Trồng nấm sò - Hướng đi mới ở vùng giáo Nam Lộc
Trở về quê hương với số vốn tích lũy được sau 7 năm Lao động tại Hàn Quốc, anh Nguyễn Văn Quang đã bàn bạc với gia đình và quyết định đầu tư trồng nấm sò. Anh Quang đầu tư hơn 1 tỷ đồng thuê mặt bằng, mua máy móc nguyên liệu mở rộng quy mô trồng nấm theo hướng sạch, an toàn.
“Ở Hàn Quốc tôi tham gia sản xuất nấm cho một công ty lớn, đồng thời ấp ủ dự định trồng nấm sau khi về nước”, anh Quang bộc bạch.
Đặc điểm của nấm sò là cho thu hoạch nhanh, từ khi mầm nấm nhú ra cho đến khi thu hoạch chỉ mất hơn 1 ngày. Trồng nấm sò không phải chăm sóc vất vả, dãi dầm nắng mưa như trồng những loại nông sản khác. Về nguyên liệu, trồng nấm sò cũng dễ kiếm, chủ yếu là mùn cưa và các phụ gia khác như: Cám ngô, gạo nghiền, vôi, bột nở, đường... đặc biệt không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.
“Với phương châm sản xuất nói không với thực phẩm bẩn, cây nấm sò chủ yếu sử dụng nguyên liệu hữu cơ. Từ lúc ủ men, chăm sóc, cho đến khi thu hoạch, nấm sò chỉ cần tưới nước sạch nên bảo đảm thân thiện với môi trường. Điều quan trọng nhất khi trồng nấm là chú ý đến phương pháp xử lý, diệt khuẩn mùn cưa trước khi cấy giống. Đây là yếu tố quyết định cho cây nấm sinh trưởng và phát triển tốt. Bên cạnh đó, mặt bằng nhà xưởng cũng cần giữ độ thoáng mát, bảo đảm nhiệt độ không vượt quá 28 độ C”, anh Quang chia sẻ thêm.
Với quỹ đất 8 sào, hiện tại mô hình đã ổn định và đi vào hoạt động. Những lứa nấm sò thu hoạch không kịp cho người tiêu dùng. Để đáp ứng nhu cầu thị trường người tiêu dùng, năm tới anh Quang sẽ tiếp tục đầu tư trồng nấm sò theo mô hình nhà ni lông phủ kín. Với đà này, bình quân, mỗi năm gia đình sẽ trồng trên 50 ngàn phôi giống, xuất bán 15-17 tấn nấm sò, với giá bán 40 ngàn đồng/1kg, sẽ cho nguồn thu từ 600-800 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, xưởng sản xuất của anh Quang đã tạo việc làm cho hàng chục lao động ở địa phương.
Chia sẻ với phóng viên, ông Nguyễn Cảnh Lộc, Chủ tịch UBND xã Nam Lộc cho biết: “Nhận thấy ý tưởng cũng như mục đích thực hiện Dự án của anh Quang là hoàn toàn hợp lý, chúng tôi đã hướng hoàn tất thủ tục pháp lý trong thời gian nhanh nhất để có mặt bằng, đồng thời huyện cũng đã đầu tư hỡ trợ một phần kinh phí cho gia đình để mô hình trồng nấm sớm đi vào hoạt động. Mô hình nấm được triển khai góp phần giúp người dân có cái nhìn mới trong việc chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, đồng thời có thêm lựa chọn, định hướng trong sản xuất. Không những làm kinh tế giỏi anh còn là giáo dân tiên phong trong mọi phong trào của địa phương, nhất là tham gia đóng góp tiền của giúp đỡ người nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn và chương trình xây dựng nông thôn mới”.
Mạnh dạn tìm tòi, học hỏi và quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, mô hình trồng nấm sò của vợ chồng giáo dân Nguyễn Văn Quang bước đầu đã mở ra hướng đi mới và hứa hẹn mang hiệu quả kinh tế cao và là mô hình kinh tế điển hình tại địa phương.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin