Mới nhất Tin nóng Media Magazine Infographic Tin ảnh

Từ năm 2019 sẽ có điểm sàn riêng cho ngành đào tạo giáo viên, sức khỏe

08:28, 14/12/2018

Từ mùa tuyển sinh năm 2019, Bộ GD-ĐT sẽ quy định điểm sàn riêng đối với khối ngành sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề...

Đây là một trong những điểm mới trong Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học được bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) thông tin tới báo chí.

Theo bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Luật GDĐH sẽ chính thức có hiệu lực từ 1/7/2019. Trong luật có một số điểm mới sẽ tác động trực tiếp đến công tác tuyển sinh của trường đại học, cao đẳng năm 2019.

Cụ thể, Điều 34 của Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học ghi rõ: Bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành quy chế tuyển sinh, quy định nguồn tuyển sinh trình độ đại học từ học sinh tốt nghiệp THPT, người tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp.

Quy định tiêu chí, nguyên tắc, quy trình xác định chỉ tiêu tuyển sinh; quy định chỉ tiêu tuyển sinh đối với các ngành đào tạo giáo viên và chỉ tiêu tuyển sinh của cơ sở giáo dục ĐH vi phạm quy định về đối tượng, điều kiện, chỉ tiêu tuyển sinh; quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) đối với ngành đào tạo giáo viên và ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề.

Như vậy, vào năm 2019, khi Luật Giáo dục Đại học mới có hiệu lực, khối ngành sức khỏe sẽ có điểm sàn riêng.

a
Từ năm 2019 sẽ có điểm sàn riêng cho ngành đào tạo giáo viên, sức khỏe. Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Quy định này được đưa ra trong bối cảnh năm 2018, ngoài một số trường danh tiếng, có truyền thống về đào tạo ngành y-dược giữ được điểm chuẩn ở mức cao, thì không ít trường có đào tạo ngành này có điểm chuẩn khá thấp. Có trường,  ngành Y đa khoa và răng - hàm - mặt chỉ lấy 18 điểm, điều dưỡng và dược học chỉ 16 điểm.

Điều này khiến dư luận lo ngại về chất lượng đội ngũ y-bác sĩ tương lai và kiến nghị cơ quan quản lý cần có giải pháp để siết chặt chất lượng đào tạo với khối ngành này.

Thời gian tới, Bộ GD-ĐT sẽ cùng Bộ Y tế và các trường đang đào tạo các ngành y-dược tính toán để có mức điểm sàn được các vùng miền, xã hội chấp nhận. Việc làm này cũng là để bảo đảm chất lượng đào tạo nhân lực cho lĩnh vực y tế.

Về những thay đổi của phương án tuyển sinh năm 2019 dưới tác động của Luật GDĐH mới, bà Kim Phụng cho biết,  nhìn chung phương thức tuyển sinh vẫn giữ ổn định đến năm 2020. Những năm sau đó sẽ có điều chỉnh theo hướng phù hợp với lộ trình thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới.

Bộ GD-ĐT dự kiến sẽ đưa vào quy chế 2 quy định, các trường dù lấy điểm thi THPT quốc gia cũng phải thực hiện theo giai đoạn xét tuyển chung, tránh những trường thực hiện tuyển sinh trước ảnh hưởng đến tình hình chung và việc thay đổi nguyện vọng của thí sinh.

Quy định thứ hai là về quyền và nghĩa vụ của thí sinh. Khi thí sinh đã xác nhận nhập học phải nộp bản chính giấy xác nhận điểm thi, không được xét tuyển vào bất kỳ trường nào khác. Tránh tình trạng thí sinh vẫn nộp bản photo cho một số trường như các năm trước.

Đại diện Bộ GD-ĐT cũng cho biết, mùa tuyển sinh 2019, Bộ vẫn hỗ trợ các trường về cơ sở dữ liệu, nhóm tuyển sinh của các trường để việc tuyển sinh hiệu quả hơn.

Trường Đại học tư thục bình đẳng về quyền lợi với trường công

Luật Giáo dục Đại học sửa đổi vừa được thông qua sẽ có những thay đổi gì so với Luật hiện hành và điều này sẽ tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục ĐH phát triển.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng cũng cho biết, những thay đổi cơ bản của Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học so với Luật hiện hành bao gồm: Chính sách lớn nhất là Mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả của Tự chủ ĐH trong toàn hệ thống; Đổi mới quản trị đại học, tăng cường vai trò của Hội đồng trường, quy định các trường phải ban hành hệ thống quy định quy chế nội bộ, công khai minh bạch thông tin về các điều kiện đảm bảo chất lượng, tỷ lệ việc làm của sinh viên tốt nghiệp…

Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học cũng đổi mới quản lý Nhà nước từ chỗ còn một số nội dung phê duyệt, cấp phép theo Luật hiện hành sang việc kiện toàn hệ thống tiêu chuẩn chất lượng, hướng dẫn thực hiện, tăng cường kiểm định chất lượng, tạo môi trường cạnh tranh nâng cao chất lượng; tăng cường kiểm tra, thanh tra, công khai kết quả kiểm định, thanh kiểm tra… để đảm bảo chất lượng.

Luật Giáo dục Đại học cũng chú trọng phát triển hệ thống, khuyến khích các trường kết hợp với nhau thành các đại học lớn để cộng lực và hợp tác phát triển, làm cho hệ thống hoạt động chất lượng, hiệu quả, có thể cạnh tranh quốc tế. Ngoài ra là chú trọng phát triển các cơ sở Giáo dục Đại học tư thục bình đẳng với các trường công về quyền tự chủ và cơ hội phát triển./.

Theo VOV