Đầu thế kỷ XX, Hà Nội đã có nhà máy lọc nước, có hệ thống máy nước công cộng cung cấp cho các phố phường và sinh ra nghề gánh nước thuê. Những người làm nghề này dùng đòn gánh, mỗi lần gánh hai thùng nước đem đổ vào bể nước hay chum của mỗi gia đình để sinh hoạt.
Trong khi ngày Tết, mọi người thường tránh đến nhà nhau sớm vì sợ gia chủ “kiêng” tuổi người xông nhà, thì những người làm nghề gánh nước lại không ngại tục kiêng này. Với hai xô nước trên gánh, họ được chủ nhà chào đón với lời chúc: “Năm mới, mừng ông bà giàu có tiền như nước!”, và luôn nhận được những bao lì xì bên trong rủng rỉnh tiền xu.
Những điều kiêng của thương nhân
Học giả người Pháp Gustave Dumoutier (1850-1904), trong cuốn sách “Tiểu luận về dân Bắc kỳ” xuất bản đầu thế kỷ XX, đã thống kê một số tục kiêng của người dân miền Bắc nước ta, mà ông thấy "lạ lùng và có phần mê tín".
Điển hình trong đó là việc người dân Việt không bao giờ dùng hoa nhài để thờ cúng tổ tiên ngày Tết, vì có truyền thuyết nói rằng nguồn gốc của loài hoa này là hóa thân của một cô gái làng chơi.
Trong chương cuối cuốn sách tập hợp các bài tiểu luận về đời sống văn hóa, tinh thần của người Việt mà ông biên soạn những năm cuối đời khi sinh sống tại Đồ Sơn, Hải Phòng, học giả này tổng hợp một số điều kiêng kị của người Việt ngày Tết Nguyên đán – dịp lễ quan trọng nhất của dân tộc.
Hoặc trong ngày mùng Một Tết, các gia đình đều kiêng không quét nhà, vì chỉ một nhát chổi sẽ kéo theo sự không may mắn quanh năm.
Phong tục ngày Tết. |
Trong sách “Việt Nam phong tục” cũng xuất bản đầu thế kỷ XX, học giả Việt nổi tiếng Phan Kế Bính cho biết rõ hơn về tục này: “Quét tước trong nhà phải kiêng không dám hốt rác đổ đi, chỉ vun vào một xó, đợi ba hôm động thổ rồi mới đem đổ. Tục này do ở trong sách "Sưu thần ký" có chuyện người lái buôn tên là Âu Minh đi qua hồ Thanh Thảo.
Thủy thần cho một người hầu tên là Như Nguyện, đem về nhà được vài năm thì giàu to. Đến sau, một hôm nhân ngày mùng Một Tết, đánh nó, nó chui vào đống rác mà biến mất, từ đấy nhà chàng kia lại nghèo đi. Bởi thế ta theo tục Tàu, kiêng không dám hốt rác".
Trong “Tiểu luận về dân Bắc kỳ”, Dumoutier viết thêm, trong dịp cúng xuân, mọi người có thói quen mang về nhà lửa lấy từ lư hương trên bàn thờ, cùng lá và hoa lấy từ đồ cúng theo nghi thức, coi đó là vật lấy khước, đem lại hạnh phúc cho gia đình.
Học giả Phan Kế Bính cũng cho biết tục lệ của người Việt trong việc cúng mùng Một Tết, thì ngoài cỗ cúng gia tiên, sẽ cúng cả Thổ công, Táo quân, Nghệ sư (tức là tổ của nghề nghiệp mà gia chủ đang làm). "Cỗ bàn to nhỏ thế nào cũng được, nhưng làm sao cũng phải có bánh chưng, cá kho, giò, chả, dưa hành, thịt bò mới ra cỗ ngày Tết", sách viết.
Ngoài ra, mọi người kiêng nói điều xui xẻo vào đầu năm mới: "Sáng mùng Một Tết, mọi người ăn nói phải giữ gìn, sợ nói bậy thì "dông” đi cả năm. Nhiều nhà nhờ một người phúc hậu dễ tính, sáng sớm đến xông đất, để cho cả năm được bán đắt buôn may".
Thương nhân Việt với tục kiêng về các loài vật
Theo ông Dumoutier, với các thương nhân Việt Nam, khi khởi đầu mọi cuộc kinh doanh, luôn phải kiêng ăn thịt vịt và thịt chó, bằng không sẽ làm ăn thua lỗ.
Ông cũng nhận thấy, các lái buôn nước Việt rất mê tín và tin rằng hai loài vật là khỉ và voi đều gây ảnh hưởng xấu trong việc làm ăn, nên luôn tránh gọi tên của chúng. Ông còn thấy, kể cả những người không làm việc kinh doanh cũng lây thói quen này. Nếu bắt buộc phải nhắc đến hai loài vật này, thì người ta thống nhất gọi con voi là con trâu và con khỉ là con đỏ đít. Đặc biệt, ông viết: người dân miền Bắc nước ta thời đó, khi chửi mắng nhau thậm tệ, sẽ mắng nhau là đồ con khỉ!
Một điều lạ mà nhà nghiên cứu dân tộc học người Pháp này nhận thấy, là khác với người dân châu Âu, các thương nhân Việt lại rất coi trọng con gián, dù trong nhà đầy gián, nhưng chỉ giết một con cũng làm họ áy náy. Trong khi ông thấy dân nước ta giết nhện, thì lại coi sự hiện diện của gián như là điềm hứa hẹn cơ nghiệp dồi dào.
Ông sưu tầm những câu ca dao về con gián, như:
Lạy trời cho chủ chúa nhà tôi giàu
Để tôi húp mỡ cho đầu tôi trơn.
Trong khi đó thì con nhện sẽ khấn rằng:
Lạy giời cho chúa tôi tàn
Để tôi mắc võng nghênh ngang giữa nhà.
Người Việt coi máy mắt là một điềm báo. Với con trai, nếu máy mắt trái, còn với con gái, máy mắt phải, đều là điềm báo chuyện không thú vị sẽ xảy ra trong ngày. Trong khi đó, người con trai mà máy mắt phải thì trong ngày hôm đó sẽ gặp bất ngờ thú vị. Nếu máy môi, điều bất ngờ còn tốt hơn, vì tục ngữ có nói:
Máy mắt ăn xôi
Máy môi ăn thịt.
Ngày Tết, phụ nữ Việt cũng thường đi xem bói. Gustave Dumoutier phát hiện ra một điều thú vị là các ông chồng sẽ có cách để thầy bói phán sai cho các bà vợ, bằng cách ở nhà lấy chiếc đũa ăn cơm cắm vào giữa hai viên gạch bắc lò, vì quan niệm rằng làm như thế, Táo quân sẽ can thiệp, khiến cố gắng của thầy bói trở nên vô ích.
Ngày Tết cũng như ngày thường, người Việt cũng hay phải tiếp những vị khách ngồi lỳ, cản trở công việc của gia đình. Nếu muốn âm thầm tống khứ những vị khách này, có một cách là đặt một chiếc vỉ nướng lên trên hỏa lò trong bếp, hoặc nếu lửa đang cháy, thì ném vào đó vài hạt muối. Người ta quan niệm rằng Táo quân sẽ được báo hiệu, và sẽ hối thúc kẻ quấy rầy phải ra về.
Ngoài ra, ngày Tết thời xưa thường có các đám đánh bạc. Tác giả người Pháp còn ghi lại một chuyện bí hiểm liên quan đến loài vật và đánh bạc như sau: Những người đánh bạc tin rằng ai rửa mắt bằng nước pha mật chuột, mắt sẽ sáng tới mức nhìn xuyên qua mọi vật, giúp các tay cờ bạc có thể nhìn được mặt cá con xúc xắc dù đã bị chiếc đĩa úp lên trên!
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin