Học sinh chịu áp lực lớn từ các cuộc thi, kiểm tra cuối kỳ
Lâu nay, Bộ Giáo dục – Đào tạo đã triển khai thực hiện việc đổi mới nội dung, cách thức thi cử. Tuy nhiên việc thi cử, kiểm tra vẫn còn nặng nề, áp đặt cùng hàng loạt vấn đề biến tướng đã tạo áp lực lớn đối với học sinh các cấp hiện nay.
Mỗi môn có 1 bộ đề cương ôn tập với hàng chục câu hỏi. Chị Lê Thị Thanh có con học lớp 5 cho rằng, kiến thức ôn tập quá nhiều và cấu trúc đề chưa hợp lý so với chương trình học tập của bậc Tiểu học. Đề nhiều và vượt quá năng lực của các cháu so với kiến thức học tại lớp. Phụ huynh cũng chỉ biết động viên con.
Nhiều phụ huynh cho rằng kiến thức ôn tập quá nhiều và cấu trúc đề chưa hợp lý. |
Lâu nay, việc đổi nới về nội dung trong biên soạn sách giáo khoa, thay đổi hình thức chấm điểm, đánh giá chất lượng học sinh tiểu học đã được thực hiện, nhưng việc thi cử, kiểm tra theo dư luận vẫn chưa đảm bảo việc giảm tải. Môn thi, cách thi thay đổi đột ngột làm học sinh bất ngờ, mỗi môn lại có 1 bộ đề cương ôn tập với hàng chục câu khiến các em căng thẳng, thậm chí phải học thâu đêm mới có thể làm hết đề cương.
Chia sẻ của em Từ Gia Phước - Học sinh lớp 6G, Trường THCS Lê Lợi, TP Vinh: “Đề cương ôn tập nhiều (toán 11 tờ, văn 12 tờ), cháu phải thức khuya tận 11 - 12h đêm để học, rất căng thẳng, mệt mỏi. Cháu chỉ mong kỳ thi qua nhanh để được nghỉ ngơi”.
Em Nguyễn Thị Minh Tâm - học sinh lớp 9B Trường THCS Nghi Phú, TP Vinh chia sẻ thêm: "Chúng cháu có đề cương cho mỗi môn thi, nhưng phạm vi ôn tập rộng nên không biết phải tập trung vào nội dung gì, bản thân cảm thấy rất căng thẳng, áp lực".
Học sinh căng thẳng, áp lực trước kỳ thi. |
Không thể phủ nhận việc đánh giá là những yêu cầu căn bản của học hành, nhất là cuối cấp để các em biết được năng lực của bản thân mà cố gắng. Tuy nhiên, khi chương trình đã có sự đổi mới nhằm giảm áp lực thì việc tổ chức các kỳ thi, kiểm tra cũng cần có sự giảm tải, nhất là việc kiểm tra cuối kỳ đối với bậc Tiểu học và THCS chỉ nên mang tính khảo sát chất lượng.
Ý kiến của anh Phan Trọng Hải - Phụ huynh học sinh: "Cơ bản Nhà nước đã có định hướng nhưng sư thay đổi trong thi cử để giảm tải cho các cháu chưa có sự nhất quán, phù hợp với thực tế. Trong quá trình học không áp lực nhưng thời điểm thi cử lại nặng nề. Theo tôi cần có giải pháp thích hợp, tùy thuộc vào từng cấp học mà có phương thức thi cử phù hợp".
Trao đổi vấn đề này, cô giáo Hoàng Thị Nhung - Trường THCS Nghi Phú, TP Vinh bày tỏ: "Bất cứ kỳ thi nào cũng đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng của giáo viên và học sinh. Áp lực hay không tùy thuộc vào các em, bởi nội dung ôn tập là kiến thức tổng hợp của cả quá trình học. Bản thân tôi cũng mong muốn phụ huynh học sinh không nên gây sức ép với các em để giảm bớt áp lực trong thi cử".
Áp lực thành tích từ nhà trường và phụ huynh đã tạo căng thẳng cho học sinh các cấp. |
Một khảo sát gần đây cho thấy gần 58% học sinh bị cha mẹ la mắng vì không học tốt tại trường. Số trẻ em trong độ tuổi đi học đến khám và điều trị tại bệnh viện tâm thần hằng năm tăng, trong đó không ít em là học sinh giỏi, học sinh trường chuyên, lớp chọn. Và hiện nay, không ít trường vì chạy theo thành tích làm cho kỳ kiểm tra không còn đúng nghĩa, thiếu sự chính xác, khách quan.
Bên cạnh đó, áp lực từ phía phụ huynh về thành tích cũng đã làm cho các em luôn trong tình trạng mệt mỏi, chán nản. Thực trạng này đòi hỏi ngành giáo dục, nhà trường và các bậc phụ huynh cần xem xét lại cách tổ chức thi cử, khảo sát chất lượng dạy và học để giảm áp lực cho học sinh./.
Thanh Hà – Chu Quý