“Tự đánh giá” còn nhiều gian nan
Có thể nói, hầu hết các trường tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông được kiểm tra đều đã triển khai công tác tự đánh giá. Lãnh đạo các nhà trường tích cực chỉ đạo đơn vị mình thực hiện đúng quy trình của công tác tự đánh giá; hội đồng tự đánh giá của các trường đã xây dựng kế hoạch tự đánh giá chi tiết; các nhóm công tác chuyên trách được phân công đã tích cực huy động lực lượng để thu thập thông tin minh chứng. Tính đến thời điểm được kiểm tra, nhiều đơn vị (như THPT Hoàng Mai, THPT Cửa Lò, THCS Diễn Hồng, THCS Hưng Bình, THCS Quỳnh Thuận, TH Châu Bình 1, TH thị trấn Quỳ Hợp,…) đã có hệ thống thông tin minh chứng được sắp xếp khoa học và đang được xử lí, mã hoá để phục vụ cho việc đánh giá theo từng tiêu chí của các bộ tiêu chuẩn.
Bên cạnh những ưu điểm, qua kiểm tra, công tác tự đánh giá của các trường phổ thông còn bộc lộ khá nhiều tồn tại. Do kiểm định chất lượng giáo dục là một lĩnh vực mới, nên trong quá trình thực hiện còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Theo các trường báo cáo, hầu hết cán bộ, giáo viên đã được tập huấn về công tác tự đánh giá trong kiểm định chất lượng giáo dục, nhưng nhiều người vẫn chưa nắm chắc quy trình, kỹ thuật tự đánh giá. Vì vậy, khi triển khai hoạt động này còn lúng túng. Nhiều đơn vị còn “làm ngược” với quy trình tự đánh giá đã được hướng dẫn. Khó khăn và hạn chế lớn nhất hiện nay trong công tác tự đánh giá của các trường là khâu thu thập thông tin minh chứng và viết báo cáo tự đánh giá. Hệ thống thông tin minh chứng không đầy đủ, do công tác lưu trữ văn bản, tài liệu của các nhà trường chưa tốt. Trong báo cáo tự đánh giá, mới chủ yếu là trả lời câu hỏi có triển khai hay không; có biện pháp, có rà soát đánh giá hay không,…; nhưng không mô tả cụ thể, chi tiết theo từng nội hàm của chỉ số với hệ thống minh chứng đã thu thập được; khi phân tích những điểm mạnh, điểm yếu, thường không bám sát, không đáp ứng theo yêu cầu nội hàm của từng chỉ số nên dẫn tới kế hoạch cải tiến chất lượng còn chung chung, không sát với yêu cầu của tiêu chí…
Điều mà các đoàn kiểm tra rút ra là: hoạt động tự đánh giá ở nhiều trường phổ thông còn bị "bệnh" thành tích chi phối nên ít có ý nghĩa thiết thực, chưa thật sự giúp nhà trường nhận thức đúng về hiện trạng chất lượng giáo dục của mình để xây dựng kế hoạch cải tiến hợp lý nhằm nâng cao chất lượng giáo dục một cách vững chắc, tạo uy tín của nhà trường trong xã hội. Và, có lẽ đây cũng chính là lực cản lớn nhất để công tác tự đánh giá chất lượng giáo dục trong các nhà trường phát huy hiệu quả vốn có của nó. Làm sao để mọi nhà trường tự thân thắng được lực cản này, đây quả là một câu hỏi không thể dễ dàng trả lời trong ngày một, ngày hai!
Qua kiểm tra ngay những ngày đầu của học kỳ 2, Sở Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu các phòng giáo dục và đào tạo có kế hoạch hướng dẫn cụ thể để kiểm tra, giám sát các trường tiểu học, THCS thực hiện công tác tự đánh giá đúng quy trình, đảm bảo chất lượng và đúng tiến độ. Mỗi huyện, ở mỗi cấp học sẽ chọn một đến hai trường làm tốt công tác tự đánh giá để xây dựng, tiến tới đăng ký đánh giá ngoài. Các phòng giáo dục và đào tạo phải cử cán bộ chuyên trách về công tác kiểm định chất lượng giáo dục, nhanh chóng xây dựng đội ngũ cộng tác viên về công tác này để hỗ trợ, tư vấn cho các nhà trường thực hiên tốt công tác tự đánh giá. Đối với các trường trường THPT, Sở yêu cầu các trường phải tiếp tục rà soát các khâu trong quá trình tự đánh giá để hoàn thiện theo kế hoạch công tác kiểm định chất lượng giáo dục năm học 2010- 2011. Sở cũng đã chỉ định các trường THPT: Hoàng Mai, Cửa Lò, DTNT Con Cuông phải hoàn thiện bản báo cáo tự đánh giá để tiến hành thẩm định đánh giá ngoài.
(Minh Đức)