Giáo dục

Cho phép học sinh dùng điện thoại trong lớp: Bộ Giáo dục và Đào tạo nói gì?

09:41, 20/09/2020
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học nhấn mạnh, cần phải hiểu đúng quy định này và giáo viên sẽ quyết định cho phép học sinh sử dụng điện thoại trong lớp hay không.

Điều 37 của Thông tư 32 vừa được ban hành quy định về các hành vi mà học sinh không được làm. Một trong số đó là "Sử dụng điện thoại di động khi đang học tập trên lớp mà không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép".

Làm rõ hơn về quy định mới mà Bộ GD&ĐT vừa đưa ra, ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) cho biết, quy định này để hỗ trợ trong trường hợp học sinh cần truy cứu, tìm những nguồn học liệu để hỗ trợ cho bài học khi được sự cho phép của giáo viên.

"Theo thông tư 12 trước đây, hành vi học sinh không được làm là "sử dụng điện thoại di động trong giờ học". Tức là cấm hoàn toàn việc sử dụng điện thoại trong giờ học, đã vào lớp học là không được dùng điện thoại. Như vậy, thông tư mới sẽ áp dụng từ ngày 1/11 tới đây là chỉ cấm việc sử dụng mà không phục vụ cho việc học tập và việc sử dụng sẽ có sự quản lý của giáo viên", ông Thành chia sẻ.

Ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT)
Ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT)

Ông Thành nói thêm, việc Bộ GD&ĐT quyết định đưa ra quy định này là do bối cảnh xã hội đang có những chuyển biến mạnh mẽ, hướng đến việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác dạy và học. Khi đã dạy học qua Internet thì phải có phương tiện cho học sinh truy cập vào các nguồn học liệu như máy tính, điện thoại di động và các công cụ khác...

"Ở thời đại công nghệ thông tin, nguồn học liệu điện tử trên mạng ngày càng phong phú và được phát triển để hỗ trợ việc dạy học của giáo viên và học sinh.

Ở các quốc gia có điều kiện, học sinh khi đến lớp có thể vừa thực hiện các bài học trên lớp vừa có thể tra cứu thông tin, truy cập các bài học ở trên mạng. Giáo viên tổ chức cho học sinh học tập theo cách như vậy để phát triển phẩm chất, năng lực.

Với những lớp học chưa có điều kiện về phòng máy tính và không nhất thiết phải vào phòng máy thì trong hoạt động học tập mà giáo viên giao cho học sinh sẽ có những bài học mà ở đó học sinh có thể truy cập vào mạng hoặc các nguồn học liệu mạng LAN của trường. Có nghĩa rằng khi đó, học sinh có thể sử dụng điện thoại như là một công cụ để truy cập những điều đó song phải thực hiện theo nội dung bài học và nhiệm vụ mà giáo viên giao cho", ông Thành cho hay.

Trước lo ngại của nhiều phụ huynh và một số chuyên gia về việc sử dụng điện thoại có thể gây mất tập trung trong giờ học, ông Thành cho rằng, trong một giờ học ở lớp thì mọi hành động của học sinh phải được giáo viên kiểm soát. Trong lớp học, người giáo viên đang quản lý và tổ chức các hoạt động dạy học cho học sinh, học sinh phải hoàn thành nhiệm vụ học tập.

"Cần phải hiểu rằng việc giáo viên cho phép sử dụng điện thoại cho mục đích học tập cũng chỉ trong một giai đoạn ngắn để thực hiện, sau đó phải dừng lại chứ không thể có chuyện sử dụng điện thoại xuyên suốt giờ học.

Có thể hình dung, trên lớp, giáo viên sẽ giao cho học sinh nhiệm vụ. Như vậy có thể học sinh này sẽ tra trên mạng để truy cứu thêm thông tin để thực hiện nhưng cũng có học sinh lại không cần đến mà vẫn hoàn thành được nhiệm vụ học tập.

Như vậy, Bộ GD&ĐT không cấm dùng điện thoại trong lớp nhưng cũng không có nghĩa là được dùng một cách thoải mái, không có sự kiểm soát", ông Thành nhấn mạnh.

Học sinh sẽ được sử dụng điện thoại di động nếu phục vụ cho việc học tập và được giáo viên cho phép. Ảnh minh họa.
Học sinh sẽ được sử dụng điện thoại di động nếu phục vụ cho việc học tập và được giáo viên cho phép. Ảnh minh họa.

Đưa ra lời khuyên với giáo viên, ông Thành nói: "Giáo viên là người làm chủ việc học trong lớp, phải tổ chức, hướng dẫn, giám sát, kiểm tra hoạt động học của học sinh, thậm chí ở ngoài lớp. Đó chính là phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực giáo viên phải sử dụng để đáp ứng yêu cầu dạy học phát triển phẩm chất, năng lực học sinh mà bộ đã hướng dẫn nhiều năm qua.

Căn cứ từng bài học cụ thể, nếu thấy không nhất thiết cần đến điện thoại, thầy cô không việc gì phải cho học sinh dùng cả".

"Tôi mong muốn thầy, cô giáo, học sinh, các bậc cha mẹ học sinh và toàn xã hội hiểu đúng về quy định của bộ: Học sinh không được sử dụng điện thoại di động khi đang học tập trên lớp mà không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép", ông Thành kết lại.

Bộ GD&ĐT công bố thông tư 32/2020/TT-BGDĐT với nhiều đổi mới về Điều lệ trường THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 1/11/2020 và thay thế Thông tư số 12/2011/TT-BGDĐT ngày 28/3/2011 của Bộ trưởng bộ GD&ĐT ban hành Điều lệ trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học.

Một trong những thay đổi đáng chú ý liên quan đến quy định sử dụng điện thoại trong giờ học.

Cụ thể, nếu Điều lệ ban hành kèm Thông tư số 12/2011/TT-BGDĐT quy định một trong những hành vi học sinh không được làm là "sử dụng điện thoại di động hoặc máy nghe nhạc trong giờ học", thì nội dung này được thay đổi tại Điều lệ ban hành kèm Thông tư số 32/2020/TT-BGDĐT là "sử dụng điện thoại di động, các thiết bị khác khi đang học tập trên lớp không phục vụ cho việc học tập và không được giáo viên cho phép".

 

Theo VTV

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện