Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Nữ sinh đạt 9,75 điểm môn Văn: "Văn chương có sức mạnh kỳ diệu"

15:38, 11/07/2018

Đạt được 9,75 môn Văn, em Trần Thị Hằng - Học sinh lớp 12B3, Trường THPT Đô Lương 2 là một trong những thí sinh có điểm môn Văn cao nhất tại kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018.

Sinh ra trong một gia đình thuần nông ở xóm Minh Thuận, xã miền núi Giang Sơn Tây, huyện Đô Lương, từ nhỏ Hằng đã là một cô bé ham học. Từ lớp 7 đến lớp 9, Hằng đều đạt Học sinh giỏi huyện môn Văn. Riêng lớp 7, ngoài môn Văn, Hằng đạt giải Ba huyện môn Vật lý.

Vào học cấp 3 tại Trường THPT Đô Lương 2, từ lớp 10, Hằng được cô giáo chỉ dẫn ôn thi học sinh giỏi tỉnh, đến lớp 11, Hằng đạt giải Ba toàn tỉnh môn Văn. Năm học lớp 12, Hằng tập trung ôn thi tốt nghiệp THPT và Đại học. Không phụ công miệt mài đèn sách, kết quả kỳ thi THPT Quốc gia vừa qua, Hằng đạt điểm 9,75 môn Văn, trở thành 1 trong 3 thí sinh đạt điểm 9,75 trên toàn quốc, trong đó, Hằng là thí sinh duy nhất không làm tròn điểm.

a
 Em Trần Thị Hằng và mẹ của mình.

Chia sẻ về kết quả này, Hằng cho biết: “Em “bén rễ” với Văn từ năm học lớp 7. Trong quá trình học môn Văn, em tìm thấy chính bản thân mình trong từng câu chữ, có được nhiều bài học, để từ đó tạo được sự thích thú đối với các môn học khác. Em cảm thấy văn chương có một sức mạnh kỳ diệu. Văn chương cảm hóa được con người, dạy con người cách sống nhân văn hơn”.

Tại kỳ thi THPT Quốc gia 2018, đề bài có 2 phần: phần 1 câu đọc hiểu, phần 2 làm văn, trong đó có nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Về nghị luận xã hội với đề bài “Đánh thức tiềm lực của đất nước”, Hằng đã làm rất tốt.

Hằng nhớ lại phần bài làm của mình, em đã viết: “Đất nước ta đã khơi dậy được nhiều tiềm năng để xây dựng đất nước giàu mạnh. Tuy nhiên, bên cạnh đó có một số tiềm lực chưa được đánh thức và đang còn ngủ kỹ, rất cần sự chung tay của mọi người để đánh thức tiềm năng vốn có và quý giá của đất nước. Mặt khác, quan điểm của em là không đánh đồng với việc đánh thức tiềm năng với việc đánh thức các tiềm lực của đất nước và khai thác quá mức các tiềm năng vốn có. Sự đánh thức đó phải phù hợp với hoàn cảnh của đất nước, hoàn cảnh của xã hội”.

a
Hằng tìm thấy chính bản thân mình trong từng câu chữ trong văn học.

 Nhận xét về Hằng, cô Đào Thị Kim Dung - giáo viên dạy Văn lớp 12B3 không giấu được niềm tự hào: “Hằng là một cô bé ngoan Hiền và cá tính. Với Hằng, học là đam mê. Em ấy không bao giờ tự hài lòng với chính mình. Bài cô hướng dẫn tự học bao giờ cũng được em ấy hoàn thành, tự viết bài nhờ cô chữa, viết chưa được thì viết lại. Kết quả này rất xứng đáng với sự miệt mài, nỗ lực của bản thân em”.

Hằng được đánh giá là học sinh có nỗ lực lớn. Từ nhà em đến trường, quãng đường xa chừng 8km, đi lại không thuận tiện. Bố làm thợ xây, mẹ làm nông nghiệp, ngoài việc học, hàng ngày, Hằng cũng phụ giúp mẹ việc đồng áng và chăn nuôi.

Ngoài việc học, hàng ngày, Hằng vẫn phụ giúp mẹ việc gia đình.
Ngoài việc học, hàng ngày, Hằng vẫn phụ giúp mẹ việc gia đình.

Theo tiết lộ của Hằng, em đăng ký nguyện vọng xét tuyển Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh với 3 môn: Văn, Sử, Địa. Ngày 12/7 tới đây, em sẽ lên đường vào thành phố Hồ Chí Minh để làm bài đánh giá năng lực đầu vào Đại học Luật.

Ngọc Phương