Nghệ An: Lấy kết quả chất lượng cuối năm học đánh giá hiệu trưởng, giáo viên
Theo đó, một trong những giải pháp là đổi mới công tác quản lý chỉ đạo chuyên môn.
Theo giải pháp này, đầu năm học, Hiệu trưởng căn cứ học lực của học sinh để giao chỉ tiêu về chất lượng cho giáo viên. Lấy kết quả chất lượng cuối năm học làm cơ sở chính để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của giáo viên trong năm học; kết quả theo môn học toàn trường để đánh giá trách nhiệm tổ trưởng chuyên môn.
Cơ quan quản lý cấp trên căn cứ vào tình hình thực tế của các nhà trường để giao chỉ tiêu phấn đấu về chất lượng cho các đơn vị vào đầu năm học. Lấy kết quả chất lượng cuối năm học để đánh giá Hiệu trưởng, các phó Hiệu trưởng; kết quả chất lượng giáo dục của huyện để đánh giá trách nhiệm của lãnh đạo phòng GD&ĐT.
Việc giao chỉ tiêu phấn đấu về chất lượng phải căn cứ vào tình hình cụ thể có tính kế thừa, trên cơ sở đề xuất của các nhà trường; đảm bảo nguyên tắc công bằng, công khai, dân chủ, khả thi; từng bước nâng dần chất lượng và chống bệnh thành tích. Nhà trường và mỗi giáo viên phải đặt ra mục tiêu phấn đấu để bằng hoặc vượt chỉ tiêu được giao.
Sở GD&ĐT thông báo công khai kết quả kiểm định chất lượng giáo dục các trường mầm non và phổ thông, kết quả thi vào đại học, cao đẳng của các trường THPT trong từng năm học, có so sánh chất lượng đầu vào và đầu ra làm căn cứ để đánh giá chất lượng dạy và học của các đơn vị, trường học.
Phòng GD&ĐT thông báo công khai chất lượng giáo dục các nhà trường cho Đảng uỷ, UBND xã và trên phương tiện thông tin đại chúng ngay sau khi kết thúc học kỳ I và cả năm học.
Hàng tháng, nhà trường thông báo tình hình học tập, rèn luyện của học sinh cho phụ huynh và trưởng thôn biết để cùng phối hợp.
Về việc tổ chức bàn giao học sinh lên lớp, chuyển cấp học: Học sinh mẫu giáo chuyển lên cấp tiểu học phải được bàn giao tình hình cụ thể từng học sinh. Hai trường giao và nhận học sinh thống nhất đánh giá chung về chất lượng. Các trường tiểu học tiếp nhận học sinh vào lớp 1 khu vực vùng cao biên giới, vùng dân tộc phải có kế hoạch bồi dưỡng Tiếng Việt cho học sinh, phụ đạo kiến thức cho những em chưa đạt yêu cầu.
Sở GD&ĐT tổ chức mở các lớp chuyên đề bồi dưỡng chuyên môn, phương pháp giảng dạy cho giáo viên khu vực miền núi; hướng dẫn, chỉ đạo các phòng GD&ĐT bồi dưỡng cho các tổ trưởng, nhóm trưởng chuyên môn các trường trực thuộc huyện.
Giáo viên công tác tại vùng đồng bào dân tộc phải tự học tiếng dân tộc và tìm hiểu phong tục, tập quán đồng bào nơi công tác, làm tốt công tác dân vận đối với gia đình học sinh.
Hàng năm, Sở tham mưu cho UBND tỉnh tăng số lượng và mở rộng đối tượng giáo viên tham gia bồi dưỡng tiếng dân tộc.
Không bố trí giáo viên chưa sử dụng thành thạo tiếng dân tộc dạy các lớp đầu cấp của tiểu học…
(Theo GD&TĐ)