Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An ban hành Quyết định số 2124/QĐ-UBND về “Phê duyệt Chiến lược phát triển bền vững giáo dục và Đào tạo Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Cụ thể, trong Chiến lược phát triển bền vững giáo dục và đào tạo Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nêu quan điểm về việc, thực sự coi giáo dục là quốc sách hàng đầu. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển, ưu tiên đầu tư trước cho phát triển giáo dục trong các nguồn lực phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh này.
Phát triển bền vững giáo dục và đào tạo gắn với phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Quan tâm hợp tác, hội nhập quốc tế để huy động nguồn lực phát triển giáo dục; đảm bảo chất lượng đầu ra đáp ứng chuẩn quốc gia, khu vực và quốc tế; góp phần cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của địa phương và đất nước.
Hình thành môi trường giáo dục toàn diện, nhằm hướng tới con người phát triển tự nhiên, có sức khỏe, trí tuệ, phẩm chất và năng lực, có ý thức, trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và xã hội.
Đồng thời, trong Chiến lược nói trên cũng nêu ưu tiên các nguồn lực, tập trung phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Xây dựng hình thành hệ thống mạng lưới trường phổ thông dân tộc nội trú, bán trú, trường có học sinh bán trú, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện và hội nhập quốc tế.
Theo mục tiêu trong Chiến lược đề ra, năm học 2022-2023, Nghệ An sẽ sát nhập 3 trường là Đại học Kinh tế Nghệ An, trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An và trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Nghệ An và đổi tên thành Trường Đại học Nghệ An. |
Định hướng hướng phát triển theo đó cũng được nêu rõ, đó là chú trọng phát triển chương trình giáo dục địa phương, chương trình nhà trường theo hướng hiện đại, hội nhập nhằm hình thành nguồn nhân lực, phát huy điểm mạnh, cải thiện những điểm yếu của con người xứ Nghệ trong môi trường lao động chuyên nghiệp.
Tập trung ưu tiên thúc đẩy nâng cao năng lực ngoại ngữ, tin học cho học sinh và người lao động; đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội địa phương và tham gia có uy tín vào thị trường lao động cả nước.
Đồng thời, coi trọng hoàn thiện mô hình trường trọng điểm chất lượng cao, trường tiên tiến theo xu thế hội nhập quốc tế, nâng cao chất lượng trường đạt chuẩn quốc gia, hình thành phẩm chất, năng lực cơ bản của công dân toàn cầu; nhằm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế.
Tầm nhìn cụ thể trong Chiến lược này cũng chỉ ra rằng, giáo dục Nghệ An sẽ có hệ thống cơ sở giáo dục và đào tạo đạt chuẩn quốc gia, khu vực và quốc tế; có vị thế, uy tín trong hệ thống giáo dục quốc gia và khu vực. Trở thành trung tâm đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp, có khả năng đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho hội nhập và phát triển kinh tế - xã hội; thúc đẩy năng lực cạnh tranh và thịnh vượng của tỉnh này.
Qua đó, tỉnh này đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2025, sẽ có 75% đến 78% trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 30% trường đạt mức độ 2.
Đưa chất lượng giáo dục toàn diện của tỉnh Nghệ An đạt trên mức bình quân chung cả nước, dẫn đầu khu vực Bắc Trung Bộ; 20% học sinh phổ thông đạt chuẩn ngoại ngữ, tin học quốc tế theo chuẩn đầu ra. Đồng thời, thực hiện tái cơ cấu các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh này thành Đại học Nghệ An.
Trong mục tiêu cụ thể đến năm 2030 của Chiến lược này cho biết, có ít nhất 80% trường đạt chuẩn quốc gia, trong đó có 35% trường đạt chuẩn mức độ 2. Xây dựng được 20% trường mầm non, phổ thông tự chủ, tiên tiến theo xu thế hội nhập quốc tế. 100% giáo viên mầm non, giáo viên phổ thông đạt chuẩn đào tạo, trong đó có 30% trên chuẩn theo Luật Giáo dục 2019; 10% giáo viên có năng lực dạy chương trình quốc tế.
Có đủ 100% phòng học, phòng chức năng kiên cố và bán kiên cố, trong đó 15% cơ sở có phòng học thông minh. Tỷ lệ huy động đảm bảo yêu cầu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 3 tuổi, duy trì mức độ phổ cập đã đạt, trong đó có 45% đơn vị đạt phổ cập giáo dục Trung học cơ sở mức độ 3.
Chất lượng giáo dục toàn diện của tỉnh Nghệ An đạt vị thứ 15-20 toàn quốc và dẫn đầu các tỉnh Bắc Trung Bộ; 50% học sinh đạt chuẩn ngoại ngữ, tin học quốc tế theo chuẩn đầu ra.
Có ít nhất 1 trường phổ thông quốc tế;
Đại học Nghệ An được xếp hạng khu vực, quốc tế.
Để đảm bảo thực hiện được các mục tiêu đề ra, trong Chiến lược cũng đã nêu ra một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu. Trong đó có việc tập trung nguồn lực đầu tư, đảm bảo điều kiện phát triển bền vững giáo dục và đào tạo.
Cụ thể, việc xây dựng quy hoạch phát triển từng giai đoạn đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội và nhu cầu học tập của người dân được gắn với các nhiệm vụ như:
Tiếp tục sáp nhập trường lớp gắn với chủ trương sát nhập địa bàn hành chính; dồn dịch các điểm trường đảm bảo thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018; phấn đấu giảm từ 23-25 trường, 35-65 điểm trường và 50% đến 70% lớp ghép.
Tiếp tục phát triển mô hình trường phổ thông chất lượng cao, trường mầm non, phổ thông tiên tiến theo xu thế hội nhập quốc tế; phấn đấu giai đoạn đầu xây dựng được 6-9 trường mầm non, phổ thông; nhân rộng được 15%-20% trường mầm non, phổ thông thực hiện.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tỉnh Nghệ An sẽ phấn đấu xây dựng được 20% trường mầm non, phổ thông tự chủ, tiên tiến theo xu thế hội nhập quốc tế. 100% giáo viên mầm non, giáo viên phổ thông đạt chuẩn đào tạo. |
Ưu tiên xây dựng các trường phổ thông dân tộc bán trú, thí điểm thực hiện trường trung học phổ thông bán trú ở các huyện miền núi cao; phát triển hài hòa giữa giáo dục công lập và ngoài công lập, ưu tiên các vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới và các đối tượng chính sách; phấn đấu chuyển đổi thành trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học với 40-45 trường, trung học cơ sở 9-11 trường.
Bên cạnh đó, việc tái cơ cấu các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh này được yêu cầu thực hiện theo hướng tinh gọn, đa ngành, đa nghề, chuẩn hóa, hiện đại và hội nhập. Đảm bảo lộ trình phát triển.
Năm học 2022-2023, sáp nhập 3 trường là Trường Đại học Kinh tế Nghệ An, trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An và trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Nghệ An và đổi tên thành Trường Đại học Nghệ An. Đến năm 2025, tái cơ cấu các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh này thành Đại học Nghệ An.
Đến năm 2030, phát triển theo hướng chuẩn hóa khu vực và quốc tế và đến năm 2045, quyết tâm đưa Nghệ An trở thành trung tâm đào tạo của khu vực Bắc Trung Bộ và cả nước.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin