Giáo dục

Chiến thuật điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển tăng cơ hội đỗ Đại học

09:11, 16/08/2021
Các chuyên gia gợi ý các chiến thuật điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển giúp thí sinh tăng cơ hội vào các ngành, trường phù hợp với bản thân.

Đây là thời điểm quan trọng để thí sinh cân nhắc, dự đoán điểm chuẩn và xây dựng các chiến thuật điều chỉnh nguyện vọng phù hợp, giúp tăng cơ hội trúng tuyển vào ngành, trường mơ ước.

GS.TS Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội dự đoán điểm chuẩn các trường top trên có thể tăng. Vì vậy các thí sinh cần tham khảo điểm trúng tuyển của năm trước để điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển cho phù hợp.

Theo GS Đức, về nguyên tắc, thí sinh nên chọn các ngành, trường theo thứ tự uy tín, thứ hạng cao, sau đó đến ngành mình yêu thích và nên chọn 3 - 5 nguyện vọng dự bị.

Ảnh minh họa - Nguồn: internet
Ảnh minh họa - Nguồn: internet

Theo quy định của Bộ GD&ĐT, nếu thí sinh đỗ nguyện vọng 1, hệ thống sẽ tự ngừng xét tuyển các nguyện vọng thứ 2, 3, 4... Nếu trong đợt xét tuyển đầu tiên, thí sinh không xác nhận nhập học với trường đã trúng tuyển ở nguyện vọng 1 thì coi như từ chối học và có thể tham gia xét tuyển đợt bổ sung. Tuy nhiên, việc này rất rủi ro vì ngành thí sinh muốn vào có thể đã xét tuyển đủ chỉ tiêu ở đợt 1 và không xét tuyển đợt bổ sung.

Nhiều giáo viên tại Hà Nội cũng đưa ra lời khuyên rằng, ở thời điểm hiện tại, học sinh nên tìm hiểu về các ngành, nghề, sở thích cũng như thế mạnh của bản thân. Mỗi trường sẽ có đặc thù và thế mạnh riêng, phù hợp với các định hướng nghề nghiệp khác nhau.

Khi thay đổi nguyện vọng đăng ký, học sinh cần chú ý chọn tổ hợp môn có tổng điểm cao nhất để đăng ký xét tuyển nếu ngành đó xét tuyển nhiều tổ hợp. Đặc biệt lưu ý, thí sinh cần đăng ký nguyện vọng theo thứ tự ngành yêu thích và trường yêu thích.

Thí sinh tham gia thi tốt nghiệp THPT.

PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cho biết, điểm thi tốt nghiệp THPT năm nay nhích hơn năm trước. Do đó, thí sinh cần cân nhắc, nghiên cứu kỹ khi lựa chọn nguyện vọng xét tuyển, tránh để rơi vào thế bất lợi do chủ quan.

Với các em tự tin ở mức điểm cao thì nên bổ sung thêm nguyện vọng, có thể chọn ngành yêu thích nhưng ở nhiều trường khác nhau để tăng cơ hội trúng tuyển.

Ngoài việc điểm thi một số môn cao hơn 2020, thì các đại học cũng dành lượng tương đối chỉ tiêu cho các phương thức khác như xét học bạ, xét điểm đánh giá năng lực, bài thi chuẩn hóa quốc tế… nên tỷ lệ xét bằng điểm thi tốt nghiệp THPT giảm mức nhất định. Đây cũng là nguyên nhân quan trọng khiến điểm xét tuyển vào đại học năm nay sẽ có thể nhỉnh hơn các năm trước.

Các thí sinh cần căn cứ vào phổ điểm của các khối thi và số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển, bằng kinh nghiệm của mình.

Các trường sẽ căn cứ vào điểm từ cao xuống thấp để xét tuyển chứ không căn cứ vào thứ tự nguyện vọng để xét tuyển (trừ trường hợp có nhiều thí sinh cùng mức điểm ở cuối danh sách). Thí sinh có thể đăng ký xét tuyển bằng nhiều tổ hợp vào một ngành. Các em cũng nên lựa chọn những tổ hợp có môn thi đạt điểm cao tham gia xét tuyển để tận dụng lợi thế.

Với việc áp dụng công nghệ thông tin trong xét tuyển sinh đại học, thí sinh có 3 lần thay đổi nguyện vọng phù hợp, chính xác nhất dựa trên kết quả thi THPT của mình.

Bà Thuỷ lưu ý, thí sinh thực hiện điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển đầy đủ, đúng quy trình trong thời gian quy định. Thí sinh có thể đăng ký xét tuyển và trúng tuyển vào nhiều trường với các phương thức khác nhau, nhưng thí sinh cũng chỉ xác nhận và nhập học vào một ngành và một trường duy nhất.

Để tránh trường hợp thí sinh đạt điểm thi cao nhưng không đỗ nguyện vọng nào, hoặc trúng vào các nguyện vọng không yêu thích, thí sinh cần ưu tiên đưa các nguyện vọng thích nhất (nguyện vọng mong muốn) và khó trúng tuyển (điểm trúng tuyển cao) lên trên (nguyện vọng 1 là nguyện vọng có mức ưu tiên cao nhất).

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện