Tăng cường sự gắn kết giữa cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp
Trong 5 năm, toàn tỉnh đã có trên 268 ngàn lao động nông thôn tham gia học nghề, đạt 84,13% so với chỉ tiêu đặt ra. Trong đó, số lao động được hỗ trợ học nghề theo chính sách đề án gần 41 ngàn người. Kết quả đào tạo nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn đã góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của tỉnh từ 30% năm 2009 lên 46% năm 2014.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác xác định ngành nghề đào tạo hiện nay tại các địa phương còn dàn trải, chưa xuất phát từ quy hoạch xây dựng nông thôn mới, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội cũng như nhu cầu của thị trường sử dụng lao động. Chất lượng đào tạo nghề còn một số hạn chế; công tác giải quyết việc làm, bao tiêu sản phẩm sau học nghề còn khó khăn… Đây cũng là thực tế mà nhiều đại biểu tham dự hội nghị đã nhìn nhận.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Xuân Đại nhấn mạnh: Đào tạo nghề cho lao động nông thôn không chỉ phấn đấu về số lượng mà phải có chất lượng và mang lại hiệu quả thiết thực. Việc xác định nghề đào tạo phải gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương cũng như nhu cầu của thị trường sử dụng lao động. Để đề án có hiệu quả, cần phải tổ chức rà soát nhu cầu học nghề của người lao động; tiếp tục đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng về mọi mặt cho đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý dạy nghề. Ngoài ra cũng cần tăng cường sự gắn kết giữa cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp, thực hiện linh hoạt, đa dạng các hình thức đào tạo nghề nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho lao động nông thôn tham gia học nghề. Một yếu tố nữa là phải đẩy mạnh các hoạt động xã hội hóa, hợp tác quốc tế để thu hút đầu tư và giải quyết việc làm cho người lao động sau đào tạo…
Nhân dịp này, UBND tỉnh đã trao bằng khen cho 21 tập thể và 11 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong 5 năm qua.
(Xuân Hướng)