Giáo dục

Thi học kỳ online “thử thách” sự trung thực của cả học sinh, phụ huynh

11:20, 14/01/2022
Thời điểm này, hầu hết các nhà trường đều đã hoàn thành chương trình học kỳ 1, năm học 2021-2022, trong đó bao gồm kiểm tra đánh giá định kỳ theo kế hoạch năm học. Tuy nhiên, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đã khiến nhiều địa phương phải tổ chức dạy học và kiểm tra học kỳ trực tuyến.

Vừa mong muốn học sinh thi trung thực để thầy cô biết học lực của con, nhưng vẫn lo lắng vì điểm vào học bạ… là băn khoăn của không ít phụ huynh. Trên thực tế, thi online chính là cơ hội để nhà trường, phụ huynh và học sinh cùng nhìn lại, thử thách sự trung thực của mình và là dịp nhận ra được những hạn chế của việc dạy và học hiện nay.

 

Chị Trần Thị Thu Phương, ở quận Ba Đình, Hà Nội có 2 con đang tuổi đi học. Với quan điểm việc học là của các con, nên học trực tiếp, làm bài tập, bài thi như thế nào thì chị không can thiệp. Chị Thu Phương cho rằng, dạy và học trực tuyến trong thời gian qua khiến phụ huynh có nhiều thay đổi: "Trong quá trình các con làm bài thì cô vẫn yêu cầu bật camera, tắt mic để tránh tiếng ồn, nên việc bố mẹ nhắc được các con hoàn toàn đơn giản. Trong quá trình thi, ví dụ như là đề trắc nghiệm, các câu có thể các con tính xong thì có thể hỏi mẹ ơi câu này có đúng không hoặc câu này sai hả mẹ, mẹ có thể nhắc là đúng rồi, còn cách làm hay như thế nào thì các con phải tự làm".

Vừa muốn con thi một cách trung thực nhất, nhưng cũng lại băn khoăn nghĩ đến điểm số của con được ghi vào học bạ liệu có thiệt thòi khi con chuyển cấp hay không- đó là tâm lý chung của nhiều phụ huynh khi đồng hành cùng con thi trực tuyến. Hiểu được tâm lý này của phụ huynh, nhiều trường đã yêu cầu học sinh khi làm bài thi phải bật camera, bật mic, nếu không thực hiện sẽ bị coi là phạm quy… Một số trường còn yêu cầu phụ huynh phải trang bị cho con em mình 2 thiết bị có gắn camera, một thiết bị để làm bài, một thiết bị để giám sát quá trình làm bài của học sinh, nhằm hạn chế tiêu cực trong thi cử. Thế nhưng những giải pháp này cũng gây khó cho các gia đình khó khăn về kinh tế, hoặc có 2, 3 con thi cùng một lúc.

Với phương án học sinh phải có 2 thiết bị khi làm bài thi thì phụ huynh phải trở thành “giám thị” bất đắc dĩ cho con, vô tình đã gây áp lực cho cả phụ huynh và học sinh: "Áp lực thi rất lớn. Cô yêu cầu là thi phải có 2 camera, gia đình có máy tính cho con ngồi học, có camera trực tiếp, rồi yêu cầu 1 camera phải rọi sau lưng con, trực tiếp góc con học, bố mẹ thay nhau cầm rọi vào người con, rồi góc nọ đến góc kia, con ngồi thi cũng áp lực", một phụ huynh cho biết.

Để hạn chế tiêu cực trong thi cử, một số trường còn có cách ra đề, tổ chức kiểm tra riêng, như: mỗi học sinh có một link đề riêng, mã đề riêng, học sinh thi trực tuyến nhưng phụ huynh đến trường nộp bài thi…

Theo bà Nguyễn Bội Quỳnh, Hiệu trưởng THPT Việt Đức, Hà Nội và ông Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Liên cấp Marie Curie, Hà Nội, việc các nhà trường tăng cường giải pháp giám sát khi thi học kỳ, để hướng tới một kỳ thi nghiêm túc, công bằng hơn.

"Thi trực tuyến không phải là lần đầu tiên nhưng chúng tôi luôn luôn phải thay đổi, có những cải tiến, điều chỉnh làm sao cho có những cái phù hợp nhất. Thứ nhất là đối với các em học sinh, chúng tôi cũng có quy định là các em chỉ sử dụng một địa chỉ mail. Chúng tôi phải hướng tới có chất lượng hơn trong việc học trong thời gian trực tuyến, để chúng tôi tiếp nhận xem trong thời gian học trực tuyến thì thực tế kiến thức của các em tiếp thu được khoảng bao nhiêu phần trăm, từ đấy chúng tôi cũng có định hướng rõ ràng hơn cho kế hoạch học kỳ 2 sắp tới của nhà trường", bà Quỳnh cho biết.

Còn theo ông Nguyễn Xuân Khang, phụ huynh như thầy cô giáo ở trường, cho các con viết thật sự trong khuôn khổ chừng ấy phút, kết quả ra sao chấp nhận như vậy rồi cùng tìm giải pháp để hỗ trợ các con trong học kỳ 2.

Có học thì sẽ có kiểm tra đánh giá là điều đương nhiên. Trong bối cảnh dịch Covid-19, học sinh buộc phải học và thi trực tuyến tại nhà cũng khiến nhiều người lo ngại về tính khách quan, trung thực. Nhiều chuyên gia cho rằng, để kỳ thi trực tuyến thực sự đánh giá đúng năng lực của học sinh, cùng với việc tổ chức hình thức ra đề phù hợp, thì đòi hỏi sự tự giác của các học sinh và nhất là sự khách quan của các phụ huynh./.

Theo VOV

Sự kiện liên quan

Xem thêm sự kiện