10 giờ 15 phút trưa nay (5-9), Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia cho biết bão số 3 đã mạnh lên thành siêu bão khi tiến gần đến đảo Hải Nam (Trung Quốc), cách vịnh Bắc Bộ (Việt Nam) không xa.
Theo đó, lúc 10 giờ, siêu bão số 3 đang ở khoảng 19.1 độ Vĩ Bắc; 115.5 độ Kinh Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 16 (cấp siêu bão), giật trên cấp 17. Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 10 km/giờ.
Theo Quyết định 18/2021 quy định về dự báo, cảnh báo, truyền tin thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai thì siêu bão là cơn bão có sức gió mạnh nhất từ cấp 16 trở lên. Ở cấp siêu bão sẽ có sức phá hoại cực kỳ lớn, sóng biển cực kỳ mạnh, có thể đánh đắm tàu biển có trọng tải lớn.
Bão số 3 đã mạnh lên thành siêu bão. Ảnh: KTTVQG |
Cũng theo thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia, từ sáng nay, cơ quan này bắt đầu phát tin bão khẩn cấp. Tin bão khẩn cấp được ban hành khi bão có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền Việt Nam trong 48 giờ tới.
Trước diễn biến của bão số 3, dự kiến vào chiều nay, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà sẽ chủ trì cuộc họp với các bộ, ngành và 27 địa phương khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ để triển khai công tác ứng phó với bão số 3.
Ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý Đê điều và phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), cho biết hiện trên các tuyến đê biển, đê cửa sông các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An có 44 trọng điểm đê điều xung yếu cần đặc biệt lưu ý.
Các tuyến đê biển hiện được thiết kế chống chịu với bão cấp 9-10, triều trung bình 5%; nguy cơ cao bị thiệt hại khi bão vào vịnh Bắc Bộ với cường độ cấp 12-13, giật cấp 16, nguy cơ thiệt hại rất lớn vì vượt mức thiết kế.
Do vậy, chiều ngày 4-9, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp đã ký văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố có đê từ cấp III đến cấp đặc biệt khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ yêu cầu triển khai công tác đảm bảo an toàn đê điều ứng phó bão số 3.
Bộ NN&PTNT yêu cầu các địa phương tổ chức kiểm tra, rà soát và triển khai trên thực tế các phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm xung yếu, đặc biệt là các tuyến đê thường xảy ra sự cố khi có bão đổ bộ, các vị trí đê, kè đã bị xảy ra sự cố nhưng chưa được xử lý, khắc phục. Đơn cử như đê biển Cồn Tròn, Hải Thịnh và sự cố sạt lở kè biển Thịnh Long trên tuyến đê biển Hải Hậu, tỉnh Nam Định.
Bên cạnh đó còn có các công trình đê điều đang thi công dở dang, nhất là đối với các cống tiêu số 1, số 2 trên tuyến đê biển Hà Nam, tỉnh Quảng Ninh, các tuyến đê biển chưa được gia cố mặt đê, mái đê phía đồng nguy cơ bị sạt lở khi sóng tràn qua, đơn cử như tuyến đê biển Bình Minh 4, tỉnh Ninh Bình. Trong đó, phải khẩn trương hoàn thành gia cố các vị trí có nguy cơ mất an toàn trước khi bão đổ bộ.
Lãnh đạo Bộ NN&PTNT cũng yêu cầu các địa phương có tuyến đê biển, đê cửa sông bố trí sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện, máy móc, thiết bị để hộ đê, kịp thời xử lý các sự cố xảy ra ngay từ giờ đầu, đảm bảo an toàn cho các tuyến đê.
Đối với các tuyến đê sông, Bộ NN&PTNT yêu cầu kiểm tra, rà soát và triển khai trên thực tế các phương án hộ đê, bảo vệ trọng điểm xung yếu; khẩn trương gia cố các vị trí đê điều đã xảy ra sự cố nhưng chưa được xử lý, khắc phục và các công trình đê điều đang thi công dở dang để chủ động ứng phó với tình huống mưa lớn kéo dài do hoàn lưu của bão và vận hành điều tiết xả lũ của các hồ chứa có thể gây lũ trên hệ thống sông.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin