Máy bay Bell 505 mang số hiệu VN-8650 thuộc sở hữu Công ty Trực thăng miền Bắc, cất cánh từ Tuần Châu (TP Hạ Long) chiều ngày 5/4, sau khoảng 19 phút, máy bay gặp sự cố và mất tín hiệu với đài kiểm soát không lưu.
Sau 24 giờ tìm kiếm, phần xác của máy bay và hộp đen được trục vớt lên tàu, đưa về Quảng Ninh để phục vụ điều tra nguyên nhân.
5 nạn nhân gồm Đại tá Chu Quang Minh (59 tuổi), phi công điều khiển máy bay, trú tại quận Long Biên, Hà Nội; ông Hồ Tá Lực (59 tuổi) trú phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng; bà Hồ Thị Oanh (61 tuổi) trú tại phường Tam Thuận, quận Thanh Khê, Đà Nẵng; bà Phạm Thị Bê (65 tuổi) trú tại phường Hải Châu, quận Hải Châu, Đà Nẵng; bà Nguyễn Thị Hội (60 tuổi) trú tại phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng.
Trực thăng Bell 505 bay trên Vịnh Hạ Long. Ảnh: Công ty trực thăng bay miền Bắc |
Ba trong số các nạn nhân là người trong một gia đình. Sáng 5/4, cả đoàn gồm 7 thành viên gồm ông Lực, cô em gái, vợ chồng con gái và cháu ngoại cùng bạn của bà Hội là Phạm Thị Bê lên đường. Vợ chồng ông Lực làm nghề buôn bán nhỏ, có hai con gái và một con trai đã lập gia đình. Khi đến Quảng Ninh, mọi người tham quan, ngắm cảnh một số nơi và mua vé tour tham quan vịnh Hạ Long bằng máy bay trực thăng.
Tuy nhiên, trước giờ lên máy bay thì vợ chồng con gái ông Lực phải vào bệnh viện vì cháu nhỏ (cháu ngoại ông Lực) bị sốt. Người nhà ông Lực chia sẻ, 5/4 là ngày sinh nhật của ông Lực, "không ngờ chuyến du lịch mừng sinh nhật lại là trở thành ngày đại tang của gia đình”. Đến chiều tối 5/4 thì gia đình nhận được hung tin máy bay trực thăng bị rơi ở vịnh Hạ Long.
Đại tá Chu Quang Minh, quê quán xã Mỹ Tân, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định; trú tại phường Gia Thụy, quận Long Biên, TP Hà Nội. Anh là phi công lái chính Đội bay 2, Công ty Trực thăng Miền Bắc, Binh đoàn 18/Bộ Quốc phòng. Bước đầu nhận định cho thấy, khi trực thăng gặp sự cố, phi công đã rất cố gắng điều khiển đưa máy bay về khu vực an toàn. Tuy nhiên, do sự cố xảy ra quá nhanh nên phi công không kịp xử lý.
Các lực lượng cứu hộ tìm kiếm nạn nhân vụ máy bay rơi trên biển. |
Trước khi xảy ra vụ việc, Công ty Trực thăng miền Bắc khai thác hai máy bay Bell 505 số hiệu VN-8650 và VN-8651. Các máy bay được bảo dưỡng định kỳ đầy đủ theo nội dung đã được phê duyệt. Hai trực thăng này đã có 682 giờ bay chở khách du lịch với hơn 7.000 lượt hành khách.
Máy bay Bell 505 số hiệu VN-8650 bị tai nạn có tổng số giờ bay là 488 giờ. Trực thăng này có 2.655 lần cất/hạ cánh. Đại tá, phi công Chu Quang Minh sở hữu giấy phép lái máy bay thương mại còn hiệu lực đến tháng 6/2026.
Về điều kiện thời tiết, khí tượng, thời điểm xảy ra sự việc tầm nhìn đạt từ 6 đến 8 km, nhiệt độ 26 độ C, hoàn toàn phù hợp với điều kiện bay bằng mắt.
Là một trong những người đầu tiên tiếp cận hiện trường vụ máy bay rơi ở vùng biển gần đảo Hòn Dép, giáp ranh Quảng Ninh và Hải Phòng, ông Vũ Văn Dân, 54 tuổi, ở xã Gia Luận, huyện đảo Cát Hải, TP Hải Phòng cho biết, trước khi máy bay trực thăng gặp nạn, có nghe tiếng động lớn rồi ông nhìn thấy máy bay vụt qua một tàu cá lao xuống biển.
Khu vực trực thăng gặp nạn là xã Gia Luận, huyện Cát Hải, thành phố Hải Phòng và vịnh Hạ Long. Máy bay gặp nạn khi đã bay khá xa nên vùng tìm kiếm rộng. Ngoài ra, dốc dòng chảy, khu vực xung quanh có nhiều hẻm và hang đá nên thi thể trôi dạt nếu bị mắc vào sẽ gây khó khăn cho việc tìm kiếm.
Các lực lượng đã tích cực tìm mở rộng phạm vi, dùng lưới cào, lưới câu, vây… để tìm kiếm các nạn nhân. |
Tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo tàu của ngư dân rà lưới rê theo khu vực đã được lực lượng chức năng xác định. Đặc công, người nhái của Lữ đoàn Đặc công Hải quân 126 (thuộc Bộ tư lệnh Quân chủng Hải quân) được huy động để tìm kiếm sớm nạn nhân.
Ngoài ra, lực lượng cứu hộ phát thông báo tàu thuyền và ngư dân đang đánh bắt hải sản ở khu vực máy bay bị nạn tăng cường quan sát, phối hợp theo chỉ đạo của Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Khoảng hơn 500 cán bộ, chiến sĩ thuộc các lực lượng vũ trang và các ngành của Trung ương, địa phương tham gia tìm kiếm cứu nạn cứu hộ, trong đó tỉnh Quảng Ninh huy động hơn 300 cán bộ, chiến sĩ…
Người thân không cầm được nước mắt khi thi thể các nạn nhân được đưa về quê nhà Đà Nẵng. |
Vào khoảng 8h ngày 7/4, sau 2 ngày tìm kiếm, thi thể nạn nhân cuối cùng trong vụ 5 người gặp nạn trên chuyến bay trực thăng tham quan vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) đã được tìm thấy. Lực lượng cứu hộ cũng trục vớt xác máy bay, thiết bị Vision 1000 có chức năng ghi lại hình ảnh trong buồng lái, ghế ngồi phi công, ghế ngồi hành khách và các mảnh vỡ.
Tin nhắn cuối cùng bà Nguyễn Thị Ngân - vợ phi công Chu Quang Minh - nhận từ chồng là dòng thông báo "mai anh bay dưới Hạ Long 1 tuần". Trong trí nhớ của bà, người chồng chưa từng có ngày phép, nên sự việc xảy ra bà cũng tự an ủi mình và các con rằng “đây là chuyến công tác dài ngày” của ông.
Cục Hàng không Việt Nam phân loại vụ rơi trực thăng là tai nạn mức A (có thiệt hại về người và tàu bay). Nhà sản xuất trực thăng Bell và Ủy ban An toàn vận tải Canada đã gửi thư đề nghị hỗ trợ Việt Nam điều tra nguyên nhân.
Thủ tướng Phạm Minh Chính Thủ tướng chỉ đạo điều tra, xử lý nghiêm vi phạm (nếu có), đồng thời rà soát, kiểm tra toàn bộ các quy trình trong công tác điều hành bay liên quan đến vụ rơi trực thăng; tổ chức rút kinh nghiệm để khắc phục hạn chế, bảo đảm tuyệt đối an toàn các chuyến bay.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin