Ngày 28/9, Tổng cục Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết thời điểm tâm bão Noru vào đất liền Trung Trung Bộ lúc 3h, sức gió mạnh nhất duy trì cấp 11(103-117 km/h), giật cấp 13 (134-149 km/h).
Trong khi trước đó, dự báo cho thấy bão có thể đổ bộ với sức gió mạnh cấp 12-13, giật cấp 15. Cực đoan hơn, một số đài quốc tế như Mỹ, Bắc Kinh hay Hong Kong cho kịch bản Noru vào đất liền với sức gió mạnh cấp 15, giật trên cấp 17.
Nếu theo các kịch bản trên, cường độ của Noru khi vào đất liền là chưa từng ghi nhận trong lịch sử ngành khí tượng Việt Nam. Rất may, điều này đã không xảy ra.
"So với số liệu thực tế, dự báo quốc tế cao hơn 2-3 cấp khi bão trên Biển Đông và hơn 3-4 cấp khi đổ bộ vào đất liền. Trong khi đó, dự báo của Việt Nam cho số liệu chính xác khi bão trên Biển Đông và cao hơn 1-2 cấp khi bão vào đất liền", cơ quan khí tượng nhận định.
Toàn bộ diễn biến đường đi và cường độ của bão Noru kể từ khi còn ở ngoài khơi Philippines đến khi vào Biển Đông và đổ bộ trực tiếp Đà Nẵng - Quảng Nam. Ảnh: Zoom Earth. |
Theo chuyên gia khí tượng, có nhiều nguyên nhân khiến bão Noru giảm cấp nhanh chóng khi vào gần đất liền, nhưng yếu tố quan trọng là mức độ ma sát với địa hình và độ ẩm của biển.
Cụ thể, khi bắt đầu áp sát vùng biển Quảng Trị - Quảng Ngãi chiều 27/9, bão bắt đầu có dấu hiệu giảm cấp do gặp vùng nước nông, dễ tạo ma sát.
Trước đó, nhiều đài quốc tế chưa tính đến yếu tố địa hình nên cho rằng bão giữ cường độ mạnh cấp 15, thậm chí mạnh thành cấp siêu bão khi vào vùng biển miền Trung.
Kể từ 15h chiều 27/9 đến khi đi áp sát đất liền đêm 28/9, Noru giảm từ cấp 14-15 xuống cấp 11-12. Khi vào đất liền, ma sát địa hình khiến bão tiếp tục giảm sức gió ảnh hưởng xuống còn cấp 11, giật cấp 13 cho vùng ven biển và cấp 8-9 ở sâu trong đất liền Đà Nẵng - Quảng Nam.
Thực tế, đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã quan trắc được sức gió mạnh nhất cấp 10, giật cấp 14 và Quảng Nam có gió cấp 9, giật cấp 13. Như vậy, cường độ gió giật được dự báo tương đối chính xác so với thực tế, trong khi cường độ gió mạnh lệch khoảng 1-2 cấp.
Theo chuyên gia, với các cơn bão trên Biển Đông, việc tham khảo các kịch bản của cơ quan khí tượng quốc tế chỉ là một phần.
Ngoài ra, các chuyên gia khí tượng trong nước sẽ cân nhắc thêm mô hình dự báo, yếu tố địa hình, kinh nghiệm và đặc biệt là số liệu quan trắc trực tiếp từ trạm radar khi bão vào gần bờ, để giúp đưa ra các cảnh báo về bão chính xác hơn.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin