Thi THPT QG 2015: Dự kiến có 37 cụm thi
Thứ trưởng Ga cho biết, việc tăng cụm thi so với dự kiến ban đầu 34 cụm thi là sau khi Bộ GD-ĐT làm việc với các tỉnh ở khu vực Tây Bắc, Tây nguyên, Tây Nam bộ có đề xuất tăng thêm cụm thi đối với học sinh khu vực này. Do đó, dự kiến kỳ thi THPT quốc gia sẽ có 37 cụm thi. Chiều nay 9/3, Bộ GD-ĐT báo cáo Chính phủ toàn bộ kế hoạch chuẩn bị thi, tuyển sinh 2015. Sau đó, Bộ hoàn thiện, ban hành danh sách cụm thi và tài liệu hướng dẫn thi".
Cũng theo thứ trưởng Ga, các cụm thi ở địa phương dành cho thí sinh chỉ lấy kết quả thi để xét tốt nghiệp THPT sẽ được xác định sau khi thí sinh đã kết thúc đăng ký dự thi.
Nhận định về cụm thi kỳ thi THPT quốc gia 2015, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội Hà Xuân Quang cho biết: “Quy chế thi THPT quốc gia Bộ GD&ĐT chính thức công bố tạo nhiều thuận lợi cho thí sinh. Cụ thể, Bộ GD-ĐT tổ chức cụm thi, gồm: Cụm thi cho các thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH, CĐ. Cụm thi này tổ chức thi cho thí sinh của ít nhất 2 tỉnh, do trường ĐH chủ trì, phối hợp với sở GD&ĐT.Cụm thi cho các thí sinh dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT, tổ chức thi tại trường hoặc liên trường phổ thông của tỉnh, do sở GD&ĐT chủ trì, phối hợp với trường ĐH. Như vậy, cách tổ chức cụm thi ở địa phương có ưu điểm là thí sinh sẽ không phải di chuyển nhiều, được thi ở gần nhà, điều này rõ ràng là một thuận lợi. Tuy nhiên, việc tổ chức thi ở những cụm này vẫn phải đảm bảo tính nghiêm túc”.
Tuy nhiên, ông Quang băn khoăn, việc tổ chức 2 cụm thi do trường ĐH chủ trì và do sở GD&ĐT chủ trì, sau này kết quả thi để xét tốt nghiệp THPT, trường ĐH và sở GD&ĐT phải chuyển giao kết quả như thế nào, ai quản những kết quả này? Đây là điều phải tính đến.
Thi THPT quốc gia 2015, thí sinh dự thi trong 4 ngày
Thi muộn, có lợi cho thí sinh
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 dự kiến sẽ được tổ chức vào các ngày 1, 2, 3, 4 tháng 7/2015, muộn hơn các năm trước một tháng, tạo thuận lợi cho học sinh có thêm thời gian ôn tập, chuẩn bị tốt hơn cho kì thi.
Để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh phải thi 4 môn, gồm 3 môn thi bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và một môn do thí sinh tự chọn trong các môn thi còn lại gồm Lịch sử, Địa lí, Vật lí, Hóa học, Sinh học. Điều này tạo thuận lợi cho thí sinh là được chọn môn thi thứ tư phù hợp với năng lực của mình.
Việc miễn thi Ngoại ngữ với những thí sinh có đủ điều kiện theo quy định của Bộ GD&ĐT có thể tạo động lực, khuyến khích học sinh nâng cao trình độ ngoại ngữ của mình. Riêng các trường hợp học sinh không được học môn Ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng thì được Giám đốc Sở GD&ĐT xem xét, quyết định cho phép thí sinh chọn môn thi thay thế môn Ngoại ngữ trong số các môn tự chọn và đây cũng là điểm thuận lợi cho thí sinh.
Được quyền thay đổi ngành học ở nguyện vọng 1
Việc xét tuyển ĐH,CĐ, thí sinh lưu ý, thí sinh được cấp 4 giấy chứng nhận kết quả thi để dùng cho xét tuyển.
Khi xét tuyển nguyện vọng 1, thí sinh dùng bản chính giấy chứng nhận kết quả thi thứ nhất để đăng ký.
Trong thời gian quy định của đợt xét tuyển này, thí sinh được quyền thay đổi ngành học đã đăng ký hoặc rút hồ sơ đăng kí xét tuyển để nộp vào trường khác. Để đăng ký xét tuyển nguyện vọng bổ sung, thí sinh dùng 3 bản chính giấy chứng nhận.
Kết thúc mỗi đợt xét tuyển nguyện vọng bổ sung, thí sinh không trúng tuyển được quyền rút hồ sơ để đăng ký xét tuyển đợt tiếp theo. Như vậy cơ hội đỗ vào ĐH, CĐ của thí sinh tăng lên.
Ngoài ra một điểm mới so với trước đây là khi có kết quả thi tốt nghiệp THPT quốc gia rồi các em mới đăng ký xét tuyển nguyện vọng vào ĐH, CĐ, các em sẽ có cơ sở để lựa chọn trường phù hợp hơn.
(Theo Dân trí)