Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Đạo học xưa và nay

09:46, 22/02/2015
Năm 1070, Lý Nhân Tông cho dựng Văn Miếu, năm 1076 cho xây Quốc Tử Giám - Nhà quốc học đầu tiên trong lịch sử nền giáo dục Việt Nam. Truyền thống ham học, trọng chữ được duy trì liên tục cho đến ngày nay. Tuy nhiên đạo học mỗi thời một khác và có nhiều điều trăn trở.
 
Đạo học

Người xưa nói “Bất học thi vô dĩ ngôn. Bất học lễ vô dĩ lập. Nhân nhi bất học kì do chính tường diện nhi lập” (Không đọc sách biết lấy gì để nói. Không học lễ lấy gì để lập thân. Người không học thì như đứng úp mặt vào tường). Nhưng khác với các nước phương Đông cùng chịu ảnh hưởng của tư tưởng Khổng giáo, dựng Văn Miếu chỉ để thờ thì nhà Lý lập Văn Miếu để dạy con vua, điều đó chứng tỏ triều vua này coi trọng sự học vì có học mới có đạo, mới biết cách bảo vệ sự bình yên cho quốc gia và để xây dựng tương lai tốt đẹp cho muôn dân Đại Việt.
 
Xin chữ đầu năm tại Hồ Văn. (Ảnh: Viết Thành)

 

 
 
Xin chữ đầu năm tại Hồ Văn. (Ảnh: Viết Thành)
 

 
 
Tiếp nối nhà Lý tạo ra môi trường cho việc học, năm 1253, vua Trần Thánh Tông cho đổi Quốc Tử Giám thành Quốc học viện rồi Thái học viện làm nơi giảng dạy không chỉ cho con em vua quan mà cả những người học giỏi trong dân gian. Việc Thái học viện mở rộng cánh cửa là bước tiến lớn trong giáo dục Việt Nam, là tiền đề cho nền giáo dục toàn dân sau này. Trong suốt triều Lê, trường quốc học không hề đổi chỗ và cứ 5 năm lại đón sĩ tử khắp nơi vào học. Mỗi khoa thi, cửa nhà Thái học lại treo bảng ghi tên những người đỗ tiến sĩ và “dân chúng đất Trường An (Thăng Long) lại một lần lũ lượt tới xem. Cảnh nhộn nhịp tưng bừng thật không sao tả xiết”.

Nhận thức rõ vai trò của giáo dục đối với sự hưng vong của quốc gia, năm 1484 vua Lê Thánh Tông chủ trương ghi lên bia đá tên tuổi những người thi đỗ tiến sĩ đầu tiên của triều Lê từ năm 1442 trở đi. Và trong hơn 30 năm làm vua (1460-1497), đức Lê Thánh Tông đã tổ chức đều đặn cứ ba năm một khoa thi. Việc dựng bia không chỉ vinh danh người đỗ đạt, đề cao đạo học mà còn là tư liệu lịch sử quý báu cho đời sau vì nhiều văn bia do các bậc đại Nho soạn thảo còn nguyên giá trị cho đến ngày nay. Bài soạn văn bia của tiến sĩ Thân Nhân Trung về mục đích các khoa thi Nho học nêu bật tầm quan trọng của giáo dục nhân tài đối với quốc gia và cũng là thông điệp đối với bậc trị nước “... Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần thiết...”.

Trong các triều đại phong kiến, người đi thi đỗ đạt đều được bổ làm quan, tùy theo đỗ kỳ thi Hương, Hội và Đình, đỗ thế nào sẽ làm quan trong triều hay về các tỉnh thành, huyện phủ. Dù sự học là để làm quan nhưng trước hết với họ học là học cho mình, học để lập thân, không vì mục đích làm quan để vinh qui bái tổ. Sự học xưa chủ yếu lấy đạo, lấy đức làm mục đích, nên người ta thường nói “học làm người”, và “không thành công cũng thành nhân”, luôn phải là “văn dĩ tải đạo”. Cái đạo bao trùm là nhân văn, như Nguyễn Trãi đã viết “Lấy đại nghĩa để thắng hung tàn” và trong nhân văn chính là tư tưởng “trung quân, ái quốc”, “quốc gia hữu sự, sĩ phu hữu trách” (khi quốc gia có chiến tranh thì những người có chữ phải có trách nhiệm). Bên cạnh đó còn là sống cho hợp với mọi lẽ trong quy luật của trời đất. Tất cả những gì trái với tư tưởng đó đều là kẻ có học mà vô đạo. Lê Văn Thịnh đỗ đầu khoa thi Tam trường đầu tiên tổ chức năm 1075, làm quan tới chức Thái sư nhưng Lê Văn Thịnh không có đạo trung quân, mắc tội phản nghịch nên đã bị lưu đầy. Một quốc gia hơn 1.000 năm bị phương Bắc đô hộ thì các triều đại vua chúa đề cao tư tưởng “trung quân, ái quốc” là điều dễ hiểu vì sao Lý Thường Kiệt có “Nam quốc sơn hà Nam đế cư”, Trần Quốc Tuấn có “Hịch tướng sĩ” Nguyễn Trãi có “Bình Ngô đại cáo”, cùng bao nhiêu lập ngôn của các bậc đại trí, đại nhân khác. Cũng vì “trung quân, ái quốc”, thầy giáo Chu Văn An dâng “thất trảm sớ” lên vua Trần Dụ Tông đòi chém đầu 7 gian thần, Nguyễn Bỉnh Khiêm dâng sớ lên vua Mạc xin chém đầu 18 lộng thần. Sự học ngày xưa được gọi là học quán thông, vì học là tìm và nương vào đạo mà đạo là tất cả, nó là toàn thể của mọi quy luật phát sinh, tồn tại và hủy diệt. Học quán thông cho phép con người biết một cũng là biết tất cả, vì “dĩ bất biến ứng vạn biến”, mọi hiện tượng, mọi quy luật không thể chia chẻ như sợi tóc chẻ làm tư thì không còn là sợi tóc nữa. Trong đạo học Việt Nam còn có đạo thầy trò “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, thầy dạy trò không chỉ dạy chữ mà là dạy làm người.

Minh Mạng là nhà vua sùng Nho, đã tiến hành cuộc cải cách lớn về hành chính trong thế kỷ XIX thẳng thắn chỉ ra “Cử nghiệp nước ta xưa nay chỉ cốt học thuộc lòng sách cũ, không có ý gì mới đến lúc đem dùng chẳng khỏi thiếu sót. Nên một phen sửa chữ mới phải”. Điều đó cho thấy giá trị cốt lõi của đạo học là tư tưởng và triết học có lẽ không thay đổi nhưng sự học và thi cử không phải bất biến, cần thay đổi để phù hợp với sự đi lên của xã hội. Khi thực dân Pháp xâm chiếm Việt Nam, vua quan triều Nguyễn cũng chỉ là bù nhìn, xã hội lộn xộn nên sự học và thi không còn như các triều đại trước, người ta học cốt để là làm quan, thoát nghèo, đỗ đạt vinh qui bái tổ và một người làm quan cả họ được nhờ. Thế nên người Pháp cho rằng trong mỗi bụng người An Nam bao giờ cũng có một ông quan. Ngán ngẩm đạo học nước nhà, Trần Tế Xương đã than: Đạo học ngày nay đã chán rồi/ Mười người đi học, chín người thôi/ Cô hàng bán sách lim dim ngủ/ Thầy khoa tư lương nhấp nhổm ngồi/ Sĩ khí rụt rè, gà phải cáo/ Văn trường liều lĩnh, đấm ăn xôi.

Và sự học

Cuối thế kỷ XIX, người Pháp bỏ dần chữ Hán, bỏ bớt khoa thi Nho học, bắt học tiếng Pháp và chữ quốc ngữ. Từ một xã hội truyền thống, Việt Nam chuyển sang xã hội hiện đại nên quan niệm về sự học và đạo học cũng khác. Ai cũng có quyền đi học và thậm chí con trẻ ở thành thị còn bắt phải học tiếng Pháp. Về giáo dục bậc cao, người Pháp chia ra hai loại là đại học (université) và cao đẳng (école supérieure). Đối với đại học, học sinh muốn nhập học không phải qua bất cứ kỳ thi tuyển nào mà chỉ cần có bằng tú tài bản xứ hay tú tài Pháp là được. Việc thu nhận sinh viên không hạn định tuổi tác và số lượng. Chương trình học chú trọng đào tạo một căn bản vững chãi cho tri thức chuyên ngành nào đó nhưng không nhất thiết đóng khung trong một lĩnh vực nhất định và cũng không mang tính chất nghề nghiệp bắt buộc như các trường cao đẳng chuyên nghiệp. Sinh viên phải tự túc về học phí (ngoại trừ những sinh viên xuất sắc được học bổng). Khi tốt nghiệp chính quyền không có nhiệm vụ phân công công việc, cá nhân phải tự tìm kiếm. Tuy nhiên muốn vào cao đẳng lại khác, vì là trường chuyên nghiệp nên điều kiện tuyển sinh là học sinh phải có bằng tú tài 2 hoặc tú tài toàn phần (bản xứ hoặc Pháp). Tiếp đó học sinh phải qua một kỳ thi (concours) bằng tiếng Pháp và tùy theo từng trường thí sinh sẽ thi một hay nhiều môn. Đề thi do chính trường đó ra. Sự thay đổi mô hình giáo dục khiến đạo học cũng thay đổi, sự học không còn nương theo đạo, học đầu tiên là vì chính bản thân người học và khi dùng cái học được để kiếm sống thì đồng thời cũng là phục vụ xã hội. Từ lối học quán thông chuyển sang chuyên sâu một lĩnh vực nào đó đáp ứng yêu cầu của xã hội công nghiệp.

Thời thế thay đổi, quan niệm thay đổi nên mô hình giáo dục cũng có nhiều sự đổi thay trong nửa cuối thế kỷ XX. Mô hình nào cũng có cái hay cái dở nhưng truyền thống ham học, hiếu học thì không mất đi. Tục khai bút đầu xuân, xin chữ đầu xuân là nét văn hóa đẹp trong giáo dục đến nay vẫn được duy trì. Tuy nhiên sự học ở nước ta đã khác, suốt một thời gian dài chủ yếu là dạy kiến thức, phần giáo dục làm người hạn chế, học không đi dôi với hành. Lại thêm quan niệm không đúng khi đánh đồng học chính là giáo dục trong khi học chỉ là một phần của giáo dục. Tư tưởng học để làm cán bộ, để có chức có quyền thường trực trong đầu một bộ phận người đi học. Cơ chế chuẩn hóa cán bộ phải có bằng cấp đã nảy sinh kiểu học đối phó, học tắt và cả mua bán bằng cấp. Tất cả những nguyên nhân đó đã làm đạo học - tư tưởng nhân văn mai một.

Ngày nay để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và phát triển đất nước không chỉ trông vào lòng nhiệt tình, sự chăm chỉ mà cần phải có tri thức, có lòng tự tôn dân tộc. Và may mắn cho dân tộc ta là tinh thần ham học, hiếu học vẫn được nối tiếp cho đến hôm nay. Trong năm 2014, Nghị quyết đổi mới toàn diện giáo dục Việt Nam của Bộ Chính trị đã đi vào cuộc sống. Hy vọng đổi mới giáo dục sẽ thành công để trong tương lai “Việt Nam sánh vai cùng với các cường quốc năm châu” như mong muốn của Bác Hồ.
 
(Theo Dân trí)