Đời sống - Xã hội

Họ đến với nhau như chưa hề ngã xuống

10:22, 22/07/2022
Ông Tường với chất giọng trầm hùng, thi thoảng lại bị đứt quãng vì quá xúc động về người chị gái của mình - liệt sĩ Nguyễn Thị Diện. Nhất là khi ông kể về đám cưới có một không hai trên đời - đám cưới liệt sĩ, thì không ai cầm nổi nước mắt.
 

Chị tôi

Cơn mưa cuối Hạ như trút nước cũng không thể ngăn chúng tôi tìm về nhà ông Nguyễn Hữu Tường ở xóm 2, xã Nam Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An). Ông là em trai của liệt sĩ Nguyễn Thị Diện, hi sinh năm 1972, tại sông Đò Vàng – Tuyên Hoá (Quảng Bình).

Nhắc về người chị gái của mình, giọng ông Tường nghẹn lại: Chị tôi đẹp gái lắm, đẹp nhất cả ba xã Nam – Bắc – Đặng này, chữ cũng rất đẹp nên được bầu làm thư ký đội sản xuất kiêm Bí thư Chi Đoàn. Rồi chị được phân công vào đội dân quân tự vệ, phụ trách bộ phận phòng không, bắn máy bay Mỹ. Năm 1968, theo tiếng gọi của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, chị gia nhập đoàn quân ba sẵn sàng, chi viện cho Quảng Bình, sau đó đổi tên thành công nhân quốc phòng, rồi lại được điều về Công ty 769 (Bộ Giao Thông - Vận tải), công tác tại Đội C25 - vùng Tuyên Hoá.

“Chị tôi được kết nạp Đảng vào tháng 5 năm 1971 – lứa đảng viên được vinh dự mang tên đảng viên Hồ Chí Minh” – ông Tường rất đỗi tự hào.

Cùng thời gian đó, chị phải lòng anh Đặng Văn Cự, người ở huyện Hiệp Hoà (Bắc Giang). Anh Cự trước công tác ở Yên Bái, sau đó được chi viện về Quân khu IV, cùng đơn vị với chị. Anh chị cùng viết thư về cho gia đình, hẹn Tết xin nghỉ phép để ra mắt họ hàng hai bên và xin phép được nên duyên vợ chồng.

“Nhận được thư của chị, mẹ tôi mừng lắm, cứ trông ngày trông đêm được đón con rể về thăm” – ông Tường nhớ lại.

Niềm vui chưa đến. Cuối năm 1972, gia đình tôi nhận hung tin: Anh chị đã nằm lại trên dòng sông Đò Vàng!

 

Những người tử tế

Ông Tường rưng rưng, có phần hối hận cho sự muộn màng của mình: Chiến tranh kết thúc, tôi phục viên, hoàn cảnh gia đình lúc bấy giờ rất khó khăn, chật vật với công việc mưu sinh, cứ nghĩ chị nằm lại ở đâu cũng là đất mẹ Việt Nam, nên chưa đi tìm mộ chị. Cũng có nhiều lời bàn của bà con, trong đó có cả những người làm công việc tâm linh, nhưng tôi vẫn giữ mãi quan điểm đó của mình.

Cho đến một ngày, tôi đang vẽ thuê ảnh đá ở thành phố Vinh, giờ nghỉ trưa, cứ như ai đó nhấc bổng mình lên. Trong cơn mơ màng, tôi nghe tiếng giục giã: Đi tìm đi, đi tìm đi…Cả buổi chiều, tôi cứ bổi hổi bồi hồi, không làm được gì nên hồn. “Biết đâu, đó là tiếng chị Diệu” – ông Tường xúc động nói. Cuối ngày, ông xin phép chủ xưởng nghỉ việc và ứng tiền công. Hay chuyện, ông chủ không mảy may phản đối, cho ông ứng tiền để đi tìm mộ chị.

Từ Đô Lương xuống Vinh, xe cộ ngày ấy chưa thuận lợi như bây giờ. Ông đến ga tàu thì cửa đã đóng, tàu đã rú còi. Ông trình bày với bảo vệ, họ liền mở cửa cho ông và dặn lên toa cuối cùng may ra còn kịp. Chừng 30 phút, cán bộ soát vé đi kiểm tra, ông rút tiền xin mua vé phạt. Người soát vé khi nghe câu chuyện đi tìm mộ liệt sĩ thì không lấy tiền ông nữa mà bố trí cho ông một chỗ ngồi tươm tất.

Đến giờ cơm trưa, anhh cán bộ soát vé mời ông đi ăn. Ông hỏi giá cả thì họ nói: “Anh là khách đặc biệt, nhà tàu mời cơm anh”. Trong bữa cơm, ai cũng quan tâm đến ông, đến việc đi tìm mộ. Ông thưa thật, chưa từng biết Quảng Bình, sông Đò Vàng ở đâu. Người ta nói với ông, muốn đến đó thì hoặc là xuống ga Đồng Lê, đi tiếp 5 km, hoặc qua phía Nam đi ngược lại. Thấy nét mặt ông hơi buồn, Trưởng tàu đã hội ý anh em chừng mươi phút, rồi ân cần vỗ vai ông: “Anh là khách đặc biệt, đi làm công việc đặc biệt, chúng tôi sẽ đặc cách cho dừng tàu 3 giây để anh xuống bờ bắc sông Đò Vàng, và sẽ có người hỗ trợ anh xuống tàu an toàn”.

Đến cầu Đò Vàng, ông Tường xuống tàu mà cứ đứng vẫy tay mãi, cho đến khi đoàn tàu khuất hẳn. Lúc đó chừng 4 giờ chiều. “Những người tử tế” – ông thốt lên một mình.

Theo đường tàu, ông đi về phía Nam sông Đò Vàng. Bên triền sông, một nhóm người đang cuốc đất, ông hỏi thăm về mộ của hai người hi sinh năm 1972. Người ta ồ lên: Chị Diện và anh Cự. “Nước mắt tôi cứ thế trào ra, xúc động vì anh và chị mình được bà con quý mến, nằm xuống mấy chục năm rồi mà họ vẫn nhớ” – ông Tường rưng rưng.

Rồi họ nói với ông có anh Nguyễn Phong Vũ, chính trị viên Huyện đội Tuyên Hoá đã cất bốc phần mộ của hai người về nghĩa trang liệt sĩ. Đêm đó, một đêm tháng 4 năm 1994, ngủ lại nhà những người không quen biết mà lòng ông ấm áp vô cùng.

Họ kể cho ông nghe nhiều kỷ niệm về chị của ông và anhh Cự: Trưa 29/12/1972 nhằm ngày 24/11 âm lịch, anh chị chèo thuyền từ bờ Bắc sang phía công trường, khi cách bờ chừng vài ba mét thì một bầy máy bay Mỹ bay rạt qua, sông cuộn sóng dữ, thuyền của hai người chòng chành, anh Cự bị hất văng xuống nước, chị Diện liền nhảy xuống cứu. Nhưng…

Sáng sớm, ông tìm đến Huyện Đội Tuyên Hoá, xin gặp đồng chí Nguyễn Phong Vũ. Ông vừa trình bày xong nguyện vọng, thì bỗng có tiếng hỏi: Anh có nhận được thư em không? Thì ra đó chính là Nguyễn Phong Vũ, người đã cất bốc phần mộ chị ông và anh Cự.

Vũ rơm rớm nước mắt nói với ông: Hồi đó, em còn bé lắm, chị Diện ở trong nhà em, còn anh Cự thì ở trong nhà ông bà nội. Cả nhà em coi anh chị như người thân. Chị Diện viết chữ rất đẹp, lại hát hay, chị dạy em nắn nót từng nét chữ, tập cho em nhiều bài hát. Em lớn lên, thay cha mẹ hương khói, chăm sóc phần mộ cho anh chị. Em viết thư cho gia đình ta rất nhiều lần mà không thấy hồi âm, cứ nghĩ ở quê chị không còn người thân thích. Thương quá, em xin phép đơn vị cất bốc phần một anh chị để bàn giao cho Sở Lao động- Thương binh và Xã hội Quảng Bình.

“Thế là chị tôi và anh Cự được yên nghỉ ở nghĩa trang liệt sĩ Hải Thành – thành phố Đồng Hới’ – ông Tường nói như reo.

 

Rước dâu bằng di ảnh

Ông Tường trầm ngâm một hồi lâu rồi mới tiếp tục câu chuyện: Một đêm tháng 3/2022, khuya lắm rồi, tôi nhận được một cú điện thoại, đầu dây bên kia giới thiệu là Đặng Thị Ánh, cháu của bác Đặng Văn Cự, ở Hiệp Hoà (Bắc Giang). Ông Tường tươi vui nét mặt: “Thế là gia đình anh Cự đã tìm được mộ anh, tôi cũng như Vũ, cứ nghĩ ngoài đó không còn ai nữa”.

Sau cuộc điện thoại lúc nửa đêm đó, các em của anh Cự thay nhau gọi điện cho tôi. Chúng tôi kể cho nhau nghe nhiều kỷ niệm thuở thiếu thời của hai anh chị. Rồi bên gia đình anh Cự mạnh dạn đề xuất nguyện vọng: Hai anh chị đã thề hẹn với nhau, tiếc là không kịp thành vợ thành chồng, nay gia đình muốn thực hiện lời nguyện ước của họ. “Tôi nghe thế mà sung sướng, hạnh phúc, đến mấy đêm không ngủ được”,  ông Tường rạng rỡ.

Ngày 3 tháng 4 vừa rồi, nhằm ngày 3/3 âm lịch, 7 người em của anh Cự mang sính lễ vào đây để làm lễ ăn hỏi. Lễ không thiếu thứ gì, từ trầu cau, rượu, xôi, gà, bánh phu thê và cả tiền vàng…Chúng tôi cùng nhau dâng hương cho chị, phần tâm linh rất thuận lợi, tôi thay mặt gia đình nhận sính lễ của họ nhà trai. Sau đó, tôi chia ba phần lễ, một phần để lại, hai phần mang vào nghĩa trang để chính thức làm lễ cưới cho anh chị.

Trước lúc vào nghĩa trang Hải Thành, hai gia đình đã về Tuyên Hoá, thăm lại nơi ăn ở, công tác của anh chị và đồng đội ngày xưa; đồng thời về thắp hương tạ ơn ông bà, cha mẹ Vũ, những người đã cưu mang anh chị tôi, và cũng báo cáo với hương hồn họ, anh chị tuy không còn nhưng vẫn trọn lời hẹn thề.

Trưa 5/4, chúng tôi tề tịu tại nghĩa trang Hải Thành. Sau khi dâng hương các Anh hùng liệt sỹ, chúng tôi bày biện lễ vật, khấn xin anh chị bằng bài Vấn danh tơ hồng. Trên cao, đài hương bừng cháy, ai nấy đều tin, các liệt sĩ đang chia vui cùng anh chị. Và khi tôi kết thúc bài văn, hai lư hương ở mộ anh chị cũng bừng lên. Tôi tin, anh chị tôi ở nơi xa thẳm đã rất mãn nguyện. “Mừng lắm, ngày vui mà, nhưng ai cũng trào dâng nước mắt, đó là những giọt nước mắt hạnh phúc” – ông Tường cũng giàn dụa.

Sáng 6/4, “xe hoa” đã rước di ảnh của “đôi tân hôn” về với gia đình bên nội. Cả họ nhà trai và bà con lối xóm háo hức đón chờ. Lễ nhận dâu diễn ra rất trang trọng, ấm áp mà cũng chan đầy nước mắt. Ông Tường gạt đôi dòng lệ: “Anh chị tôi đã trọn vẹn câu thề”!

Việt Thắng

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện