Do ảnh hưởng của mưa lớn liên tục trong nhiều ngày qua, ngôi nhà của ông Đinh Nho Thành, bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn, xuất hiện nhiều vết nứt lớn trên các bức tường. Theo ông Thành, “không chỉ tường nhà mà con đường phía trước nhà ông cũng xuất hiện ngày càng nhiều vết nứt dài hơn 60m, do đất từ trên đồi đẩy xuống. Cả cụm dân cư có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào. Để đảm bảo an toàn, gia đình ông Thành đã sơ tán toàn bộ tài sản và con người đến ở nhờ bà con trong bản”.
Ngôi nhà của gia đình ông Đinh Nho Thành bị hư hỏng nặng do ảnh hưởng sạt lở núi. |
Không riêng hộ gia đình ông Thành, nhiều hộ dân khác trong bản cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Theo ông Vi Văn Truyền, Trưởng bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ, Kỳ Sơn, chia sẻ: Mặc dù ở khá cao, cách xa con suối Huồi Giảng, nơi vừa xảy ra trận lũ quét kinh hoàng, nhưng nhiều hộ dân nằm ở khu vực dọc tuyến đường vào xã Tây Sơn, khu vực bản Hòa Sơn phải đối mặt với nỗi lo sạt lở đất, bởi dãy núi phía sau đã xuất hiện nhiều vết nứt lớn chạy dài, thậm chí nhiều ngôi nhà bị chia đôi vì sụt lún và đứt gãy.
Nhiều ngôi nhà ở cao trên núi, thoát khỏi lũ quét ngày 2/10, nhưng bị ảnh hưởng bởi sạt lở núi. |
“Ngay khi phát hiện các nết nứt lớn phía trên đỉnh núi sau bản và dọc tuyến đường trong bản, Ban quản lý bản đã kêu gọi các hộ dân di dời đến ở ghép với những hộ còn an toàn ở trong bản”, ông Vi Văn Truyền chia sẻ thêm.
Nhiều vết bong và nứt kéo dài trên tuyến đường vào Tây Sơn, đoạn qua bản Hòa Sơn. |
Do ảnh hưởng của mưa lớn suốt từ đầu tháng 9 cho đến nay, nên các núi đồi đã quá "no" nước, dẫn đến hiện tượng sạt lở, đứt gãy. Theo thống kê của UBND huyện Kỳ Sơn, hiện trên địa bàn toàn huyện có hơn 200 ngôi nhà có nguy cơ bị sập do sạt lở đất, trong đó có 36 nhà phải di dời khẩn cấp. Riêng bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ có 20 ngôi nhà có nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào.
Nhiều ngôi nhà bị chia đôi bởi các vết nứt dài cả chục mét, sâu 2m, rộng 0,5m. |
Ông Nguyễn Hữu Minh, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn cho biết: “Cấp ủy, chính quyền huyện Kỳ Sơn đã chỉ đạo rất quyết liệt để di dời các hộ gia đình ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở. Địa phương cũng mong tỉnh, Trung ương quan tâm hỗ trợ để có một khu tái định cư cho người dân ở nơi đây ổn định cuộc sống lâu dài”.
Nhiều dãy núi phía sau bản Hòa Sơn xuất hiện vết nứt, sạt lở đất nghiêm trọng. |
Bài toán di dời, tìm nơi định cư mới an toàn cho bà bà con lúc này vô cùng nan giải đối với địa phương. Bởi địa hình của kỳ Sơn chủ yếu một bên là núi dốc, một bên là vực sâu và sông suối.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin