Thí sinh hết sức thận trọng khi đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ
Kỳ thi THPT quốc gia 2015: Đơn giản - tiết kiệm!
Đơn giản – tiết kiệm
Lãnh đạo các trường ĐH,CĐ hầu hết đều ủng hộ và sẵn sàng chuẩn bị thực hiện kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH,CĐ 2015. PGS.TS Lê Trọng Thắng – trường ĐH Mỏ Địa chất cho rằng, kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH,CĐ 2015 là bước đổi mới quan trọng trong công tác thi với những những ưu điểm căn bản là đơn giản hóa được công tác thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học; giảm được gánh nặng về kinh tế cho thí sinh và gia đình cũng như của toàn xã hội, đặc biệt là giảm được gánh nặng về giao thông cũng như những phát sinh về mặt xã hội do tập trung lượng người quá lớn tại các đô thị.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia được tổ chức chặt chẽ hơn kỳ thi tốt nghiệp những năm trước đây do có sự tham gia trực tiếp của các trường đại học và cao đẳng, nên kết quả đánh giá của kỳ thi nhìn chung sẽ sát với thực tế hơn. Việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia sẽ tạo động lực cho việc đổi mới phương pháp dạy và học ở bậc phổ thông cũng như từng bước đổi mới việc ra đề thi.
Đối với công tác tuyển sinh đại học, PGS.TS Thắng cho hay, tạo nhiều cơ hội lựa chọn và trúng tuyển cho thí sinh và khắc phục được cơ bản tình trạng thi đạt điểm cao vẫn trượt đại học.
Đồng quan điểm, GS.TS Đào Văn Lượng – Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn cho rằng: “Với Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng chính quy năm nay, Bộ không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho các thí sinh mà các trường đại học, cao đẳng cũng sẽ thuận lợi hơn trong việc xét tuyển. Với các trường tốp đầu hoàn toàn có thể tuyển được những thí sinh có chất lượng thông qua xét tuyển nguyện vọng 1”.
“Với những trường tốp dưới vẫn có một lượng thí sinh dồi dào để xét tuyển , thậm chí là vẫn có thể tuyển được những thí sinh có chất lượng. Chẳng hạn như: Nhiều thí sinh có điểm số cao nhưng trượt ở nguyện vọng 1, các em có thể đăng ký nguyện vọng 2, nguyện vọng 3 vào các trường khác. Như vậy, có thể nói là cơ hội được san đều cho các trường. Và các trường cũng sẽ không sợ thiếu thí sinh như mọi năm” – GS Lượng chia sẻ.
Mỗi thí sinh có thể tới trăm nguyện vọng?
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia giáo dục vẫn băn khoăn lo lắng về khâu tổ chức, đề thi, khâu xét tuyển nguyện vọng ĐH,CĐ, mong muốn Bộ GD-ĐT cần nghiên cứu thêm.
PGS.TS Lê Trọng Thắng cho rằng, công tác tổ chức kỳ thi khá phức tạp, với sự tham gia của nhiều đơn vị nên nếu không có sự phối hợp tốt thì có thể sẽ ảnh hưởng đến kết quả tổ chức thi. Cấu trúc đề thi do phải đáp ứng được hai mục tiêu là đánh giá được kiến thức THPT để xét tốt nghiệp và xét tuyển vào đại học và cao đẳng nên sẽ khó khăn hơn cho công tác ra đề thi. Các trường đại học và cao đẳng có thể phải di chuyển xa trường để tham gia công tác tuyển sinh nên sẽ khó khăn hơn và phải tập trung đầu tư nhiều hơn cho công tác này.
Đặc biệt, kết quả thi tốt nghiệp được sử dụng để xét tuyển vào đại học và cao đẳng, PGS.TS Lê Trọng Thắng cho hay, còn gây nghi ngờ về độ tin cậy do vẫn còn có những điểm dễ phát sinh tiêu cực như: kết quả học tập bậc phổ thông, việc tổ chức thi và chấm thi sẽ khó kiểm soát hơn… Tuy vậy, vấn đề này có thể khắc phục được nếu các trường đại học, cao đẳng có giải pháp tăng cường yếu tố bảo đảm chất lượng ngay những kỳ học đầu tiên nhằm tiếp tục thanh lọc những sinh viên yếu kém.
Một băn khoăn lo lắng nữa không kém phần quan trọng trong công tác xét tuyển ĐH,CĐ là số lượng thí sinh “ảo” rất lớn vì mỗi thí sinh có tới 4 giấy chứng nhận kết quả thi.
PGS.TS Lê Hữu Lập, Học viện Công nghệ Bưu chính viễn thông cho biết: “Một thí sinh có 4 giấy chứng nhận kết quả thi, theo đó, trong nguyện vọng 1 được xét tới 4 ngành, nguyện vọng 2 nộp 3 giấy chứng nhận kết quả xét tuyển và mỗi giấy được xét tới 4 ngành, tổng cộng có 12 nguyện vọng; nguyện vọng 3 và nguyện vọng 4 tương tự như nguyện vọng 2.
“Nếu mỗi ngành chỉ tuyển 1 tổ hợp các môn thi thì cũng là 40 nguyện vọng, nếu mỗi ngành tuyển sinh nhiều tổ hợp các môn thi thì nguyện vọng của thí sinh lên tới hàng trăm. Như vậy, cơ hội trúng vào nhiều trường của thí sinh rất cao, có nghĩa là độ “ảo” của các trường cao, nên Bộ phải được tính toán kỹ việc này” – PGS.TS Lê Hữu Lập chia sẻ.
Trao đổi với báo chí về vấn đề trên, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga khẳng định: “ Sẽ không ảo nhiều. Nguyện vọng 1 thí sinh nộp hồ sơ rất đông nhưng thí sinh chỉ được nộp 1 giấy báo điểm vào 4 ngành của 1 trường duy nhất, khi thấy khả năng không trúng sẽ rút và nộp trường khác và cũng chỉ được nộp 1 trường. Như vậy sẽ không ảo mà chỉ tăng sự lựa chọn cho thí sinh. Khi rút từ trường này sang trường kia thì trường cũ xóa tên.
Theo thứ trưởng Ga, kết thúc nguyện vọng 1 đã có trên 70 % thí sinh trúng tuyển.Với nguyện vọng bổ sung dùng 3 giấy 3 trường nhưng khi đó sẽ không còn nhiều thí sinh (chỉ còn khoảng 30%). Các trường có thể hoàn toàn yên tâm về điều này vì khi thí sinh trúng tuyển nguyện vọng 1 thì đã bị phần mềm loại tên ra khỏi dữ liệu xét tuyển và thí sinh đó sẽ không có tên trong danh sách xét tuyển tiếp theo.
“Thí sinh cần lưu ý là phải hết sức cẩn thận khi đăng ký xét tuyển. Nếu cứ đăng ký thoải mái, chọn rồi bỏ không học là sẽ mất cơ hội vì khi đã trúng tuyển nguyện vọng trước mà bỏ thì không còn đủ điều kiện để xét tuyển nguyện vọng sau” – Thứ trưởng Ga chia sẻ.
(Theo Dân trí)