Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

“Biểu tượng anh hùng” của những giáo viên đi B

11:36, 15/04/2015
Cống hiến cả cuộc đời mình cho sự nghiệp trồng người và giải phóng dân tộc, người thầy giáo chiến sĩ ấy nay tuổi ngoại 70 nhưng vẫn thầm lặng đi chắp nối nghĩa tình sâu nặng, mối tình kháng chiến của những giáo viên - chiến sỹ…

 

Một thời hoa lửa

 

Tốt nghiệp Trường Sư phạm Nghệ An năm 1960, Chu Cấp trở thành giáo viên của Trường cấp 2 Ninh Giang (Ninh Bình). Năm 1969, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc ,thầy giáo trẻ Chu Cấp đã  tình nguyện  xung phong vào chiến trường miền Nam gieo hạt ươm mầm cho sự nghiệp trồng người ở những vùng đất còn đang  mưa bom, bão đạn.

 

Ông
Ông Chu Cấp (thứ 3 từ trái sang) và các bạn tù Côn Đảo.

 

Với năng lực và nhiệt huyết của tuổi trẻ, Chu Cấp đã bám dân, bám đất, gây dựng phong trào giáo dục nơi mà thế trận ta và địch cài răng lược. Ông được giao đảm trách nhiều công việc khác nhau như:  Cán bộ phong trào giáo dục Trung - Nam - Bộ;  Phó ty Giáo dục Mỹ Tho ...

 

Và trong một trận càn của địch, Chu Cấp bị thương ở chân, anh được bà con giấu trong hầm bí mật. Không may, trong nội bộ có kẻ phản bội, chỉ điểm nên địch bắt được Chu Cấp.

 

Chúng đã giải ông đi qua 7 nhà lao trong đất liền và dùng đủ mọi cực hình tra tấn nhưng ông vẫn kiên quyết không khai. Cuối cùng chúng đày ông ra nhà tù Côn Đảo.

 

Trong tù, Chu Cấp nằm trong ban lãnh đạo anh em tù nhân chống đàn áp; chống khổ sai, chống nội quy của địch; biến nhà tù thành trường học…

 

Thuộc thành phần "đầu têu" nên ở đâu, Chu Cấp cũng bị chúng “ưu ái” biệt giam nơi khắc nghiệt nhất, bị tra tấn cho nhiều phen chết đi, sống lại. 

 

Ông Nguyễn Hữu Dũng - Nguyên Vụ trưởng Vụ Phổ thông (Bộ Giáo dục) vào công tác ở miền Nam năm 1964 từng nhận xét: "Chúng tôi xem hai tấm gương của chị Lê Thị Bạch Cát* và anh Chu Cấp như là biểu tượng anh hùng của những người giáo viên Nghệ -Tĩnh đi B. Chính họ đã góp công làm nên lịch sử".

 

Ông Chu Cấp kể về những ngày bị giam cầm ở Côn Đảo
Ông Chu Cấp kể về những ngày bị giam cầm ở Côn Đảo.

 

Nghĩa tình đồng đội

 

Năm 1974  trao trả tù binh tại sân bay Lộc Ninh, thầy Chu Cấp trở về tiếp tục sự nghiệp trồng người và giữ nhiều chức vụ khác nhau cho đến năm 2000 thì về hưu.

 

Về hưu nhưng với uy tín của mình ông được anh em suy tôn làm Trưởng ban liên lạc Hội cựu giáo viên đi B trước năm 1975 của tỉnh Nghệ An.Có người nói là vác tù và hàng… tỉnh.

 

Ông Ngô Đức Tiến - Giáo viên đi B, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Yên Thành (Nghệ An) - cho biết. "Thầy Chu Cấp là một con người tuyệt vời cả trong thời chiến lẫn thời bình.

 

Với công việc nào ông cũng được các thế hệ học sinh và nhân dân yêu mến. Lúc về hưu với trọng trách Trưởng ban liên lạc, ông đã bỏ tiền túi đi khắp nơi trên trên mọi miền Tổ quốc thăm hỏi động viên các gia đình thương binh, liệt sĩ và kết nối nghĩa tình đồng đội.

 

Chính vì vậy mà những giáo viên đi B như chúng tôi mới biết đến hoàn cảnh của nhau, động viên, chia sẻ với nhau những niềm vui, nỗi buồn cũng như những khó khăn trong cuộc sống".

 

Khi hỏi về việc không công - vác tù và hàng… tỉnh mà ông đang làm thầy Chu Cấp trả lời: ''Khi đang còn sức đi lại được thì  việc gì có ích cho mọi người, cho xã hội thì nên làm. Nhất là được làm công việc đền ơn, đáp nghĩa  này. Những người từng chiến đấu ở chiến trường mới thấu hiểu tình đồng đội nó cao quý và thiêng liêng biết chừng nào”.

 

Với chiếc xe đạp, kỷ vật nghĩa tình của những người bạn tù Côn Đảo như Trương Mỹ Hoa, Lê Quang Vịnh tặng ông trong một lần họp mặt cựu bạn tù ra thăm Côn Đảo, ông đạp xe đi về các gia đình thương binh, liệt sỹ, thăm hỏi động viên các chiến hữu ở rải rác khắp các huyện, cả những người nay định cư trên mọi miền tổ quốc.

 

Ông như con ong cần cù đi chắp nối tình nghĩa sâu nặng - mối tình kháng chiến của những giáo viên – chiến sỹ.

 

 

Ông Chu Cấp năm nay đã 75 tuổi. Tuy tuổi cao, vết thương của những đợt bị địch tra tấn mỗi lúc trở trời lại đau nhức nhối nhưng vẫn hàng ngày đi kết nối nghĩa tình đồng đội. Và chính ông là chiếc cầu  đã giúp cho nhiều gia đình, thương binh, liệt sĩ có hoàn cảnh khó khăn ổn định cuộc sống…

 

 

 
(Theo Giáo dục & Thời đại)