Nhọc nhằn mưu sinh nghề hái măng rừng
Mỗi khi có tín hiệu của mùa măng về, gác lại công việc nương rẫy, người dân xã Thọ Sơn, huyện Anh Sơn bắt đầu băng rừng tìm hái những búp măng tươi đem về bán kiếm thêm thu nhập. Đến bản Khe Trằng Thượng, xã Thọ Sơn ngay từ sáng sớm, chị em trong bản đã chia nhau thành 3-4 nhóm lên rừng hái măng.
Chị Vi Thị Hiền người có nhiều năm kiếm sống bằng công việc hái măng rừng chia sẻ: “Hàng năm, cứ đến mùa này, hầu hết chị em phụ nữ trong bản lại gói cơm, mang nước rủ nhau lên rừng hái măng. Để đến được nơi hái măng, mọi người phải đi bộ từ sáng sớm, băng rừng hơn từ 1- 2 giờ đồng hồ vì măng thường mọc trên núi cao. Đường đi rừng đã khó thì công việc tìm và hái măng còn khó nhọc hơn nhiều, phải quen thông thổ và có bí quyết hái măng thì mới kiếm được những ngọn măng non".
Thời gian kiếm măng thường từ sáng sớm đến 1-2 giờ chiều, mỗi ngày kiếm được từ 30 – 60kg măng tươi tùy bữa. Với giá hiện tại 8.000 đồng/kg măng tươi, mỗi ngày các chị cũng kiếm được từ 200.000 – 400.000 đồng.
Bà Vi Thị Lan bản Khe Trằng Thượng xã Thọ Sơn chia sẻ thêm: “Có người sẽ nghĩ rằng, măng mọc sẵn trên đất, cứ việc bẻ lấy mang về. Nhưng công việc hái măng không hề đơn giản. Mỗi khi chui vào bụi nứa, người hái măng phải đối diện với gai góc, muỗi vắt, sau đó để những ngọn măng tại chỗ đất quang, dùng tay bóc bỏ vỏ rồi mới cho những ngọn măng trắng ngần vào gùi, vào tải. Khi bóc măng, lông măng đâm bám vào tay khiến bàn tay chai sần, nhựa măng làm cho tay chân tím bầm, đau rát”.
Công việc vất vả nhưng với bà Lan và người dân trong bản, măng không chỉ là lương thực dự trữ trong mùa mưa lũ mà còn là sản phẩm mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình. Dù năm nay đã trên 50 tuổi nhưng mỗi ngày bà Lan cũng có thu nhập từ 200.000 – 300.000 đồng từ măng rừng để trang trải cuộc sống.
Thông thường vào mùa măng, các thương lái quanh vùng thu mua măng với số lượng lớn để chế biến cho thị trường Tết. Nhờ thế, người hái măng đỡ đi sự vất vả khi phải bán lẻ. Gia đình bà Nguyễn Thị Nga ở cuối bản Khe Trằng Thượng, xã Thọ Sơn là một trong những hộ thu mua chế biến mắng lớn nhất vùng. Bà Nga cho biết: “Hiện tại đã bắt đầu vào vụ chế biến măng khô bán Tết. Mỗi ngày gia đình thu mua hơn 300kg măng tươi của người dân trong vùng và phải huy động tới 4 người làm từ luộc măng, chẻ măng, phơi măng. Từ đầu vụ đến giờ, gia đình làm được khoảng 500kg măng khô. Lượng hàng này đã được các thương lái ở Đô Lương, Vinh lên tận nơi lấy đi tiêu thụ"
Theo bà Nga, để làm được măng khô có chất lượng, màu sắc đẹp không dễ. Măng tươi sau khi được luộc chín phải tiến hành sơ chế để bỏ phần gốc già, sau đó mới xẻ để phơi 3 - 4 nắng mới bán được.
Mặc dù mưu sinh từ nghề hái măng rừng lắm gian truân, nhọc nhằn nhưng người dân miền núi Anh Sơn không bao giờ bỏ nghề, cứ đến mùa họ vẫn miệt mài, cần mẫn leo núi hái măng. Với họ, lộc rừng chỉ có mùa, sống gần rừng thì phải dựa vào núi rừng để mưu sinh. Vì vậy, muốn mùa sau măng mọc nhiều thì khi đào măng, những người hái măng phải để lại ít nhiều cây non để măng mọc thành rừng. Có ngọn măng để bán, có nghĩa là thêm thắt vào túi tiền của gia đình mình dù là nhọc nhằn bao nhiêu. Nhờ có mùa măng, cuộc sống của người dân Anh Sơn cũng được cải thiện ít nhiều.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin