UBND tỉnh Đồng Tháp đã làm việc với hai Bộ Xây dựng, Giao thông Vận tải về phương án nhổ ống cọc bê tông ở dự án cầu Rọc Sen (huyện Thanh Bình) - nơi bé trai Thái Lý Hạo Nam (10 tuổi) rơi xuống.
Tại cuộc họp, các đơn vị đã thống nhất thành lập Tổ điều hành cứu nạn, cứu hộ công trình cầu Rọc Sen để điều hành thi công phương án tại địa điểm này.
Theo ông Lê Hoàng Bảo, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Tháp, địa phương đã thống nhất phương án nhổ ống cọc bê tông qua 11 bước. Các bước sẽ đảm bảo tính khả thi khi đáp ứng đủ thiết bị tại chỗ, thời gian cũng như độ an toàn cho đơn vị thi công. Tuy nhiên, để kéo được ống cọc bê tông lên, đơn vị cần thêm một cần cẩu 80 tấn.
Tính đến chiều cùng ngày, các công nhân đang tiến hành đóng cọc ván thép có chiều dài 18 m xung quanh ống cọc bê tông khác. Bên cạnh đó, Tổ điều hành đang huy động và bổ sung thêm nhân lực và thiết bị về hiện trường. Hoạt động cứu nạn, cứu hộ vẫn diễn ra khẩn trương, đồng thời phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho lực lượng thực hiện nhiệm vụ.
Lực lượng cứu hộ tỉnh Đồng Tháp tiến hành đóng cọc ván thép có chiều dài 18 m xung quanh ống cọc bê tông khác. |
Trước đó, đại úy Đặng Văn Giang (công an viên xã Phú Lợi) - một trong những cán bộ có mặt tại hiện trường trưa 31/12, thời điểm bé Hạo Nam rơi xuống ống cọc bê tông, đã kể lại những phút giải cứu đầu tiên.
Anh cho biết khoảng 12h, khi nghe tin có bé trai rơi xuống ống cọc bê tông, lực lượng chức năng đã có mặt ở hiện trường chỉ sau 5 phút. Đội dùng bình oxy có sẵn trong công trình, thòng dây xuống cho bé Nam có không khí để thở. Tiếp theo, đội huy động máy bơm oxy với bình ắc quy và 3 ống oxy. Sau khi báo chỉ huy, 15 phút sau, đội cứu hộ cứu nạn huyện Thanh Bình tới.
Đại úy Nguyễn Phương Hồng (công an viên xã Phú Lợi) cũng có mặt tại hiện trường cầu Rọc Sen trưa 31/12. Ngay khi có mặt, anh Hồng cùng anh Tấn Tài (cha của bé Nam) tiến hành thả dây oxy xuống. Ba Hạo Nam kể lại ban đầu, anh có gọi tên bé "Con có ở dưới đó không", được bé Nam trả lời lại "Ba ơi cứu con". Tuy nhiên, một lúc sau thì bé dần im lặng.
"Đây là tình huống rất đau xót. Vị trí lỗ của ống cọc bê tông quá nhỏ. Phải chi bé Nam tương tác lại, đội còn xác định em đang ở vị trí nào, tiện cho việc cung cấp oxy và nước uống xuống phía dưới. Tuy nhiên do lòng ống sâu, miệng ống hẹp nên đội không thực hiện được các biện pháp nghiệp vụ", anh Hồng nghẹn ngào nhớ lại.
Đại uý Nguyễn Phương Hồng có mặt tại hiện trường cứu hộ bé Nam trong trưa 31/12. |
Trước đó, ngày 6/1, lực lượng cứu hộ cứu nạn tỉnh Đồng Tháp đã chốt phương án mới để kéo ống cọc bê tông có bé Nam lên.
Phương án mới là sử dụng kết hợp giữa cọc ván thép và ống vách thép trong quá trình làm sạch đất xung quanh ống cọc bê tông.
Theo đó, cọc ván thép sẽ được đóng xung quanh ống cọc bê tông tạo thành một bộ khung 4,8 m x 4,8 m, đất xung quanh ống cọc được lấy lên bằng gàu xúc (tạm gọi là tầng 1). Từ đáy tầng 1, dùng ống vách thép đường kính 1,6 m đóng xuống đến khi đạt độ sâu của đáy ống cọc bê tông (tạm gọi là tầng 2) và sau đó, đất xung quanh ống cọc được lấy lên bằng khoan guồng xoắn. Sau khi tiếp cận đáy ống cọc sẽ dùng hệ thống cáp và cần cẩu nhấc ống cọc bê tông lên.
Hiện, công cuộc cứu hộ tại công trình cầu Rọc Sen đã kéo dài hơn một tuần, bắt đầu từ trưa 31/12.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin