Sau sát nhập, Trung tâm dạy nghề - GDTX miền núi vẫn gặp khó
Việc sát nhập Trung tâm dạy nghề với TT giáo dục thường xuyên lẽ ra là điều rất phù hợp cho các huyện miền núi. Bởi với những học sinh có năng lực học tập hạn chế, sau 3 năm học ở đây, các em vừa có bằng văn hóa vừa có bằng trung cấp nghề để có thể sẵn sàng bước vào đời. Tuy nhiên, công tác tuyển sinh của các trung tâm này vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn.
Thầy giáo Lê Quốc Khánh - Phó Hiệu trưởng trường THPT Quỳ Châu chia sẻ: Tổng số thí sinh đăng kí thi tuyển vào lớp 10 THPT Quỳ Châu năm học 2018-2019 là 636 em. Sở GD&ĐT Nghệ An đã duyệt cho trường là 546 em, và để lấy đủ chỉ tiêu thì nhà trường phải lấy từ 10 điểm trở lên. Như vậy, tính ra, chỉ còn 90 học sinh cấp 2 của huyện Quỳ Châu không vào được trường THPT và là cơ hội để Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, GDTX huyện tuyển sinh.
Giáo viên đến tận từng nhà để vận động các em học nghề |
Dù đã thành lập các đoàn đến tận nhà học sinh để vận động nhưng không phải lúc nào các thầy cô giáo của trung tâm cũng nhận được cái gật đầu. Với nhiều học sinh, ngay sau khi biết mình không vào được trường THPT huyện đã lên đường mưu sinh bằng nghề tự do. Chị Lữ Thị Lan - Bản Xốp Cam, xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu, có con vừa tốt nghiệp cấp 2 nói: Học không được thì đi làm ăn thôi. Nó đi Bắc Ninh làm Sam Sung nhưng ra thì họ không nhận vì chưa đủ tuổi nên giờ đi làm bưng bê ở quán.
Sau sát nhập, Trung tâm dạy nghề - GDTX huyện Quỳ Châu vẫn khó khăn trong tuyển sinh |
Có nhiều lý do khiến học sinh và phụ huynh không mặn mà với trung tâm dạy nghề, GDTX. Trong đó có lý do mà chị Lan đã thẳng thắn nói ra. Hiện nay, một học sinh miền núi khi học ở trường THPT mỗi tháng được hỗ trợ 15kg gạo, 50% mức lương cơ bản tiền ăn ở, thậm chí được miễn học phí... Còn các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, GDTX cơ chế hầu như chưa có gì ngoài miễn, giảm học phí cho đối tượng hộ nghèo, cận nghèo và hỗ trợ 100 ngàn chi phí học tập mỗi tháng. Thầy giáo Bùi Hoàng Báu -Giám đốc TTGD nghề nghiệp, GDTX huyện Quỳ Châu cho rằng: Việc sát nhập hai trung tâm là đúng đắn, phù hợp với định hướng đào tạo nghề nhưng cũng phải có cơ chế phù hợp. Làm sao các em học ở đây cũng như ở các trường cấp 3 ấy lúc đó mới hút được các em vào. Đặc biệt ở các vùng đồng bào dân tộc như thế này.
Nhiều phòng học nghề tại Trung tâm dạy nghề - GDTX huyện Quỳ Châu không hoạt động |
Sau sát nhập, cứ tưởng rằng, thực trạng lãng phí ở các trường nghề miền núi sẽ có được lời giải. Nhưng không! Với tình hình như hiện nay, không khí ở các trung tâm này vẫn chưa có gì khởi sắc, bởi theo cô Lô Thị Lan - Phó Giám đốc TTGD nghề nghiệp, GDTX huyện Quỳ Hợp: Tâm lý phụ huynh và học sinh vẫn cứ muốn con em mình vào các trường THPT sau đó đi đại học... chớ chưa nghĩ chọn học một cái nghề hoặc định hướng cho con em mình học phù hợp với năng lực.
Nhận thức của phụ huynh và học sinh chỉ là một phần, với điểm đầu vào của các trường THPT miền núi chỉ từ 8 đến 10 điểm cho 5 môn thi (Văn, Toán nhân 2, cộng thêm môn tổng hợp) thì điểm THPT là rất thấp. Phải lấy đến điểm rất thấp này chứng tỏ việc phân luồng học sinh, quy hoạch giáo dục ở các địa bàn chưa được quan tâm. Chưa quan tâm thì chắc chắn chưa có chính sách nên các trung tâm sẽ còn èo uột dài cho dù đã sát nhập.
Xuân Hướng – Trường Ca