông L. đang công tác, cũng bị “khủng bố” bằng điện thoại để thông qua những người này, đưa ra yêu cầu ông L. trả tiền. Ban giám hiệu trường này còn bị tấn công, vu khống trên mạng xã hội bằng ảnh chân dung và “yêu cầu trả nợ gấp...”. Bà Ngô Thị Hiền, Hiệu trưởng THCS Phan Đăng Lưu cho biết, trường đã trình báo vụ việc đến Công an huyện Yên Thành, Nghệ An.

Mấy tháng qua, bà Lê Thị Phượng - Hiệu trưởng Trường Mầm non Quang Trung 1 (TP. Vinh) "mất ăn mất ngủ" vì bị các đối tượng tự xưng là người của tổ chức tín dụng liên tục gọi điện, nhắn tin. Các đối tượng này yêu cầu bà Phượng phải có trách nhiệm đối với khoản vay của một giáo viên ở trong trường.

Bà Phượng cho biết, mỗi ngày bà nhận được rất nhiều cuộc gọi đòi nợ. Các cuộc gọi không có thời gian cố định mà bất kể giờ giấc nào trong ngày. Do liên tiếp bị gọi điện, nhắn tin làm phiền nên bà Phượng đã chặn các số điện thoại vừa gọi. Thế nhưng, khi chặn số này, lập tức có số điện thoại lạ khác tiếp tục "quấy rối".

Cũng theo bà Phượng, “họ gọi điện quấy phá bất kể ngày đêm. Chúng đe đọa khủng khiếp lắm. Ở cái trường học này, không có giáo viên nào không bị quấy phá cả. Mà chúng tôi có vay tiền đâu”, cô Phượng bức xúc. Không chỉ tấn công vị hiệu trưởng bằng các cuộc gọi đe dọa, chửi bới, những kẻ đòi nợ còn lấy hình ảnh của con trai cô rồi cắt ghép cháu đang ngồi phía sau nải chuối.

Hiện có nhiều giáo viên vay tiền tín chấp từ công ty tài chính nhưng chưa trả hết nợ. Thế nhưng, hàng loạt hiệu trưởng, trưởng phòng giáo dục ở Nghệ An lại bị gọi điện 'khủng bố' để đòi trả nợ thay.

Ông Thái Văn Thành, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An cho biết, bản thân ông cũng bị điện thoại làm phiền vì các trường hợp giáo viên ở các trường vay tiền chưa trả hết nợ. “Bản thân tôi bị rất nhiều lần rồi. Họ hết điện thoại, nhá máy rồi nhắn tin, gửi email… rất phiền phức. Sở vừa gửi văn bản cho Công an tỉnh Nghệ An đề nghị điều tra, làm rõ…”, ông Thành nói.

Cẩn trọng tránh "cầm dao đằng lưỡi"

Luật sư Nguyễn Hữu Liêm, Văn phòng luật sư Tuổi Trẻ ở TP. Vinh cho biết, với các khoản cho vay tiêu dùng không có tài sản bảo đảm thì lãi suất cao chính là một dạng bảo đảm, bởi chỉ cần thu được một nửa số lãi cũng đã mang lại lợi nhuận cho các tổ chức tài chính.

Hiệu trưởng và cả mẹ ruột bị đe dọa trên mạng xã hội dù không liên quan khoản nợ
Hiệu trưởng và cả mẹ ruột bị đe dọa trên mạng xã hội dù không liên quan khoản nợ

 

“Các công ty này họ đã tính xác suất nợ xấu của các khoản cho vay, tính toán chi phí, rủi ro, lợi nhuận vào giá thành - từ đó xây dựng khung lãi suất. Tại sao có những công ty tài chính cho vay tiêu dùng với lãi suất cao như thế? Bởi, với lãi suất ấy, nếu có mất 1/5 thì có khi vẫn có lãi. Và với khung lãi suất ban đầu của các công ty tài chính này đưa ra vẫn nằm trong khung cho phép, và chưa vi phạm pháp luật, nên họ vẫn hoạt động hợp pháp”, ông Liêm phân tích.

Cũng theo ông Liêm, "Bản chất của vay tín chấp là đánh giá nhân thân. Cho nên, khi vay tiền, những dữ liệu về cá nhân của người vay đều do ngân hàng quản lý. Vậy nên, nếu vay tiền chậm trả cũng rơi vào nợ xấu. Sau khi khách hàng rơi vào nợ xấu, lập tức công ty này sẽ bán nợ với công ty đòi nợ độc lập. Và chính người đi vay này sẽ bị đòi nợ từ công ty thứ 3 này, chứ không phải là công ty tài chính nữa...", ông Liêm cho hay.

Vì vậy, vị luật sư này khuyến cáo, “khách hàng vay nợ, nhất là vay tiêu dùng cần hết sức cân nhắc cụ thể lãi suất, số tiền lãi, kỳ hạn trả nợ và đừng quên rằng, nợ là phải trả, và nếu thời điểm đó mình chưa trả, thì đến mấy năm sau vẫn bị đòi từ phía công ty đòi nợ này...".

Hiện nay, ngoài việc gửi mời chào qua điện thoại, các app cho vay tiền online “mọc lên như nấm” sau mưa. Chỉ cần gõ từ khóa “vay tiền online” trong vòng chưa đầy 1 giây sẽ hiện ra rất nhiều kết quả. Để vay các app tín dụng này thủ tục khá đơn giản, nhanh gọn. Thường các app chỉ yêu cầu khách hàng cung cấp số điện thoại thì sẽ có người liên hệ làm hồ sơ cho vay. Sau một thời gian ngắn là người vay lập tức có tiền mà không cần đăng ký thế chấp, ký tá giấy tờ…

Thực tế cho thấy, do cần giải quyết các nhu cầu cá nhân, người dân ngại đến ngân hàng vì sợ thủ tục rườm rà và nhiều quy định chặt chẽ từ phía các tổ chức tín dụng nên đã vay tiền qua các công ty tài chính, hay qua app. Khi thực hiện giao dịch, một số app hay các công ty tài chính này buộc người vay phải cung cấp thông tin, số điện thoại người thân, bạn bè…

Tuy nhiên, khi người vay không trả nợ đúng hạn, thì lập tức bị người lạ liên tục nhắn tin, gọi điện đe dọa và uy hiếp để tác động để người vay, thậm chí bạn bè, người thân trong gia đình để trả nợ. Điều đáng nói, một số đối tượng đòi nợ còn có hành vi đe dọa và có thái độ hung hãn.

Trước thực tế này, lực lượng chức năng tỉnh Nghệ An, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Nghệ An đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân đề cao cảnh giác, hết sức thận trọng khi sử dụng dịch vụ vay tiền online. Trước khi vay, người dân cần tìm hiểu kỹ thông tin, điều khoản, dịch vụ, các quy định về lãi, phí, hạn mức trả nợ rõ ràng...

Hoàng Trinh

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện