Chúng tôi tìm đến gia đình cựu chiến binh Nguyễn Xuân Tứ xã Xuân Lam, huyện Hưng Nguyên, trong không khí hào hùng của những ngày tháng Tư lịch sử, những ký ức năm xưa lại ùa về trong tâm trí người lính già. Bên chén trà, CCB Nguyễn xuân Tứ chia sẻ: Ông sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở xã Hưng Xuân cũ, nay xã Xuân Lam. Năm 1968, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, khi mới tròn 18 tuổi, ông đã cùng với nhiều thanh niên của quê hương hăng hái lên đường nhập ngũ, đem tất cả sức lực, trí tuệ và lòng nhiệt huyết của tuổi trẻ cống hiến cho cách mạng.
CCB Nguyễn Xuân Tứ (áo xanh) ôn lại kỷ niệm, kỷ vật chiến đấu. |
Sau khi nhập ngũ ông được huấn luyện tại C9 - D6 Quân khu 4, làm báo vụ, thông tin. Tháng 9/1968, ông được điều động về Trung Đoàn Cao Xạ E284 Quân khu 4, phục vụ chiến đấu bên Lào, bảo vệ giao thông đường Trường Sơn. Tháng 12-1971, Trung đoàn của ông được vào Bình Trị Thiên, tiến vào chiến dịch Xuân - Hè 72 . Tại chiến dịch này ông bị máy bay B52 thả bom và bị thương ở Cao Điểm 81 - Đông Hà. Ngày 19/3/1972, ông được chính thức Kết nạp Đảng.Từ tháng 12/1973 ông được phong cấp bậc Chuẩn úy trợ lý cán bộ thuộc Quân đoàn 2 đóng quân tại Quảng Trị. Từ tháng 11/1973 đến 12/1974, thiếu úy chính viên Phó thuộc C10- D7 E284 -F673.
Đầu năm 1975, cựu chiến binh Nguyễn Xuân Tứ bắt đầu tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, với nhiệm vụ là lực lượng đi trước dọn đường, mở lối để Quân đoàn tiến vào. Ông đã trực tiếp cùng đồng chí, đồng đội nắm thông tin liên lạc, dò đường, làm cầu, bảo đảm thông mọi tuyến đường.
Bồi hồi nhớ lại, ông Tứ cho biết: Những ngày tháng đó địch liên tục thả bom đánh phá, cản đường. Rất nhiều đồng chí anh dũng hy sinh. Chính sự hy sinh của đồng đội càng nung nấu ý chí, tiếp thêm sức mạnh để anh em trong đơn vị vượt qua gian nan, thử thách.
Nhắc đến quãng thời gian này, đôi mắt ông Nguyễn Xuân Tứ sáng lên đầy tự hào, đầy kỷ niệm, CCB Nguyễn Xuân Tứ kể lại: Đêm ngày 29/4/1975, quân chủ lực của ta kết hợp với biệt động Sài Gòn, Tự vệ thành đã đánh giáp lá cà với quân ngụy trên tất cả các phố. Đến khoảng 5 giờ sáng ngày 30/4/1975, khi đơn vị của ông đi qua khu nghĩa trang thành phố đã thấy súng, đạn của địch vứt ngổn ngang khi tháo chạy. Lúc tiến về phía Dinh Độc Lập, từ trên nóc nhà cao tầng, một số tên địch cố cùng nổ súng nhưng bị Tự vệ thành nhanh chóng tiêu diệt. Dù pháo của đơn vị đánh máy bay tầm thấp nhưng khi gặp sự chống trả của lính bộ binh ngụy, anh em cho nòng pháo chúc xuống thấp bắn quét khiến chúng hoảng loạn tháo chạy. Với tinh thần chiến sĩ hăng hái, ngoan cường, từng hướng, ngả đường đều thấy các cánh quân của ta, người xe liên tục tiến vào. Và ngay thời điểm đó, tin chiến thắng từ chiến trường, cả đơn vị vui mừng khó tả. Miền Nam hoàn toàn được giải phóng sau bao nhiêu năm chờ đợi. Anh em chiến sĩ hò reo, cười nói và ôm nhau khóc trong niềm hạnh phúc vỡ òa.
Nhìn ánh mắt sáng, giọng kể hào sảng, chúng tôi hiểu, đó là những kỷ niệm không thể nào quên của CCB Nguyễn Xuân Tứ mỗi khi nhớ lại những năm tháng gian khổ song rất đỗi tự hào của mình.
Những kỷ vật, giấy tờ năm xưa được ông lưu giữ và trân trọng. |
Từ sau chiến dịch Hồ chí Minh, CCB Nguyễn Xuân Tứ còn tham gia chiến dịch Biên giới Tây Nam Campuchia 1979. Cuối năm 1979, đơn vị của ông tập kết ra Bắc, đóng quân tại Thái Đào (Lạng Giang, Hà Bắc). Tại đây, năm 1980, CCB Nguyễn Xuân Tứ đã kết duyên với chị Nguyễn Thị Oanh, giáo viên Trường Phổ thông cơ sở Thái Đào. Tháng 9/1982 ông được phong cấp bậc Thượng uy, Phó tiểu đoàn trưởng chính trị D7-E673. Tháng 10/1983, ông được nghỉ theo chế độ bệnh binh.
Hơn 15 năm trong quân ngũ, từ chiến trường, ngoài những ký ức khốc liệt mà hào hùng của một thời lửa đạn trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giờ đây kỷ vật ông Nguyễn Xuân Tứ còn lưu giữ như những tấm hình đã phai màu, chiếc khăn quàng, bi đông, vỏ đạn, trở thành vật chứng cho lịch sử.
Gác lại ký ức của một thời bom đạn, trở về quê hương CCB Nguyễn Xuân Tứ vẫn luôn phát huy phẩm chất anh Bộ đội cụ Hồ, gương mẫu đi đầu trong thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, cũng cực tham gia các hoạt động xã hội của địa phương. Từng là Chủ tịch Hội CCB xã 19 năm liền, dù ở cương vị nào ông cũng luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
49 năm đã trôi qua, giờ đây khi trở về cuộc sống đời thường, những người lính năm xưa vẫn không bao giờ quên đồng đội của mình đã ngã xuống trước giờ đất nước toàn thắng. Và họ luôn sống trong những ký ức đẹp một thời tuổi trẻ đánh giặc cứu nước, tiếp tục giữ gìn phẩm chất tốt đẹp của anh Bộ đội cụ Hồ, gửi trọn niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, thi đua xây dựng quê hương, đất nước ngày càng tươi đẹp, đàng hoàng như mong ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin