Trung tâm học tập cộng đồng: mô hình giáo dục hữu ích
Cần nhân rộng các TT học tập cộng đồng
|
Để tạo điều kiện cho nhiều người dân có điều kiện được học tập, cập nhật kiến thức, năm 2002, Thành phố Vinh đã có chủ trương thành lập trung tâm học tập cộng đồng tại các phường, xã. Sau khi thành lập, một số trung tâm hoạt động có hiệu quả, trong đó, trung tâm học tập cộng đồng xã Hưng Hòa được đi báo cáo điển hình tại hội nghị toàn quốc. Từ mô hình này, đến năm 2005, trên địa bàn thành phố Vinh, 100% phường, xã đã thành lập và đưa trung tâm học tập cộng đồng đi vào hoạt động có hiệu quả. Về cơ bản, hàng năm, các trung tâm đã lập kế hoạch hoạt động đều đặn. Trên cơ sở bám vào các nhóm chuyên đề theo hướng dẫn của Bộ giáo dục đào tạo và khảo sát nhu cầu thực tế, các địa phương đã tổ chức các lớp học đáp ứng yêu cầu của người dân.
Qua 5 năm hoạt động, trung tâm học tập cộng đồng đã góp phần nâng cao nhận thức về đường lối chủ trương chính sách pháp luật cho nhân dân. Các trung tâm đã tổ chức cho cán bộ nhân dân nghe thời sự chính trị, trao đổi phổ biến các chế độ chính sách mới của Đảng, nhà nước, chủ trương của các ban ngành đoàn thể như luật đất đai, luật hôn nhân gia đình, nếp sống văn hóa văn minh đô thị... Đặc biệt, các buổi nói chuyện chuyên đề trong cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được tổ chức ở phường, xã đã thu hút được hàng nghìn lượt người tham gia.
Cùng với đó, các trung tâm đã góp phần giúp người lao động biết cách sản xuất kinh doanh góp phần xóa đói giảm nghèo, phấn đấu làm giàu chính đáng. Đối với nhóm kiến thức khoa học, sản xuất trồng trọt, chăn nuôi nghề nghiệp, các trung tâm đã tổ chức được 263 chuyên đề với trên 202 lượt người tham gia. Nhờ biết chọn nội dung phù hợp với điều kiện và yêu cầu phát triển kinh tế ở địa phương, trung tâm học tập cộng đồng các phường xã đã tổ chức được nhiều chuyên đề thiết thực như: dạy nghề thêu ren ở phường Quán Bàu, Hưng Hòa, Hưng Đông; kỹ thuật nuôi tôm sú, nuôi ếch, cải tạo vườn tạp ở Hưng Hòa, trồng dưa chuột ở Hưng Đông, Vinh Tân, Cửa Nam; kỹ thuật trồng cây cảnh ở Nghi Ân, Nghi Liên... Thông qua các hình thức phong phú như tổ chức hội thi, giao lưu sinh hoạt các câu lạc bộ, để chuyển tải kiến thức đến người dân, từ đó, họ áp dụng nâng cao năng suất lao động, tăng nguồn thu nhập trong sản xuất. Điển hình như ở xã Hưng Hòa, Hưng Đông, Đông Vĩnh, Vinh Tân, Nghi Ân, Nghi Liên...
Không chỉ phát triển mô hình học tập ngoài nhà trường, thời gian qua, Thành phố cũng chỉ đạo các địa phương phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động của Hội khuyến học. Hiện nay, hội khuyến học các phường xã đã phối hợp tích cực với trung tâm học tập cộng đồng nắm bắt nhu cầu người học, phối hợp với các nhà trường phát động rộng rãi phong trào khuyến học. Với nhiều hình thức hoạt động phong phú, việc động viên khen thưởng kịp thời học sinh giỏi, học sinh nghèo vượt khó đã có tác dụng khích lệ rõ rệt. Góp phần giảm tỷ lệ học sinh bỏ học, thúc đẩy nhiều học sinh vượt khó học giỏi, thi đậu vào các trường đại học.
Có thể khẳng định, hiệu quả hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng ở Thành phố Vinh không chỉ có vai trò giúp mọi người dân được học tập thường xuyên mà còn trang bị kiến thức nhiều mặt, góp phần xóa đói, giảm nghèo, tăng năng suất lao động, giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng, nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người dân và cả cộng đồng.
Để tiếp tục đưa các trung tâm học tập cộng đồng đi vào hoạt động có hiệu quả chiều sâu, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân, ngành GD ĐT TP Vinh đã đề ra một số giải pháp cơ bản như: tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và chỉ đạo triển khai của UBND phường, xã trong việc kiện toàn ban giám đốc Trung tâm học tập cộng đồng; Tiếp tục tuyên truyền sâu rộng mục đích ý nghĩa trung tâm học tập cộng đồng, phát huy sự chủ động của ngành GD trong việc tham mưu xây dựng kế hoạch...
Mô hình Trung tâm học tập cộng đồng hoạt động có hiệu quả sẽ làm tiền đề và cơ sở vững chắc để xây dựng một xã hội học tập từ cơ sở, mà ở đó ai cũng được học tập, cống hiến, phát huy tối đa tiềm năng trí tuệ con người, hỗ trợ thực hiện các dự án ở địa phương, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và góp phần bồi dưỡng nguồn nhân lực cho địa phương.
(Ngân Hà)