Gian nan hành trình gieo chữ nơi “ốc đảo” Hữu Khuông

16:34, 15/11/2021
Sau 40 phút xuất phát từ bến thượng lưu lòng hồ thủy điện Bản Vẽ, chiếc cano rẽ sóng đã đưa chúng tôi đến được với “ốc đảo” Hữu Khuông - xã vùng sâu, vùng xa đặc biệt khó khăn của huyện Tương Dương. 

Đến với “ốc đảo” Hữu Khuông

Cũng với chặng đường ấy, hàng chục năm trước, hành trình đến với Hữu Khuông của các thầy cô giáo cắm bản ở đây vô cùng gian nan vất vả. Nếu đi bộ phải trèo đèo lội suối, tính đến hàng ngày đường. Còn nếu lựa chọn đường thủy, phải đi thuyền độc mộc, đi dọc sông Nậm Nơn, vượt qua không biết bao thác ghềnh nguy hiểm, hàng chục tiếng đồng hồ các thầy cô mới đến được vùng đất heo hút này. 

Xã Hữu Khuông nằm biệt lập giữa núi rừng và lòng hồ thủy điện Bản Vẽ. 

Đây không phải lần đầu chúng tôi đặt chân tới vùng đất gian khó này, song lần này trở lại với Con Phen, tâm trạng tôi vẫn hồi hộp, có chút lạ lẫm song lại cũng vô cùng “thân thuộc”. Bản làng xanh mướt giữa núi rừng, bao bọc xung quanh là sông nước mênh mang với bầu không khí trong lành, mát mẻ. Ca nô vừa cập bến, đón chúng tôi ngay tại bến là các thầy giáo trường Tiểu học Hữu Khuông, với nụ cười thân thiện, như người thân lâu ngày gặp lại, đang chờ sẵn để “tăng bo” đoàn vào trung tâm bản. Vừa đi được một quãng ngắn, chợt chiếc xe máy rồ lên như bị hóc số, thầy Kha Văn Đại, giáo viên trường Tiểu học Hữu Khuông trấn an chúng tôi: ”Anh chị  yên tâm, lên dốc nên phải cài số 1 cho khỏe máy, các thầy ở miền núi bao nhiêu năm, đã quen đi đường dốc, rừng núi, đường sá đi lại khó khăn, vất vả quen rồi, nên không ngã được đâu”. Nói rồi chiếc xe máy chở ba chúng tôi lại nhích từng tý bò chầm chậm lên dốc, sau ít phút đã có mặt tại trường Tiểu học Hữu Khuông. Đang trong giờ học, nên ngôi trường nhỏ nằm lọt thỏm giữa đỉnh đồi vẫn còn rộn rã tiếng đọc bài ê a của các em học sinh lớp 1, lớp 2.  

Một góc trung tâm bản Con Phen, xã Hữu Khuông, huyện Tương Dương.

Xã Hữu Khuông, huyện Tương Dương nằm biệt lập giữa núi rừng, ven lòng hồ thủy điện Bản Vẽ xanh ngắt. Xã có 554 hộ phân bố ở 7 bản, gồm: Con Phen, Pủng Bón, Tủng Hốc, Chà Lâng, Bản Xàn, Huồi Cọ và Huồi Pủng với ba dân tộc anh em Thái, H’Mông, Khơ Mú chung sống. Địa hình nơi đây bốn bề núi non bao bọc, ở giữa là lòng hồ mênh mông, đã tạo cho Hữu Khuông trở thành một “ốc đảo” gần như tách biệt với thế giới bên ngoài... Nguồn thu nhập chính của người dân vẫn chưa có gì khác ngoài trồng nương rẫy và chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà... nhỏ lẻ, chủ yếu cuộc sống tự cung tự cấp. Đời sống của bà con còn gặp nhiều khó khăn, vất vả, việc học của con em nơi đây cũng bị ảnh hưởng phần nào. 

“Nặng lòng với nghiệp “gieo chữ”

Xã Hữu Khuông có 100% là đồng bào dân tộc ít người với ba dân tộc anh em Thái, H’Mông và Khơ Mú chung sống. Học sinh hầu hết thuộc diện gia đình nghèo và đặc biệt khó khăn. Nếu như không có tình yêu với lũ trẻ ở nơi xa xôi, heo hút này, thì nhiều thầy cô đã không bám trụ với nghề lâu đến thế. 

Cô giáo Lương Thị Nhân đang say sưa, miệt mài trong một giờ dạy.

Trong câu chuyện với cô giáo Lương Thị Nhân (SN1984), khiến chúng tôi hiểu hơn cuộc sống của giáo viên nơi vùng ốc đảo lòng hồ. Gia đình cô hiện nay ở xã Thanh Sơn, huyện Thanh Chương, cách xa trường tới 220km. Cứ mỗi chiều thứ 7 sau khi dạy xong, sau 3 giờ đồng hồ đi thuyền máy mới đến bến thượng lưu, rồi từ đó cô Nhân mới có thể bắt xe đi về Thanh Chương, khoảng 9-10h đêm mới về đến nhà. Ở nhà với con được vài tiếng đồng hồ, ăn bữa cơm với gia đình, chiều chủ nhật cô lại vội vàng bắt xe lên Tương Dương, cho kịp sáng thứ 2 đứng lớp. Không thể kể hết sự khó khăn vất vả của cô Nhân với đồng nghiệp khi gieo con chữ ở ốc đảo Hữu Khuông này. Mặc dù, so với ngày xưa, hiện nay đường sá đi lại đã đỡ hơn, tuy nhiên so với các trường khác thì nơi đây còn quá vất vả.

Hành trình tới trường của các thầy cô giáo ở Hữu Khuông vô cùng gian nan, vất vả, hết trèo đèo lại lội suối.

Cô Nhân bùi ngùi nhớ lại: giai đoạn từ năm 2010-2015 hầu hết các giáo viên ở xa nhà rất ít khi được về thăm nhà, chỉ có khi nào được nghỉ tết mới được về nhà thăm gia đình. Thời bấy giờ, sóng điện thoại, internet chưa có, nên việc liên lạc về gia đình chủ yếu qua thư tay. Cô còn nhớ mãi đợt mẹ chồng mất vào năm 2015, khi nhận được thư báo tin cũng đã hơn 1 ngày. Vì thế, khi cô về được đến nhà thì việc hậu sự cho mẹ chồng đã hoàn tất. Xa gia đình, xa con nhỏ, cô Nhân rơm rớm nước mắt vì nhớ con, nhưng trên tất cả, lòng yêu nghề, yêu học sinh, ngày ngày cô vẫn bám trường, bám lớp.

Đường sá đi lại cực kỳ khó khăn, nhưng với lòng yêu nghề, các thầy cô đã vượt qua tất cả để "cõng chữ" lên non.

Còn với thầy Lô Thanh Dũng, 19 năm nay công tác ở vùng biên, vùng xa vùng sâu của huyện Tương Dương, chia sẻ: mỗi năm cứ đến tháng 11 này, bản thân mình vẫn thấy vô cùng bồi hồi, xúc động, thậm chí rất chờ đợi. 

Sau những giờ dạy miệt mài, các thầy giáo trường PTDTBT THCS Hữu Khuông lại làm cầu tam bắc qua suối, phục vụ việc đi lại của các em học sinh và bà con dân bản.

Thầy Dũng, quê ở Nhôn Mai, năm 2002 tốt nghiệp trường CĐSP Vinh, về công tác tại xã biên giới Nhôn Mai. Đến năm 2012, thầy tiếp tục đi học tại chức Đại học Vinh chuyên ngành Toán – Lý. Sau 19 năm gắn bó với nghề giáo, trong đó có 18 năm dạy học ở xã Nhôn Mai, đây là năm đầu tiên thầy Dũng công tác tại xã Hữu Khuông, xã đặc biệt khó khăn của huyện Tương Dương. Cũng như các thầy cô khác, thầy Dũng cho biết mình đến đây với tình yêu nghề, mến trẻ. Chứng kiến những khó khăn vất vả đó của các em, các thầy đều muốn chia sẻ, giúp các em, bằng chính khả năng và sự hiểu biết của mình, tuyên truyền cho các em, rồi chính các em sẽ về vận động phụ huynh. Dần dần phụ huynh nơi đây đã bắt đầu quan tâm đến việc học tập của con em.  

“Thầy truyền đạt lại cho trò, trò về trò chuyện với bố mẹ, từ đó nhiều bố mẹ rất thương thầy, thương cô. Bà con có thể mang tới bó rau, đọt mây, đọt sắn, thậm chí cho các thầy các cô những đùm ớt cay, những món quà nhỏ nhưng làm các thầy vô cùng cảm động với tình cảm các em học sinh dành cho mình” – thầy Dũng tâm sự. 

Các thầy giáo trường Tiểu học Hữu Khuông đang tự tay chuẩn bị bữa trưa cho mình.

Dù cuộc sống giáo viên cắm bản khó khăn như vậy nhưng các thầy cô vẫn luôn nhiệt huyết "gieo chữ". Sau mỗi bữa ăn tối, thầy cô lại cặm cụi phụ đạo cho các em, thấy các em say sưa học bài thì những vất vả, gian khó với thầy cô dường như tan biến. Vào những dịp lễ Tết, hay ngày Nhà giáo Việt Nam, các thầy cô nhận được những món quà đặc biệt. Không phải hoa, không phải những món quà đắt tiền mà  chỉ đơn giản là nải chuối, đọt mây, đọt sắn hay bó rau rừng... Chỉ thế thôi cũng đủ làm các thầy cô thấy ấm lòng, bởi  đó là tình cảm, là tấm lòng của các em và gia đình.

Các thầy cô phải đi thuyền, lội suối, đi bộ leo dốc mới đến được trường.

Thầy Lê Tuyên Huấn, Hiệu trưởng trường Tiểu học Hữu Khuông cho biết, giáo viên hầu hết đều ở xa trường, gần nhất là 40 km, xa nhất cũng ngót nghét 220 km. “Con đường đến trường của các thầy cô giáo không dễ dàng chút nào. Các thầy cô phải đi thuyền, lội suối, đi bộ leo dốc giữa cái nắng nóng hơn 40 độ. Nguy hiểm nhất là đi thuyền, thời điểm hay xảy ra mưa lốc, gặp lốc có thể lật thuyền như chơi. Đường đi vào các bản cực kỳ khó khăn. Trời mưa thì dốc đứng, trơn trượt, trời nắng thì bụi mù. Đơn cử như bản Tủng Hốc nằm sâu trong đảo, cách trung tâm xã Hữu Khuông khoảng 4km đường rừng, lội suối. Để vào được bản, các thầy cô phải phải vượt qua 3 con suối nước lớn và hai dốc cao với đường đá trơn trượt, xói mòn của nước lũ”. Thầy Huấn cho biết thêm.

“Dù gặp nhiều khó khăn, nhưng biết sao được, các thầy cô giáo đã nặng lòng với nghiệp gieo con chữ ở nơi này rồi. Tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục gắng lòng để sự học của các em vươn cao hơn nữa”

----- Thầy giáo Lê Tuyên Huấn, Hiệu trưởng trường Tiểu học Hữu Khuông -----

Với cô giáo trẻ La Thị Nhàn, SN 1994, đây là đầu tiên cô đi xa nhà, dạy học tại nơi xa xôi, hẻo lánh này. Nhớ lại lần đầu bước chân lên thuyền đi vào Hữu Khuông, thuyền chòng chành, cô Nhàn bị say sóng, luôn có cảm giác lo sợ mình sẽ rơi xuống sông bất cứ khi nào, chỉ mong sao thuyền cập bến nhanh nhất. Thế nhưng, niềm phấn khởi, hào hứng khi được về công tác ở ngôi trường mới, đã khiến cô quên hết sự lo âu, sợ hãi.

Cô giáo La Thị Nhàn đang say sưa chỉ dạy cho các em học sinh trong 1 tiết học.

Cô giáo Nhàn cho biết thêm, chồng đi làm xa, cô cũng đi dạy xa nhà, đành để đứa con mới 4 tuổi cho bà nội trông. Vì thế, thời gian đầu, khi đặt chân lên đây, cô nhớ nhà, nhớ con khôn tả. Có lần đi tập huấn, tranh thủ tạt về thăm nhà, về đến nhà đã 8h tối, con đã ngủ, sáng mai 5h mẹ đã phải dậy sớm, bắt xe lên trường. Vậy là, về nhà nhưng con vẫn không được nhìn mặt mẹ. Tối nào, cô cũng gọi điện về để được nhìn thấy con, con khóc, mẹ cũng khóc. Nhưng rồi, vì niềm tin, ước mơ được đem “con chữ” đến được tới các bản làng vùng sâu, vùng xa đã tiếp thêm nghị lực cho cô vượt qua tất cả.  

Chỗ ở các thầy giáo trường Tiểu học Hữu Khuông chỉ là căn phòng căng bạt tạm bợ.

Chúng tôi đến thăm nơi ở của các thầy cô và học sinh trường Tiểu học Hữu Khuông mà ngậm ngùi, xót xa. Đó chỉ là những 1 căn phòng ghép ván tạm bợ, được căng bạt tứ phía để chắn gió, chắn bụi. Không thể ngăn nổi cái nóng hầm hập trong mùa hè hay cái rét tê tái mỗi khi đông lạnh tràn về. Mỗi căn phòng chỉ đủ để kê 2-3 cái giường và chiếc bàn nhỏ cho các thầy soạn giáo án. Không có tủ, quần áo được các thầy móc lên treo gọn gàng cuối chân giường. Ấy thế, mà ngày ngày các thầy cô nơi đây vẫn cặm cụi bám bản, tận tình dạy chữ cho học sinh. Đối với các thầy, cô giáo, được thấy học sinh của mình trưởng thành, có kiến thức là niềm hạnh phúc to lớn, là món quà quý giá nhất cho sự tận tụy với nghiệp “trồng người”.

Ấm lòng những người “lái đò” thầm lặng

Có lẽ chính vì sự trăn trở, nặng lòng với nghiệp gieo chữ, với cuộc sống bà con dân tộc vùng lòng hồ Hữu Khuông, mà đến nay, thầy Dũng, cô Nhân, cô Nhàn, thầy Trung.. cũng như nhiều thầy cô giáo “cắm bản” ở dưới xuôi khác thay vì về quê ăn Tết đã ở hơn một lần ở lại điểm trường, cùng gia đình các em trong bản đón Tết, vui xuân mới. Đặc biệt, những ngày này, hướng tới kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam, sự quan tâm của các cấp chính quyền, của nhà trường, cha mẹ các em học sinh đã động viên, làm ấm lòng các những người "lái đò" thầm lặng đang ngày ngày miệt mài gieo chữ nơi vùng gian khó, biệt lập của huyện Tương Dương.

“Nhớ công ơn của thầy của cô thì phụ huynh thường gửi ít quà vặt mà bà con đi rừng có được như bó rau, quả đậu, hoặc 1 đùm ớt cay nho nhỏ..đó là những tình cảm chân quê của các học sinh gửi gắm đến thầy cô. Đến ngày 20/11, các thầy lại nhận được ngay chính từ các em học trò những bó hoa dại có sẵn ngay xung quanh trường rất là giản dị, nhưng các thầy cô cũng rất là ấm lòng để sẵn lòng ở lại bám bản, bám trường. Nhìn cảnh các em đến tặng hoa như thế làm chúng tôi rất cảm động, thêm tự tin yêu nghề, dạy dỗ các trò”

------ Thầy Lô Thanh Dũng trải lòng -----

"Về phía nhà trường, ngay từ đầu tháng 11 đã có kế hoạch chào mừng kỷ niệm ngày 20/11 phát động các phong trào thi đua trong giáo viên và học sinh nhà trường" – thầy giáo Nguyễn Thế Anh, Phó Hiệu trưởng trường PTDTBT THCS Hữu Khuông nói. Nhà trường cũng tuyên truyền về những hoạt động hướng tới ngày lễ kỷ niệm tới các em và giáo viên thông qua các buổi sinh hoạt Đội và sinh hoạt đầu tuần. Đặc biệt, thông qua các cuộc thi  như: KHKT, Sáng kiến kinh nghiệm, Giáo án dạy học trực tuyến..thi đua lập thành tích chào mừng. Vui nhất là hiện, nhà trường đã có 2 giáo án dạy học trực tuyến lọt vào vòng chung kết của Bộ Giáo dục.

Thầy Lô Thanh Dũng (người mặc áo sọc đỏ) cùng đồng nghiệp xúc động trước món quà nhỏ bé nhưng đầy ý nghĩa mà phụ huynh đi rừng hái được như đọt mây, bó đậu...

“Đón ngày lễ nhà giáo Việt Nam năm nay trong tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, về phòng chống dịch ở địa bàn xã Hữu Khuông đang được kiểm soát  nhưng để đảm bảo không chủ quan trước dịch bệnh, nhà trường luôn đảm bảo giãn cách nhất là các hoạt động tập thể, không tổ chức các hoạt động kỷ niệm tập trung như mọi năm, chỉ tổ chức tọa đàm nhẹ nhàng, nhưng không kém phần ý nghĩa để động viên, chia sẻ, tri ân tới các thầy các cô” - thầy Thế Anh cho biết thêm.

Các cô giáo trường PTDTBT THCS Hữu Khuông tới tận bản vận động các em học sinh quay trở lại trường.

Tương Dương là địa bàn có rất nhiều khó khăn, năm nay càng khó khăn hơn nữa khi phải đối mặt với đại dịch Covid-19. Toàn huyện có gần 700 lớp học, với gần 16.700 học sinh.  Với 1441 cán bộ, GV, trong đó có 508 giáo viên dạy tại các điểm bản lẻ, chủ yếu là GV bậc Mầm non và Tiểu học. Thầy trò nhiều nơi vẫn phải dạy học trong các phòng học tạm bợ và mượn, hoặc phải học trong những căn phòng đã xuống cấp, bàn ghế xập xệ, thiếu thốn trang thiết bị dạy học. Mặc dù có những có khó khăn như vậy nhưng huyện xác định chỉ đạo ngành giáo dục xây dựng kế hoạch để tổ chức, động viên các thầy cô, giáo nhân dịp 20/11. Theo đó, huyện Tương Dương sẽ thành lập các Đoàn do các đồng chí lãnh đạo huyện, trực tiếp đến các điểm trường vùng sâu vùng xa để thăm hỏi, động viên các thầy cô giáo. Đặc biệt, thông qua Ủy ban MTTQ huyện sẽ huy động các nguồn lực từ các tổ chức, doanh nghiệp, cơ quan trong huyện để tạo nguồn lực giúp các trường sớm ổn định CSVC triển khai nhiệm vụ năm học. Đồng thời, giúp các em học sinh theo kịp chương trình học trong tình hình vừa phòng chống dịch bệnh vừa làm tốt công tác dạy học.

Lãnh đạo huyện và phòng GD&ĐT huyện Tương Dương trao đổi với Ban Giám hiệu trường  trường PTDTBT THCS Hữu Khuông.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lô Thanh Nhất, Phó Chủ tịch UBND huyện Tương Dương cho biết: Được sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền, nhất là cấp cơ sở đến nay các trường học trên địa bàn huyện Tương Dương đã triển khai nhiệm vụ năm học đúng chương trình, kế hoạch mà ngành giáo dục đã đề ra. Thời gian tới, để tổ chức các hoạt động kỷ niệm ngày nhà giáo Việt Nam thật ý nghĩa, huyện đề xuất và kêu gọi các tổ chức, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm ủng hộ để giúp thầy trò vùng khó khăn vượt qua dịch bệnh Covid-19. Đồng thời, tổ chức lễ kỷ niệm 20/11 một cách ý nghĩa. Riêng xã Hữu Khuông là xã ốc đảo trong lòng hồ thủy điện Bản Vẽ có rất nhiều khó khăn so với các xã khác trong huyện. "Thầy và trò ở đây chịu rất nhiều cái thiệt thòi vì kết cấu hạ tầng chưa được đảm bảo, đời sống nhân dân rất khó khăn, đặc biệt là ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng với truyền thống “Tôn sư trọng đạo” đến dịp 20/11 học sinh bằng tấm lòng mộc mạc của mình của người con đồng bào, tất cả các em đã luôn hướng về ngày Nhà giáo để tri ân thầy cô" - ông Lô Thanh Nhất nói thêm.

“Hiện nay, huyện Tương Dương đang triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới năm 2018, cơ sở vật chất trường lớp nhất là ở các vùng sâu vùng xa trên địa bàn huyện Tương Dương còn rất thiếu thốn. Chúng tôi đã kêu gọi UBMTTQ huyện phát động phong trào ủng hộ để huy động các nguồn lực trong xã hội, củng cố lại hệ thống CSVC tại các đơn vị này. Đến nay, đã được sự quan tâm của nhiều tổ chức, doanh nghiệp, bước đầu giúp cho huyện có trang thiết bị để tổ chức tốt công tác bán trú ở các bậc tiểu học và THCS”

Ông Lô Thanh Nhất - Phó Chủ tịch UBND Tương Dương

Hiến Chương - Hữu Hoàng

Sự kiện liên quan

    Xem thêm sự kiện