Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Chung tay vì mục tiêu “3 đủ” cho học sinh vùng cao

14:45, 08/06/2011
Mục tiêu của phong trào “3 đủ”: đủ ăn đủ mặc, đủ sách vở đến trường do Bộ giáo dục đào tạo phát động để giúp những học sinh nghèo có điều kiện để đến trường, yên tâm học tập.

   

Phong trào “3 đủ” với sự chung tay của ngành giáo dục và các tổ chức đoàn thể đã góp phần thiết thực giúp học sinh nghèo trong tỉnh yên tâm gắn bó với trường, với lớp, nhất là ở các địa bàn khó khăn. Năm học 2008-2009, trên địa bàn huyện Quỳ Châu, tỷ lệ học sinh bỏ học tăng đột biến. Nguyên nhân là khoảng cách từ nhà đến trường quá xa, các em phải nhịn đói để tới lớp. Đói ăn, thiếu mặc, các em không đủ sức để theo học và đành bỏ học. Để các em quay trở lại trường, yên lòng với việc học việc đầu tiên là phải cứu đói. Sau buổi học, những bếp củi được nhóm lên, thầy cô góp gạo thổi cơm cho học sinh ăn cùng. Nhờ đó, tỷ lệ học sinh bỏ học vì đói nghèo trên địa bàn huyện giảm hẳn, các em vững tâm theo đuổi giấc mơ con chữ. Hay như huyện Thanh Chương, triển khai phong trào 3 đủ, huyện phối hợp với Đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội CCB cùng hoạt động với nhiều việc làm có ý nghĩa với mục đích tất cả các em có điều kiện để đến trường học tập.  Đó là Hội CCB đứng ra trồng cây xanh cho các nhà trường, Đoàn TN đứng ra vận động học sinh đến trường, đào giếng nước phục vụ sinh hoạt cho cô trò; Hội LHPN đảm nhận vườn dinh dưỡng trong các nhà  trường…

 

Học sinh vùng cao (Ảnh minh họa)

 

Huyện Anh Sơn có nhiều vùng khó khăn, đời sống kinh tế của người dân còn nghèo, những năm qua huyện đã phát huy hiệu quả nội lực, cùng các doanh nghiệp hảo tâm để học sinh có đủ quần áo đến trường. Huyện còn phối hợp với địa phương cùng với bà con thôn bản vận đọc học sinh đến tuổi đến lớp; vận động giáo viên trong các nhà trường mở lớp học bổ túc  với mục tiêu đặt ra đó là không để học sinh nghỉ học giở chừng. Đến nay,  huyện đã mở được 3 lớp học bổ túc tại bản Cao Vều; 1 lớp bổ túc tại bản Ồ Ồ; rất nhiều giáo viên, học sinh đã quyên góp sách vở tặng cho học sinh nghèo.  

 

Có thể thấy  rằng, phong trào “3 đủ” với sự chung tay của ngành giáo dục và các tổ chức đoàn thể đã góp phần thiết thực giúp học sinh nghèo trong tỉnh yên tâm gắn bó với trường, với lớp, nhất là ở các địa bàn khó khăn. Tính đến đầu năm học 2010-2011, toàn tỉnh đã vận động được 2.500 suất quà, trị giá khoảng 1,8 tỷ đồng. Cuối học kỳ I năm học này, trong số 900 học sinh bỏ học thì chỉ có 298 em là do nguyên nhân gia đình khó khăn. Điều đó phần nào khẳng định hiệu quả của phong trào 3 đủ trong ngành giáo dục. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, cần có sự phối hợp giữa ngành giáo dục với các tổ chức đoàn thể chặt chẽ hơn nữa, có kế hoạch cụ thể để phong trào thật sự có ý nghĩa. Thực tế, lâu nay, cuộc vận động “3 đủ” vẫn còn mang tính tự phát, có nhiều trường, nhiều vùng nhận được sự hỗ trợ của nhiều tổ chức, cá nhân nhưng vẫn có nhiều trường, cuộc vận động chỉ được triển khai qua loa, đại khái, phong trào “3 đủ” ở các cơ sở giáo dục vẫn chỉ ở mức “mạnh ai nấy làm”.

 

Nghệ An có tới 11 huyện miền núi và hàng trăm xã thuộc diện đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao số học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn đối mặt với nguy cơ bỏ học nhiều, do đó, phong trào “3 đủ” là giải pháp hữu hiệu để ngăn chặn học sinh bỏ học giở chừng, tạo điều kiện để các em có thể đến trường chuyên cần. Vì vậy, để  phong trào “3 đủ” có sức lan toả mạnh mẽ, thu hút đông đảo mọi lực lượng xã hội tham gia, ngành GD và ÐT cần tham mưu với các cấp chính quyền, phối hợp các tổ chức, cá nhân quyên góp ủng hộ các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ các em đến trường. Các địa phương cần thực hiện phong trào này một cách sáng tạo, với nhiều hình thức phong phú, sáng tạo… nhằm thể hiện sự sẻ chia, quan tâm, chăm sóc đến những học sinh nghèo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong toàn tỉnh.

 

(Thanh Hà)