Đời sống - Xã hội

Chưa thể nhổ cọc bêtông cứu bé trai

07:58, 02/01/2023
Sau vài tiếng sử dụng, máy khoan cọc nhồi đã dừng, được đưa ra khỏi hiện trường sáng 2/1, việc cứu hộ bé trai kẹt dưới hố sâu hơn 40 giờ đã không thành.

Đêm qua, sau khi có thiết bị chuyên dụng khoan cọc nhồi tải trọng 35 tấn, lực lượng cứu hộ đẩy nhanh công việc với mục tiêu sớm nhổ được cọc bêtông. Tuy nhiên, máy hoạt động không như dự tính, buộc phải dừng. Đến nay, nạn nhân 10 tuổi mắc kẹt dưới hố sâu gần 2 ngày. Ngành chức năng Đồng Tháp chưa cung cấp thông tin mới về việc cứu người.

Trước đó vào buổi chiều, máy khoan cọc nhồi được lực lượng cứu hộ tỉnh đưa từ huyện Tháp Mười đến hiện trường bé trai gặp nạn ở ấp 2, xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình. Khi có thiết bị, lực lượng cứu hộ bắt đầu khoan nhồi với lực đóng 35 tấn. Cơ quan chức năng dự tính, cùng với ba mũi khoan quanh cọc bêtông thực hiện gần 20 giờ qua, việc nhổ cọc hoàn thành trong đêm.

Hiện trường cứu hộ trong đêm 1/1.
Hiện trường cứu hộ trong đêm 1/1.

Trưa 31/12/2022, em Thái Lý Hạo Nam cùng 3 người bạn vào công trình cầu Rọc Sen nằm trên đường tỉnh 857, xã Phú Lợi, để nhặt phế liệu. Lúc đi qua công trình đang thi công, Nam lọt xuống cọc bêtông rỗng bên trong, đường kính 25 cm, đã đóng xuống đất sâu khoảng 35 m. Một số người chứng kiến cho biết, sau khi rơi vào cọc bêtông, bé trai kêu cứu chừng 10 phút rồi tiếng dần mất hút.

Vị trí bé trai mắc kẹt trong cột bêtông.
Vị trí bé trai mắc kẹt trong cột bêtông.

Camera tại dự án ghi lại cảnh bé trai gặp nạn khi đi trên nền đất ở công trường lồi lõm, nhiều hố sâu. Nam bé nhỏ nhất trong nhóm, sẩy chân rơi xuống hố trong tích tắc. Miệng hố cách điểm cuối cùng trụ bêtông cắm vào đất khoảng 3 m, không được đơn vị thi công lấp lại khi dời máy móc sang thi công mố cầu gần đó. Miệng hố như hình phễu, khi cháu bé sẩy chân đã rơi vào trụ bêtông rộng 25 cm.

Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Đồng Tháp Lê Hoàng Bảo đang chỉ huy tại công trường cứu hộ cho biết cọc bêtông gồm hai đoạn dài 12 m và một đoạn dài 10 m, dưới cùng được bịt kín. Kết cấu này hạn chế bé trai bị rơi ra ngoài khi cọc được nhổ lên. Lực lượng chức năng sẽ xác định vị trí bé trai, sau đó mới tiến hành tháo từng đoạt khớp nối cột bêtông.

Phương án khoan, bơm nước và dùng hệ thống cẩu kéo trụ bêtông lên.
Phương án khoan, bơm nước và dùng hệ thống cẩu kéo trụ bêtông lên.

Tại công trường, ngoài cần cẩu 50 tấn còn có ba xe máy xúc đất hỗ trợ công tác cứu hộ. Dù phương án giải cứu được bàn bạc kỹ song chính quyền tỉnh Đồng Tháp không chắc chắn về sức khoẻ hiện tại của Nam. Hiện cậu bé không còn tương tác với bên ngoài dù oxy vẫn được nạp liên tục vào bên trong cọc.

Theo báo cáo mới nhất của Sở Giao thông Vận tải Đồng Tháp, công trình cầu kênh Rọc Sen thuộc gói thầu số 14 - thi công cầu, nền, mặt đường và cống thoát nước dài hơn 4 km. Dự án do nhóm 3 doanh nghiệp thực hiện, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Tháp làm chủ đầu tư công trình, Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông vận tải giám sát thi công, xây dựng.

Về trách nhiệm của nhà thầu, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Đồng Tháp cho hay xung quanh công trường có rào dây, cắm biển báo, camera giám sát song đơn vị sẽ chấn chỉnh, đảm bảo an toàn khi thi công. "Sau khi hoàn tất cứu hộ, ngành chức năng làm rõ nguyên nhân, sẽ xử lý sai phạm nếu có", ông Bảo nói.

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện