Đời sống - Xã hội

Tăng mức bồi dưỡng bằng hiện vật với người lao động từ tháng 3/2023

07:55, 01/03/2023
Thông tư 24 của Bộ LĐ-TB&XH quy định việc bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, yếu tố độc hại.

Nhiều chính sách mới sẽ có hiệu lực từ tháng 3/2023 như: triển khai cấp hộ chiếu phổ thông có gắn chíp điện tử cho công dân Việt Nam; bỏ tiêu chuẩn về ngoại ngữ, tin học với chấp hành viên; tăng mức bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động; hướng dẫn quản lý, thu chi tiền công đức, tài trợ cho di tích, hoạt động lễ hội... 

Từ ngày 1/3/2023, tăng mức bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động. (Ảnh minh hoạ: Báo Chính phủ).

Tăng mức bồi dưỡng bằng hiện vật với người lao động

Thông tư 24 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định việc bồi dưỡng bằng hiện vật đối với người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, yếu tố độc hại, mức bồi dưỡng bằng hiện vật được tính theo định suất hàng ngày và có giá trị bằng tiền như sau:

Mức 1 là 13.000 đồng (tăng 3.000 đồng); mức 2 là 20.000 đồng (tăng 5.000 đồng); mức 3 là 26.000 đồng (tăng 6.000 đồng); mức 4 là 32.000 đồng (tăng 7.000 đồng).

Đối với người lao động đủ điều kiện hưởng bồi dưỡng nếu làm việc từ 50% thời giờ làm việc bình thường trở lên của ngày làm việc thì được hưởng cả định suất bồi dưỡng; nếu làm dưới 50% thời giờ làm việc bình thường của ngày làm việc thì được hưởng nửa định suất bồi dưỡng.

Trường hợp người lao động làm thêm giờ, định suất bồi dưỡng bằng hiện vật được tăng lên tương ứng với số giờ làm thêm theo nguyên tắc trên.

Thông tư có hiệu lực từ 1/3/2023.

Quản lý, thu chi tiền công đức, tài trợ cho di tích, hoạt động lễ hội

Thông tư số 04 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội, có hiệu lực thi hành từ 19/3/2023.

Thông tư quy định rõ về tiếp nhận tiền công đức, tài trợ. Theo đó, mở tài khoản tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để phản ánh việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội theo hình thức chuyển khoản, phương thức thanh toán điện tử.

Người đại diện cơ sở tín ngưỡng tự quyết định và chịu trách nhiệm về tiếp nhận, quản lý, sử dụng tiền công đức, tài trợ cho việc bảo vệ, phát huy giá trị di tích và hoạt động lễ hội, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, pháp luật về di sản văn hóa và pháp luật khác có liên quan. 

Triển khai cấp hộ chiếu phổ thông có gắn chíp điện tử 

Từ 1/3/2023, Bộ Công an triển khai cấp hộ chiếu phổ thông có gắn chíp điện tử cho công dân Việt Nam theo Luật xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.

Hộ chiếu có gắn chíp điện tử là hộ chiếu có gắn thiết bị điện tử lưu giữ thông tin được mã hóa của người mang hộ chiếu và chữ ký của người cấp.  

Mẫu hộ chiếu mới có gắn chíp. (Ảnh: VOV).

Người được cấp hộ chiếu gắn chíp điện tử sẽ được phía nước ngoài ưu tiên khi xét duyệt cấp thị thực nhập cảnh. Hiện nay, trên thế giới có trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ sử dụng hộ chiếu điện tử, vì lưu trữ được nhiều thông tin theo một định dạng thống nhất giữa các quốc gia. Chính ưu điểm này, người mang hộ chiếu điện tử thường được các quốc gia ưu tiên cho phép xuất nhập cảnh dễ dàng hơn. Cụ thể như Chương trình miễn thị thực nhập cảnh của Mỹ được áp dụng cho 39 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với điều kiện người nhập cảnh phải có hộ chiếu điện tử.

Hộ chiếu gắn chíp điện tử có tính bảo mật thông tin cao, vì được lưu trữ trong con chíp, rất khó sao chép thông tin. Chính vì vậy, hộ chiếu điện tử có tính bảo mật hơn hộ chiếu giấy thông thường, bảo vệ người mang hộ chiếu trước nguy cơ bị lấy cắp thông tin cá nhân; tránh tình trạng bị làm giả, hoàn toàn không có việc định vị theo dõi.

Hộ chiếu phổ thông không gắn chíp điện tử và hộ chiếu phổ thông có gắn chíp điện tử được sử dụng song hành. 

Bỏ chứng chỉ tin học, ngoại ngữ đối với chấp hành viên

Theo quy định mới tại Thông tư số 10/2023/TT-BQP, các tiêu chuẩn đối với chấp hành viên đã được rút gọn, không còn các tiêu chuẩn về ngoại ngữ, tin học.

Cụ thể, chấp hành viên sơ cấp, trung cấp phải có đủ tiêu chuẩn tại Điều 18 Luật Thi hành án dân sự và Điều 4 Thông tư số 10/2023/TT-BQP; có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước và nghiệp vụ thi hành án dân sự theo nội dung, chương trình của Bộ Tư pháp.

Chấp hành viên cao cấp phải có đủ tiêu chuẩn theo quy định tại khoản 5, Điều 18 Luật Thi hành án dân sự và Điều 4 Thông tư này; có bằng tốt nghiệp cao cấp lý luận chính trị hoặc cao cấp lý luận chính trị - hành chính hoặc cử nhân chính trị hoặc có giấy xác nhận trình độ lý luận tương đương cao cấp lý luận chính trị theo quy định; có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước và nghiệp vụ thi hành án dân sự cao cấp theo nội dung, chương trình của Bộ Tư pháp.

Thông tư có hiệu lực thi hành từ 16/3.

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện
Tổng hợp tin đăng 24h việc làm mới nhấtBí quyết tìm việc nhanh