Gia đình chị Ngân Thị Loan ở bản Vều 4, xã Phúc Sơn đã thoát nghèo nhờ mô hình “Phân công đảng viên phụ trách hộ gia đình” của Đồn biên phòng Phúc Sơn. Năm 2019, được Đồn biên phòng Phúc Sơn hỗ trợ 2 con lợn giống và 100 con gà, đồng thời phân công đảng viên phụ trách hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, gia đình chị Loan phát triển kinh tế hiệu quả, đã xuất bán được 4 lứa lợn thịt với gần 50 con. Khi đã có nguồn vốn, gia đình chị đã đầu tư trồng hơn 1 ha chè công nghiệp, 5 sào sắn nguyên liệu, mở rộng chăn nuôi bò, lợn, gà.
Gia đình chị Ngân Thị Loan ở bản Vều 4 là hộ gia đình thoát được nghèo nhờ mô hình “Phân công đảng viên phụ trách hộ gia đình” của Đồn biên phòng Phúc Sơn. |
Hiện nay gia đình chị là một điển hình trong phát triển kinh tế ở bản biên giới Vều 4. Đặc biệt vào cuối năm 2022 gia đình chị đã xin ra khỏi hộ nghèo, tự lực vươn lên để dành các chế độ hỗ trợ cho gia đình khác khó khăn hơn. “Gia đình chúng tôi rất biết ơn bộ đội biên phòng không chỉ trao tặng con giống mà còn thường xuyên đến để hướng dẫn cầm tay chỉ việc”, chị Loan chia sẻ.
Cũng giống như gia đình chị Loan, gia đình anh Lộc Văn Thảo ở bản Vều 4 xã Phúc Sơn, là một trong những gia đình nghèo được đảng viên Đồn Biên phòng Phúc Sơn phụ trách giúp đỡ. "Vừa hỗ trợ con giống, vừa hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, cán bộ chiến sỹ không chỉ hỗ trợ về vật chất mà góp phần cổ vũ, động viên tinh thần để gia đình anh nỗ lực phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo”, anh Thảo chia sẻ thêm.
Cán bộ, đảng viên đồn biên phòng Phúc Sơn được phân công đã trực tiếp hướng dẫn từ cách làm chuồng trại chăn nuôi cho đến cách chăm sóc, điều trị bệnh cho lợn, gà. |
Đồn Biên phòng Phúc Sơn đứng chân trên địa bàn Cao Vều xã Phúc Sơn, hiện đồn đang quản lý 15,6 km đường biên giới, từ mốc 443 đến mốc 447 thuộc địa bàn 2 xã Phúc Sơn huyện Anh Sơn và Thanh Đức huyện Thanh Chương. Thực hiện Chỉ thị số 681-CT/ĐU ngày 8/10/2018 của Đảng ủy Bộ đội Biên phòng “Về việc phân công đảng viên đồn biên phòng phụ trách các hộ gia đình ở khu vực biên giới”, Đồn biên phòng Phúc Sơn đã xây dựng mô hình dân vận khéo “Phân công đảng viên phụ trách hộ gia đình” và triển khai chương trình “Ngân hàng lợn giống”, “Đàn gà sinh kế” để giúp đỡ bà con nhân dân các bản vùng biên giới có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống. Trên địa bàn 2 xã Phúc Sơn huyện Anh Sơn và Thanh Đức huyện Thanh Chương, đơn vị đã phân công 26 đảng viên phụ tránh 121 hộ. Hiện nay đã hỗ trợ 6 hộ gia đình là hộ nghèo, có hoàn cảnh khỏ khăn, mỗi hộ 2 con lợn giống, 50 con gà và tiền hỗ trợ mua thức ăn, với tổng trị giá hơn 20 triệu đồng.
Cán bộ đồn biên phòng Phúc Sơn bám nắm địa bàn, tìm hiểu tâm tư, hoàn cảnh từng hộ gia đình. |
Thượng tá Hoàng Thanh Tùng, Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Đồn Biên phòng Phúc Sơn cho biết: Để thực hiện hiệu quả mô hình dân vận khéo, Đảng ủy, ban chỉ huy Đồn Biên phòng Phúc Sơn phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương khảo sát các hộ gia đình thuộc diện được giúp đỡ, hỗ trợ; Chủ động lựa chọn những cán bộ, đảng viên có năng lực, kinh nghiệm trong công tác dân vận khéo để phân công, giao nhiệm vụ giúp đỡ các hộ dân. Qua đó không chỉ giúp đỡ về cơ sở vật chất, kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt mà còn động viên tinh thần để các gia đình vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống và chấp hành nghiêm các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; Đồng thời là cơ sở để đơn vị nắm chắc tình hình, phát hiện, xử lý kịp thời các vấn đề nảy sinh, giữ vững chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.
Ông Nguyễn Công Bình, Bí thư Đảng uỷ xã Phúc Sơn, Anh Sơn khẳng định: Những năm qua, đồn biên phòng Phúc Sơn đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động Nhân dân 4 bản biên giới Cao Vều tham gia xây dựng NTM, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, xây dựng cuộc sống mới, tạo điểm tựa vững chắc trong lòng Nhân dân khu vực biên giới. Nổi bật là mô hình dân vận khéo “Phân công đảng viên phụ trách hộ gia đình” mang ý nghĩa thiết thực, hỗ trợ động viên giúp đỡ các hộ nghèo ở 4 bản biên giới Cao Vều có điều kiện phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, góp phần cùng cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy nhanh công cuộc xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn, xây dựng bản làng ngày càng ấm no. Hiện toàn ở 4 bản biên giới Cao Vều có 30% hộ khá, tỷ lệ hộ nghèo đói ngày một giảm, bà con đã biếp áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất chăn nuôi, thực hiện nếp sống văn minh, góp phần đưa kinh tế - xã hội khu vực biên giới Anh Sơn ngày càng phát triển.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin