Suốt hơn 93 năm qua, như thường lệ, gần đến ngày Quốc khánh cựu chiến binh Võ Nguộc, xóm 6 xã Hưng Nghĩa, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An) cùng với con cháu trong gia đình sum vầy treo lá cờ Tổ quốc trước hiên nhà. Với ông, đây là việc làm thiêng liêng, cao quý.
CCB Võ Nguộc trân trọng, nâng niu lá cờ Tổ quốc. |
Vừa trò chuyện với chúng tôi, Cựu chiến binh Võ Nguộc tự trải lá cờ Tô quốc ra bàn. Đôi bàn tay ông nhẹ nhàng vuốt lá cờ cho thật phẳng phiu rồi nhờ con cháu cắm vào đế sắt cột cờ trước cửa gia đình mình. Ông cho biết, bản thân vốn từng vào sinh ra tử nơi chiến trường, dành trọn tuổi xuân cho 2 cuộc kháng chiến của đất nước.Trong hành trang ký ức hào hùng và bi tráng đó, hình ảnh lá cờ Tổ quốc đã đồng hành cùng ông, cùng cả dân tộc trải qua biết bao mùa xuân chiến thắng, được vun đắp bởi khát vọng hòa bình. Nên hơn ai hết, ông hiểu rõ giá trị của độc lập tự do. Với ông việc treo cờ ngày Quốc khánh luôn là niềm háo hức xen lẫn tự hào và còn là khoảng lặng xúc động khi nhớ những kỷ niệm chiến trường xưa. Ngắm nghía lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới trước hiên nhà, ông không giấu nổi niềm tự hào: "Khi treo cờ Tổ quốc, trong lòng tôi dấy lên một niềm xúc động khó tả. Lá cờ tung bay rực rỡ như cổ vũ thêm tinh thần yêu nước không chỉ cho tôi mà cho cả gia đình và những người khác".
CCB Trần Văn Xuân tự hào mỗi thời khắc treo cờ Tổ quốc |
Là người lính từng tham gia các cuộc kháng chiến chống Mỹ, đặc biệt trực tiếp tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, hơn ai hết CCB Trần Văn Xuân, xóm Hồng Phong, xã Hưng Thông, Hưng Nguyên hiểu được giá trị thiêng liêng của độc lập - tự do. Với ông, ngày 30/4, cờ Giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập là thời khắc báo hiệu Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã toàn thắng, thống nhất toàn vẹn đất nước. Sáng 2/9/1975, tại quảng trường Ba Đình, thủ đô Hà Nội, lễ duyệt binh khi non sông thu về một mối, Tổ quốc hoàn toàn thống nhất sau bao đêm dài cách trở. "Lá cờ của chúng ta là lá cờ thấm máu của các chiến sỹ ngoài mặt trận, cũng như của cả người dân qua nhiều thời kỳ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Lá cờ đỏ sao vàng là niềm tự hào của mỗi người lính như ông nói riêng và của người dân Việt Nam nói chung".
Phong trào treo mắc và xây dựng cụm cột cờ được nhiều địa phương thực hiện. |
Ngày nay, phong trào treo cờ Tổ quốc cũng đã lan tỏa và trở thành nét đẹp văn hóa của mỗi người dân Việt Nam. Những lá Quốc kỳ đỏ thắm được trân trọng treo lên vào những dịp lễ, Tết, thể hiện lòng tự tôn dân tộc của mỗi người dân đất Việt.
Các tuyến cờ được treo mắc rực rỡ các tuyến đường chào mừng Quốc khánh 2/9. |
Đến với Giáo xứ Kẻ Gai Hưng Tây, Hưng Nguyên (Nghệ An) những ngày này, chúng tôi cảm nhận một cuộc sống bình yên và hạnh phúc nơi đây. Ngay từ con đường vào xứ đạo, hai bên trục đường sắc đỏ cờ Tổ quốc, cờ Đảng tung bay dưới bầu trời trong xanh, điểm tô một sắc thu thật đẹp. Cùng với phong trào Xây dựng Nông thôn mới tại địa phương, những khởi sắc trong phát triển kinh tế - xã hội, mỗi người dân của Công giáo ở đây còn tích cự tham gia các phong trào thi đua yêu nước và giữ gìn an ninh, trật tự tại địa phương. Ông Nguyễn Văn Mão, Giáo xứ Kẻ Gai chia sẻ: Đón Tết Độc lập, nhà nhà đều treo cờ Tổ quốc. Đây cũng đã trở thành việc làm thường xuyên của chúng tôi. Mỗi người dân Công giáo đều hướng về Tổ quốc, tạo nên sức mạnh tinh thần về sự đoàn kết, quyết tâm xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp và vững mạnh.
Các tuyến cờ được treo mắc rực rỡ các tuyến đường chào mừng Quốc khánh 2/9. |
Những lá Quốc kỳ đỏ thắm được người dân trân trọng treo, không chỉ là sự tri ân với Tổ quốc mà còn là truyền thống tốt đẹp, niềm tự hào dân tộc của lớp lớp các thế hệ người Việt đang lớn lên, trưởng thành cùng sự chuyển mình của đất nước.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin