Kỳ thi THPT Quốc gia 2019 sẽ không gây áp lực cho học sinh
Hiện Bộ GD-ĐT trình phương án lên Chính phủ. Đối với phương án thi này sẽ giảm áp lực cho thí sinh nhưng vẫn đảm bảo chất lượng.
Tại cuộc họp báo thường kỳ của Chính phủ chiều 3/11, trả lời câu hỏi của phóng viên về thời điểm áp dụng chương trình sách giáo khoa mới, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, thời gian thực hiện chương trình mới chậm nhất vào 2020-2021 đối với cấp đầu tiên tiểu học.
Với cấp THCS là 2021-2022. Vào năm 2022-2023 sẽ thực hiện đối với cấp đầu tiên của THPT.
Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019 sẽ nhẹ nhàng, không áp lực? |
Về định hướng kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019, ông Nguyễn Hữu Độ cho biết, Chính phủ yêu cầu Bộ GD-ĐT khắc phục hạn chế, khuyết điểm của kỳ thi THPT năm học 2018.
Hiện Bộ cũng đã trình phương án lên Chính phủ theo tinh thần kỳ thi năm 2019. Đối với phương án này sẽ giảm áp lực, và khó khăn cho thí sinh nhưng vẫn đảm bảo chất lượng.
Liên quan vấn đề này, Bộ trưởng–Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, các vấn đề về đổi mới kỳ thi THPT, ra đề thi, coi thi… là trách nhiệm của Bộ GD-ĐT.
“Về thời điểm áp dụng chương trình sách giáo khoa mới, Bộ cần làm đúng Nghị quyết của Quốc hội. Bộ chủ động trong tổ chức”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói./.