PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT cho biết, đợt tuyển sinh năm 2021 tồn tại tình trạng thí sinh ảo, một em đỗ vào nhiều trường đại học khác nhau trong cùng đợt xét tuyển.
Nguyên nhân chủ yếu do các em đăng ký xét tuyển bằng nhiều phức thức khác nhau như: tham gia kỳ thi riêng, xét tuyển theo học bạ, chứng chỉ quốc tế, kết hợp giữa các phương thức xét tuyển... trong khi chỉ có thể xác nhận nhập học vào một trường, các trường còn lại chỉ là thí sinh ảo.
Do đó, trong đợt tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm năm nay, Bộ GD&ĐT dự kiến xây dựng phần mềm lọc ảo chung cho tất cả các phương thức xét tuyển, bao gồm cả phương thức xét tuyển riêng của các trường đại học thay vì chỉ lọc ảo theo phương thức xét tuyển dựa trên điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT như trước.
Như vậy, mỗi thí sinh sẽ chỉ đỗ 1 nguyện vọng ở 1 phương thức, không còn tình trạng 1 thí sinh đỗ vào nhiều trường ở nhiều phương thức xét tuyển khác nhau như các năm trước.
20 phương thức xét tuyển được các trường đại học sử dụng. |
Mặt khác, phần mềm lọc ảo của Bộ GD&ĐT hiện chỉ áp dụng cho phương thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT, trong khi mùa tuyển sinh 2022 chỉ tiêu dành cho phương thức này ở các trường ngày càng giảm. Ở nhiều trường thậm chí chỉ còn mức trên 50%. Đó là một trong những lý do Bộ quyết định đổi mới hình thức lọc ảo.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, thống kê ba năm gần đây cho thấy tỷ lệ thí sinh ảo tăng vì hệ thống lọc ảo chưa đưa vào được những thí sinh xét tuyển theo phương thức riêng của các trường. Do đó, việc Bộ đưa vào sử dụng phần mềm lọc ảo chung cho tất cả các phương thức sẽ khắc phục được vấn đề trên.
Dự kiến, tất cả các thí sinh dù đăng ký xét tuyển theo phương thức nào cũng sẽ đăng ký trực tuyến lên cổng thông tin chung của Bộ GD&ĐT trong thời gian quy định. Thí sinh sẽ tải các giấy tờ cần thiết lên phần mềm, các trường sẽ chịu trách nhiệm đối sánh, kiểm chứng các giấy tờ này khi thí sinh nhập học nếu đỗ.
Các nguyện vọng được xếp theo thứ tự từ một đến hết, trong đó nguyện vọng 1 là cao nhất. Mỗi thí sinh được cấp một mã số định danh, số này chính là thẻ căn cước công dân của thí sinh. Bộ GD&ĐT đã phối hợp với Bộ Công an để liên kết dữ liệu tuyển sinh với dữ liệu dân số để thực hiện tốt nhất việc quản lý.
Kết thúc thời gian đăng ký, các trường sẽ tải xuống từ phần mềm dữ liệu thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường mình, tự chạy phần mềm xét tuyển riêng của trường và cập nhật kết quả thí sinh trúng tuyển trở lại phần mềm chung của Bộ để chạy lọc ảo trên toàn hệ thống. Theo đó, mỗi thí sinh sẽ chỉ đỗ một nguyện vọng ở một phương thức xét tuyển vào một trường theo nguyên tắc ưu tiên nguyện vọng cao hơn.
Chủ trương xây dựng và áp dụng một phần mềm lọc ảo chung của Bộ GD&ĐT đã nhận được sự đồng thuận của nhiều trường đại học vì sẽ khắc phục được tình trạng thí sinh ảo. Đây vốn là vấn đề “đau đầu” với các trường mỗi mùa tuyển sinh bởi nếu không tính toán trừ số lượng thí sinh ảo chính xác thì trường sẽ có nguy cơ thiếu hoặc thừa chỉ tiêu.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin