Ghi chép: Hành trình cống hiến của những người “vác tù và hàng tổng” ở vùng giáo Quỳnh Lưu

16:56, 27/08/2024
Trong những chuyến công tác về cơ sở tại vùng đồng bào Công giáo huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, chúng tôi đã có cơ hội gặp gỡ và trò chuyện với những Trưởng thôn, Trưởng ban công tác Mặt trận. Họ là những người luôn đi đầu trong các hoạt động cộng đồng, sống gương mẫu, và được dân tin yêu nhờ sự tận tụy, trách nhiệm và nhiệt huyết không ngừng nghỉ. Chính sự bình dị và "tốt đời đẹp đạo" sống mẫu mực, gương mẫu, “tốt đời đẹp đạo” đã khiến họ được bà con gọi với cái tên đầy yêu mến: Những người “vác tù và hàng tổng”.

 Kỳ I: Tận lực vì làng, tận tụy vì dân - Câu chuyện của một người cán bộ Mặt trận

Tôi gặp ông vào một buổi chiều tháng 8, trong không khí náo nức chào mừng Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh 2/9. Ngồi trò chuyện cùng ông, khi nhắc đến chuyện của bà con trong thôn gọi mình là “ông Mặt trận vác tù và”, ông cười nói rằng: “Là trưởng ban Mặt trận, không “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” thì chẳng nên cơm cháo gì. Anh về cơ sở mà xem, đám hiếu đám hỉ có ông Mặt trận; hàng xóm láng giềng tiếng bấc tiếng chì, tìm ông Mặt trận; vợ chồng cơm không lành, canh không ngọt cũng gọi ông Mặt trận...”

Ông Dương Hà Nam (ngồi giữa) đang tiếp công dân trong thôn.
Ông Dương Hà Nam (ngồi giữa) đang tiếp công dân trong thôn.

Người mà tôi nói đến ở đây là ông Dương Hà Nam (sinh năm 1965), là giáo dân thuộc giáo xứ Phú Yên (thôn Tân An, xã An Hòa, huyện Quỳnh Lưu). Năm 1984, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, ông lên đường nhập ngũ vào Binh đoàn 12 đóng quân trên đất nước bạn Lào. Sau 3 năm cống hiến tuổi thanh xuân trong quân ngũ, trở về địa phương, ông tích cực tham gia các phong trào, hoạt động của địa phương. “Vì cái chất lính trong người không cho mình ngồi yên, khát khao cống hiến và được cống hiến. Năm 1990 làm Bí thư chi đoàn thôn, năm 2000 được người dân tín nhiệm bầu làm Trưởng ban công tác Mặt trận, rồi sau đó kiêm luôn Trưởng thôn đến nay. Cái thời đó lấy sức mình ra để lo việc thôn, việc xóm thôi chứ chế độ đãi ngộ chỉ được mấy chục ngàn đồng, nhưng vẫn vui, vẫn thấy lòng thanh thản” - ông Nam  bày tỏ. “Đảm nhận nhiều vị trí vậy, ông có lo kham không nổi, rồi mọi người bảo ông ham chức vị?”- Tôi hỏi chân thành. Ông chia sẻ: Mọi người vẫn ví công việc của tôi là “vác tù và hàng tổng”, nhiều lúc gánh trên vai việc nhà, việc làng cũng thấy mệt muốn nghỉ lắm nhưng bà con chưa cho nghỉ, những lúc như vậy nghĩ tới sự tin tưởng, tình cảm của bà con dành cho mình nên tôi lại cố gắng nỗ lực hơn. Đến nay tôi đã làm Trưởng ban công tác Mặt trận và Trưởng thôn hơn 20 năm, trong mọi công việc tôi đều đặt lợi ích của tập thể lên trên hết, bản thân luôn gương mẫu đi đầu, có vậy bà con mới tin tưởng làm theo, công việc ngày càng thêm thuận lợi. Nhờ vậy mà hầu hết nhiệm vụ của thôn đều hoàn thành tốt.

Thôn Tân An có 275 hộ và 1.350 nhân khẩu, là thôn giáo dân toàn tòng, sinh sống ven sông Mai Giang, không có đất sản xuất nông nghiệp, nghề nghiệp bà con ở đây là sản xuất muối, đánh bắt hải sản, chế biến nước mắm truyền thống nên đời sống của bà con gặp rất nhiều khó khăn, nhất là khi giá muối không ổn định, phương tiện đánh bắt nhỏ lẻ nên thu nhập bấp bênh. Cuộc sống đói nghèo cứ dai dẳng bám vào người dân nơi đây, trước năm 2010 tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo chiếm 40 – 45%, bình quân thu nhập đầu người chỉ đạt từ 8 – 10 triệu đồng/năm; nhiều gia đình dẫu không còn là hộ nghèo, hộ cận nghèo nhưng rất dễ tái nghèo nếu điều kiện sản xuất không thuận lợi. Đường làng ngõ xóm chật hẹp, giao thông đi lại rất khó khăn…

 Ông Dương Hà Nam (đội mũ) đang treo cờ Tổ quốc chào mừng Quốc khánh 2-9.
Ông Dương Hà Nam (đội mũ) đang treo cờ Tổ quốc chào mừng Quốc khánh 2-9.

Nhưng đó là câu chuyện hơn 10 năm về trước, hôm nay về với thôn Tân An, đi trên những con đường trải thảm bê tông rộng thoáng, cảm nhận được một sự đổi thay của một vùng đất nắng gió mặn mòi. Ông Nam chia sẻ: “Năm 2023, thôn Tân An tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 0,3%, hộ khá và giàu 55%, bình quân thu nhập đạt trên 45 triệu đồng/người. Có được kết quả đó, thời gian qua chúng tôi xác định cần phải đầu tư vốn để đóng tàu lớn, mua sắm ngư lưới cụ và trang thiết bị đánh bắt hiện đại như Ecom, máy dò, công nghệ đèn Led, hầm PU bảo quản sản phẩm... đủ khả năng vươn khơi bám biển dài ngày, khai thác đánh bắt ở ngư trường xa bờ. May mắn là được sự tiếp sức của nguồn tín dụng  vốn ưu đãi của Nhà nước và chương trình hỗ trợ theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP để mua sắm ngư lưới cụ và đầu tư đóng mới hoặc tu sửa lại phuơng tiện đánh bắt, tạo nên niềm hy vọng về hướng phát triển kinh tế biển bền vững”.

Muốn thực hiện thắng lợi mục tiêu này, theo ông Dương Hà Nam thì các thành viên của Mặt trận như: CCB, Đoàn thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Nông dân và từng hộ dân... tất cả đều vào cuộc, phải biết phối hợp nhịp nhàng với Hội đồng mục vụ giáo xứ và biết tranh thủ sự ủng hộ, đồng thuận của linh mục quản xứ, nhất là phải tạo được niềm tin, sự đồng lòng, chung sức của từng người dân. Muốn vậy, thì cá nhân mình phải đi đến với người dân, cùng đồng hành, chia sẻ với họ và bằng chính việc làm của mình, gia đình mình để người dân tin. 

“Vậy trong quá trình “vác tù và hàng tổng”, ông có những kỷ niệm nào đáng nhớ?”- Tôi hỏi. Ông trầm ngâm một lát rồi trả lời: “Nhiều lắm, nhớ sao hết, vui có, buồn có, chán nản cũng có, lớn nhỏ đều có. Nhất là giai đoạn 2015 – 2017 khi xảy ra sự cố môi trường từ nhà máy Formosa, bà con chủ yếu sinh sống bằng nghề đi biển, kinh doanh dịch vụ hậu cần nghề cá nên sự cố môi trường ảnh hưởng trực tiếp đến người dân, đời sống gặp rất nhiều khó khăn, an ninh trật tự trên địa bàn rất phức tạp do có một số người dân bị các đối tượng xấu lôi kéo, kích động tham gia tuần hành phản đối công ty Formosa. Lúc đó, để ổn định được tình hình, tôi đã cùng với những người có uy tín trong thôn kiên trì tuyên truyền, vận động. Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, cảm phục trước sự nhiệt huyết của những người cán bộ thôn, dần dần người dân nhận thức được sự việc, không tham gia tuần hành nữa, sớm ổn định cuộc sống và khôi phục sản xuất”. “Để chủ trương của Đảng, Nhà nước đến với bà con thì ngoài sự nhiệt tình, trách nhiệm, tâm huyết, mình cần phải khéo léo, kiên trì để bà con hiểu. Khi công tác tuyên truyền đã thấm sâu vào từng hộ, từng cá nhân và đạt được sự đồng thuận cao thì mọi việc đều được thực hiện suôn sẻ” - ông chia sẻ thêm.

 Tuyến đường cờ Đại đoàn kết treo cờ Tổ quốc thôn Tân An, xã An Hòa.
Tuyến đường cờ Đại đoàn kết treo cờ Tổ quốc thôn Tân An, xã An Hòa.

Hiện, thôn Tân An có 15 chiếc tàu thuyền đánh bắt xa bờ, với sản lượng khai thác hàng năm từ 640 - 650 tấn, giá trị đạt từ 42 - 45 tỷ đồng. Tuy nhiên, điều làm ông luôn băn khoăn, trăn trở là khi khai thác hải sản về không có doanh nghiệp thu mua hoặc bị tư thương, doanh nghiệp ép giá nên bà con ngư dân gặp rất nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm, trong khi đó lao động không có việc làm tại thôn còn nhiều. Xuất phát từ nghề chế biến nước mắm truyền thống của làng, ông nay ra ý tưởng thành lập Làng nghề chế biến nước mắm. Với ý tưởng đó, ông tìm tòi, học hỏi xây dựng kế hoạch, đề án trình UBND xã và huyện, sau thời gian dài chờ đợi, năm 2009 Làng nghề chế biến hải sản Phú Yên (An Hòa) ra đời trong sự vui mừng vỡ òa của bà con trong thôn. Nay làng nghề chế biến hải sản Phú Yên có 81 hộ làm nghề chế biến nước mắm phát triển hiệu quả, với sản lượng hàng năm đạt trên 780 ngàn lít, giá trị đạt trên 42 tỷ đồng; ngoài ra có các cơ sở chế biến đông lạnh, sấy khô hải sản xuất khẩu, doanh thu trên 22 tỷ đồng, thu hút trên 950 lao động cho thu nhập ổn định từ 7 – 9 triệu đồng/người/tháng. Sản phẩm nước mắm Tân An đã được Cục sở hữu trí tuệ, Bộ khoa học và công nghệ cấp giấy chứng nhận thương hiệu, hiện nay đang trình hồ sơ đề nghị công nhận sản phẩm Ocop 3 sao. 

Cơ sở chế biến nước mắm của gia đình ông Dương Hà Nam
Cơ sở chế biến nước mắm của gia đình ông Dương Hà Nam

Ông Dương Hà Nam còn luôn tự mình làm gương để lan tỏa tinh thần trách nhiệm và sự tin tưởng trong cộng đồng. Ông đã lập dự án xin thuê 2.500m² đất hoang để xây dựng “Cơ sở chế biến hải sản Nam Nghĩa”, được chính quyền chấp thuận. Nhờ sự hỗ trợ từ Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT, Ngân hàng Chính sách xã hội và nguồn vốn tích lũy cá nhân, ông đã đầu tư vào bến bãi, nhà xưởng chế biến, xưởng đá lạnh và các dịch vụ hậu cần khác. Ông còn tìm kiếm đối tác tiêu thụ sản phẩm qua mạng internet, xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm “Hải sản Nam Nghĩa”. Hàng tháng, cơ sở thu mua từ 300-400 tấn cá, mực để chế biến và tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang Trung Quốc. Ngoài ra, ông còn đầu tư vào chế biến nước mắm truyền thống và ruốc, với sản lượng 15-20 ngàn lít nước mắm mỗi năm, thu nhập từ 1,3-1,4 tỷ đồng. Cơ sở tạo việc làm cho 25 lao động thường xuyên và 17 lao động mùa vụ, với thu nhập từ 8-10 triệu đồng/người/tháng.

Với tinh thần năng động và kiên cường của người lính, ông Nam không chỉ hỗ trợ những gia đình khó khăn, đặc biệt trong hoàn cảnh ốm đau, mà còn giúp đỡ về vốn, kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm, cải thiện đời sống dân cư. Trong xây dựng nông thôn mới, ông tích cực vận động người dân hiến đất, đóng góp kinh phí để xây dựng đường làng, giữ gìn vệ sinh môi trường. Hiện nay, toàn bộ tuyến đường trong thôn đã được bê tông hóa, với hơn 500m tuyến đường cờ “Đại đoàn kết” và các công trình như nhà văn hóa thôn và sân thể thao trị giá trên 850 triệu đồng. Những đóng góp của ông đã giúp khu dân cư trở nên văn minh và phát triển, cảnh quan ngày càng khang trang và trù phú.

Ông Dương Hà Nam đang giới thiệu sản phẩm nước mắm của Cơ sở Hải sản Nam Nghĩa của gia đình ông.
Ông Dương Hà Nam đang giới thiệu sản phẩm nước mắm của Cơ sở Hải sản Nam Nghĩa của gia đình ông.

Trong công tác bác ái, từ thiện nhân đạo, thôn Tân An luôn là thôn đi đầu trong các đợt vận động của MTTQ xã, điển hình như ủng hộ phòng chống dịch Covid-19 số tiền 50 triệu đồng, ủng hộ Tết vì người nghèo và quỹ vì người nghèo tính giai đoạn 2021 – 2024 trên 15 triệu đồng. Trong 5 năm qua, cùng với sự hỗ trợ từ Quỹ vì người nghèo của MTTQ huyện, ông đã đứng ra kêu gọi, vận động nhân dân trong thôn và các nhà hảo tâm ủng hộ vật chất, ngày công để xây dựng 10 ngôi nhà “đại đoàn kết” cho hộ nghèo, hộ khó khăn về nhà ở, đem lại niềm vui “an cư lạc nghiệp” cho người nghèo; ngoài ra còn thăm hỏi, tặng quà, hỗ trợ cho người nghèo, người bị bệnh hiểm nghèo, học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn hàng chục triệu đồng…

“Với hơn 20 năm làm Trưởng ban công tác Mặt trận, ông Dương Hà Nam không chỉ làm kinh tế giỏi mà trên cương vị Trưởng ban công tác Mặt trận ông luôn năng động, nhiệt huyết, tận tụy hết mình với công việc, gương mẫu đi đầu trong các phong trào hoạt động của xã và thôn, luôn chăm lo cuộc sống cho nhân dân, xây dựng khối đại đoàn kết lương giáo, là một tấm gương điển hình sống tốt đời, đẹp đạo, kính Chúa, yêu nước” - ông Nguyễn Xuân Quyết, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã An Hoà, kiêm bí thư chi bộ Tân An cho biết thêm.

Những nỗ lực không ngừng nghỉ và cống hiến của ông Dương Hà Nam đã được ghi nhận bằng hàng loạt danh hiệu của tỉnh và huyện. Năm 2023, ông vinh dự nhận Bằng khen từ Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Nghệ An, vinh danh những đóng góp xuất sắc trong suốt 20 năm xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đây không chỉ là thành quả của cá nhân ông, mà còn là minh chứng cho sức mạnh của tinh thần đoàn kết và lòng tận tụy phục vụ cộng đồng, qua đó khẳng định sự cống hiến to lớn của ông cho sự phát triển bền vững của quê hương.

*Kỳ II: Trưởng thôn Phan Văn Thăng – Người "thắp lửa" phong trào xây dựng NTM ở vùng giáo

Minh Chính

Sự kiện liên quan

    Xem thêm sự kiện