Thiếu cả người ký giấy kiểm định
Ngày 2/3, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, việc thiếu nhân sự đăng kiểm đang là vấn đề nghiêm trọng. Cả nước mới có vài nghìn nhân viên đăng kiểm, muốn đào tạo mất hàng năm. Ông Thọ nói: “Các trạm đăng kiểm vẫn áp dụng làm thêm giờ như trước Tết và điều quân chéo nhau”.
Trước nhiều kiến nghị liên quan việc kéo dài thời gian đăng kiểm đến hạn của xe cơ giới, ông Thọ khẳng định: “Về nguyên tắc vẫn phải đảm bảo an toàn, chứ không thể giãn thời gian”.
Khủng hoảng nhân sự đăng kiểm khiến nhiều trung tâm đang ùn tắc. |
Ông Nguyễn Tô An, Cục phó Cục Đăng kiểm Việt Nam, nói: “Chúng tôi đã nhìn trước hiện tượng ùn tắc các trung tâm đăng kiểm và trả lời báo chí cho người dân biết. Tình trạng này dẫn đến đứt gãy, sụp đổ hệ thống đăng kiểm nếu không có giải pháp cấp bách, kịp thời”. Ông An cho rằng, điểm yếu đăng kiểm hiện nay là nhân sự. “Chúng tôi thống kê và thấy nhiều dây chuyền máy móc không sử dụng được vì không có người. Nếu tuyển người vào vẫn phải đào tạo và chưa làm việc được ngay. Theo đó, hơn 1 năm mới công nhận đăng kiểm viên, 4 năm mới có đăng kiểm viên cao cấp. Thậm chí thiếu cả người ký giấy kiểm định”, ông An nói.
Bộ GTVT vừa có công văn gửi các Bộ Công an, TN&MT, Công Thương, KH&CN cùng Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về việc góp ý dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 16/2021/TT-BGTVT quy định về kiểm định xe cơ giới. Theo đó, ô tô mới sản xuất, lắp ráp chưa qua sử dụng có năm sản xuất không vượt quá 1 năm tính từ năm sản xuất đến năm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận kiểm định được miễn kiểm định và được cấp Giấy chứng nhận kiểm định, tem kiểm định để lưu hành.
Theo ông An, tháng 3, lượng xe cơ giới đến đăng kiểm thấp nhất trong năm, còn các tháng tiếp theo đến chu kỳ kiểm định sẽ đông hơn. Nhân lực đăng kiểm viên đang thiếu nghiêm trọng tại Hà Nội và TPHCM. Tại Hòa Bình và Bắc Kạn cũng cần nhanh chóng bổ sung đăng kiểm viên do mỗi tỉnh chỉ có một trung tâm đăng kiểm nhưng đã bị tạm dừng hoạt động.
“Hiện, Hà Nội còn 11 trung tâm hoạt động. Một số tỉnh như Yên Bái quá tải, phương tiện phải sang Lào Cai đăng kiểm. Đặc biệt, Hòa Bình có duy nhất trung tâm cũng đóng cửa khiến người dân phải chạy khắp nơi tìm chỗ kiểm định xe”, ông An nói.
Theo ông An việc tuyển nhân sự vào làm theo lương công chức, viên chức 5- 6 triệu/tháng nên ít người mặn mà.
Các đơn vị đăng kiểm vẫn áp dụng tăng giờ làm. “Sắp tới, Cục sẽ phát tiếp văn bản làm thêm giờ, tăng ca. Tuy nhiên, sức người có hạn. Bên cạnh đó, tâm lý của đăng kiểm viên bị ảnh hưởng nên năng suất làm việc suy giảm”, ông An nói.
Có nên giãn chu kỳ đăng kiểm?
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Thạc, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Nam Định, nói: “Theo tôi, ngoài việc bổ sung nhân sự, giải pháp cấp bách thời gian này để tránh ùn tắc các trung tâm đăng kiểm là giãn chu kỳ đăng kiểm. Theo đó, chu kỳ đăng kiểm từ 6 tháng lên 8 tháng… Với những xe ô tô mới sản xuất, nên áp dụng ngay miễn đăng kiểm lần đầu và lần tiếp theo cũng nên giãn”, ông Thạc nói.
Theo một chuyên gia lĩnh vực giao thông, Bộ GTVT và Cục Đăng kiểm Việt Nam nên phối hợp với cơ quan pháp luật để đưa ra giải pháp cấp bách trong giai đoạn hiện nay. “Những sai phạm đều là quá khứ không thể chối cãi được. Tuy nhiên, thời điểm này khi nhân sự đăng kiểm đang khủng hoảng làm ảnh hưởng đến toàn hệ thống, các bên phải ngồi lại với nhau để tìm giải pháp, chứ không thể để người dân gánh chịu”, vị này nói.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin